16/09/2023 12:52 GMT+7

Người bạn của voi rừng

Ông Bình cầm chiếc máy ảnh được cấp để chụp những lần đàn voi rừng về làng rồi quả quyết với cán bộ bảo tồn: "Trên giấy tờ thì các anh ghi tám con, nhưng thực tế tui chắc chắn có chín con"...

Ông Bình chụp ảnh một con trong đàn voi mà theo ông là có chín con ở gần nhà mình - Ảnh: VĂN BÌNH

Ông Bình chụp ảnh một con trong đàn voi mà theo ông là có chín con ở gần nhà mình - Ảnh: VĂN BÌNH

Nói rồi ông mở chiếc máy ảnh, bấm đến từng loạt ảnh cận cảnh đàn voi về ngay bên nách vườn nhà mình. Những hình ảnh sống động, cận cảnh rõ ràng từng con voi hoang dã được lão nông chụp lại.

Rừng xanh và đàn voi hoang dã

Tới giờ, lão nông Nguyễn Văn Bình (70 tuổi), nhà ở bìa rừng thôn Cấm La, xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn, Quảng Nam), đã là người "nổi tiếng".

Ông được mời đi gặp gỡ các chuyên gia bảo tồn voi, được Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi rừng huyện Nông Sơn mời tham gia mạng lưới tuần tra ghi nhận sự di chuyển của đàn voi rừng được khoanh nuôi.

Một buổi trưa, căn nhà của ông Bình nằm bên vùng đệm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi rừng huyện Nông Sơn đón đoàn khách vào thăm.

Ông Bình đang ngồi gỡ tấm lưới cũng bỏ dở việc, say sưa cung cấp thông tin về voi. Những mẩu tin của ông không đầu không cuối, nhưng những chi tiết xuất hiện của voi hay bất kỳ dấu hiệu nào di chuyển của đàn voi rừng đang được bảo tồn cũng trở nên quý giá cho người làm bảo tồn.

Người dân ở vùng Quế Lâm cho biết trước khi thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi rừng huyện Nông Sơn, chuyện voi xuất hiện là bình thường.

Thời điểm đó, rừng còn thâm u, voi và thú nhiều như trâu bò dân nuôi. Người dân lúc đó chỉ biết tìm cái ăn no bụng chứ chưa nghĩ đến chuyện bảo tồn như giờ.

Lâu dần, sự xâm lấn của con người làm nương rẫy, dựng làng mạc khiến voi mất dần không gian sinh tồn và sự xung đột ngày càng nhiều. Chính ông Bình cũng không ít lần khốn khổ vì "va" phải đàn voi.

Nhưng khác với nhiều người khác, dù bị "voi đuổi" suốt hàng chục năm, phải dời nhà tới bốn lần, nhưng người đàn ông này lại chưa một lần xua đuổi hay tìm cách bức hại đàn voi hoang dã. Ông lại trở thành người đắc lực nhất hỗ trợ theo vết, bảo vệ đàn voi ở khu bảo tồn.

Ông Bình cầm kẻng xua đàn voi không tới gần khu dân cư - Ảnh: B.D.

Ông Bình cầm kẻng xua đàn voi không tới gần khu dân cư - Ảnh: B.D.

Dời nhà vì voi

Ông Bình kể lần đầu tiên đối diện với voi rừng về quấy phá là khi còn làm cán bộ quản lý trong khu dân cư nằm lọt giữa rừng già. Thời điểm đó chưa thành lập khu bảo tồn, chuyện chạm mặt voi rừng ở khu dân cư nằm giữa bốn bề rừng thẳm luôn là nỗi ám ảnh.

Nhiều người tìm đủ mọi cách để xua đuổi voi, thậm chí gây tổn thương cho voi bằng những hung khí nguy hiểm, nhưng ông thì không.

Sau đó, khi Nhà nước có chủ trương đưa dân ra khỏi rừng già, vợ chồng ông Bình về dựng túp lều ở Sầm Nưa. Nhưng một lần nữa ông lại bị voi rừng "truy đuổi". Ngôi nhà dựng lên bao nhiêu lần đều bị voi về quật đổ, hoa màu trồng tới kỳ thu hoạch đều bị đàn voi đông đúc kéo về giẫm nát.

Chịu không thấu sự quậy phá của đàn voi, mấy năm sau đó vợ chồng ông Bình đành phải dời nhà ra bên ngoài, cách nhà cũ tầm 10km. Nhưng đàn voi vẫn không dừng lại. Voi tiếp tục quậy phá, húc đổ các ngôi nhà và vườn tược.

Lão nông làng Cấm La này đưa chúng tôi cuốn sách nhàu nhĩ mà ông nói đó là cuốn "lịch vạn niên". Cuốn nhật ký đặc biệt này ghi không đều đặn giữa các trang. Có những trang bỏ trống, không một dòng chữ nhưng có những trang chi chít chữ ghi đè lên nhau.

"Tầm tháng 7, tháng 8, voi về thường xuyên nên tui ghi đè lên từng trang giấy ở mốc thời điểm đó. Những ngày tháng khác thì không ghi vì voi di chuyển qua nơi khác", ông giải thích.

Căn nhà ông Bình cùng vợ giờ đã nằm bên cầu Cấm La, các hộ gia đình khác đã dời đi nơi khác vì không chịu đựng nổi sự quậy phá của đàn voi.

Ngôi nhà ông Bình đang ở đã là nhà thứ tư trong hành trình "chạy trốn" đàn voi suốt hàng chục năm qua. Nhưng khác với những lần trước, vợ chồng ông trở thành người bảo vệ và canh giữ cho đàn voi.

Ông Bình đưa chúng tôi ra sau lưng ngôi nhà cấp 4 của mình. Ngay sát đám ruộng, mấy gốc bưởi là trảng rừng keo bắt đầu tiếp nối vào vùng lõi khu bảo tồn.

"Từ đây tới vị trí đàn voi đang nằm cỡ 2km đường chim bay. Gần lắm. Tôi có thể biết chính xác chúng đang ở đâu, rõ mặt và tâm tính từng con trong đàn", ông Bình cười kể.

Vợ ông (bà Mẫn) đứng kể rồi cười ngặt nghẽo rằng cách đây chưa lâu, bà và chồng vô tình... đứng rút rơm khô cho voi ăn mà không hề hay biết.

"Tầm 2h sáng hôm đó trời rét nên trâu bò rất đói. Tui với ông Bình ra vườn rút rơm khô đút cho đàn bò ăn. Đang lụi cụi thì thấy cái gì tiếng cứ khịt khịt, tui nhìn lên thì trước mặt mình ôi trời ơi hai cái đầu voi to hơn hai cái thúng đang ủi ủi vào tui.

Ổng cũng hoảng nhưng biết tâm tính voi nên bảo tui đứng nguyên, cứ lấy tay rút rơm cho chúng ăn xem như mình không biết gì. Tui rút rơm mà nín thở. Mấy chú voi cứ thò vòi vô ăn, chứ không tấn công. Lúc sau thì cả đàn quay đi. Giờ nghĩ lại vẫn thấy nghẹt thở", bà Mẫn kể.

Ông Bình làm ruộng, nhà cửa ngay sát rừng nên chạm mặt voi thường xuyên. Mỗi ngày ông còn vào rừng để chăn đàn bò 20 con. Không ít lần ông gặp đàn voi lù lù trước mặt mình.

Ông bảo lúc đầu voi thấy ông thì đuổi, nhưng lâu dần hiểu thói quen của chúng nên ông tìm cách đi ngược hướng gió. Voi không ngửi thấy mùi mồ hôi của người nên không tấn công.

Cứ thế năm này qua năm khác, đàn voi với ông như những người bạn. Ông nhớ mặt từng con trong đàn. Cách đây mấy năm, ông đã reo lên khi thấy đàn voi này có thêm một con non...

Ông Bình và vợ chạm mặt với voi rừng thường xuyên và ghi chép lại kỹ lưỡng - Ảnh: B.D.

Ông Bình và vợ chạm mặt với voi rừng thường xuyên và ghi chép lại kỹ lưỡng - Ảnh: B.D.

Giúp đỡ việc bảo tồn

Ông Mai Văn Dưỡng (giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn) bật cười khi nói rằng ông Bình giờ được biết đến không chỉ là lão nông chăn bò mà còn có biệt danh là "người chăn voi".

Năm 2017, trước sự hăng hái và yêu quý đàn voi, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn đã quyết định cấp cho ông Bình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số và hướng dẫn ông sử dụng.

Gia đình ông cũng được cấp các dụng cụ cảnh báo voi. Công việc hằng ngày của lão nông này là đi chăn bò nhưng trong túi áo luôn để sẵn chiếc máy ảnh. Hàng trăm thông tin về lịch trình xuất hiện, hiện trạng bầy đàn, số lượng... kèm hình ảnh được ông Bình chụp, ghi chép tỉ mỉ và cung cấp phục vụ cho công tác bảo tồn.

Hết thời voi bị truy đuổi

Lão nông Nguyễn Văn Bình kể rằng dù đàn voi tàn phá ruộng nương, nhà cửa, ống nước của ông không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ ông ghét chúng. Đơn giản, ông nói voi cũng như con người.

Rừng núi xưa vốn dĩ thuộc về chúng, nhưng con người xâm lấn khiến không gian sinh tồn voi bị thu hẹp dần buộc chúng phải chật vật tìm thức ăn.

Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn Mai Văn Dưỡng nói trong bảo tồn thì ý thức cộng đồng là điều vô cùng quan trọng.

Ông Bình cùng bà con đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về giá trị của voi, cho voi một không gian sinh tồn thuộc về tự nhiên.

Để voi thong dong giữa rừngĐể voi thong dong giữa rừng

TTO - Trong khi những chú voi tại huyện Buôn Đôn và Lắk (Đắk Lắk) đang phải căng mình xoay tua chở khách thì ba con voi của Vườn quốc gia Yok Đôn rất vui vẻ, hạnh phúc dưới tán rừng khộp để tự do kiếm ăn, tìm cây thuốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên