22/02/2016 13:06 GMT+7

Ngoại trưởng Nhật không đi Bắc Kinh vì Biển Đông

NGÔ HẠNH
NGÔ HẠNH

TT - Hãng tin Kyodo News ngày 21-2 đưa tin quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản xấu đi sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida không công du Trung Quốc như dự kiến vào tháng 4-2016.

Phía Bắc Kinh rút lại lời mời do khó chịu với động thái của Tokyo tại Biển Đông. 

Cùng ngày, các nước tiếp tục có những tuyên bố và hành động phản ứng thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tại Biển Đông.

Báo Guardian dẫn lời ngoại trưởng Úc Julie Bishop cảnh báo nguy cơ từ các tên lửa của Bắc Kinh.

“Quan điểm của tôi là nếu có tên lửa đất đối không tại khu vực có máy bay thương mại bay qua sẽ có nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm” - bà Bishop nói, tuy nhiên khẳng định các chuyến bay thương mại nên tiếp tục đi qua Biển Đông để buộc Trung Quốc giữ cam kết không quân sự hóa khu vực. Bà Bishop đã nêu ra “quan ngại sâu sắc” này tại chuyến công du Trung Quốc mới đây.

Trong khi đó, đại sứ Úc tại Philippines Amanda Gorely tuyên bố Canberra sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra thể hiện “sự tự do đi lại” trên Biển Đông. Bà Gorely khẳng định quan điểm của Úc về tranh chấp tại khu vực sẽ không bao giờ thay đổi và kêu gọi các nước tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực The Hague.

Trang Inquirer ngày 21-2 dẫn lời lãnh đạo Bộ chỉ huy phía tây các lực lượng vũ trang Philippines, phó đô đốc Alexander Lopez, tuyên bố quân đội nước này đã “lên kế hoạch cho những kịch bản tồi tệ nhất” trong tranh chấp Biển Đông.

Ông Lopez chỉ trích Trung Quốc đe dọa an ninh và quân sự hóa khu vực khi triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm.

Trước đó, bộ Ngoại giao Philippines cũng ra tuyên bố quan ngại động thái của Bắc Kinh làm “xói mòn niềm tin và làm leo thang tình hình vốn đã căng thẳng tại khu vực”.

Theo giới chuyên gia và ngoại giao, việc triển khai tên lửa trên Biển Đông cho thấy tham vọng ngày một lớn của Trung Quốc trên Biển Đông và nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ còn tăng cường sự hiện diện quân sự trong 1-2 năm tới.

“Nó sẽ cho Trung Quốc thêm thực lực khi đưa ra các cảnh báo” - Reuters dẫn lời chuyên gia Ian Storey của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore).

NGÔ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên