16/09/2021 09:49 GMT+7

Ngăn chặn nạn săn bắt, trả lại bình yên cho đàn chim trời mùa di cư

LÊ MINH
LÊ MINH

TTO - Trước sự ra quân quyết liệt của cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh, vài năm nay nạn bắt chim tự nhiên trong mùa di cư đã được hạn chế tối đa.

Ngăn chặn nạn săn bắt, trả lại bình yên cho đàn chim trời mùa di cư - Ảnh 1.

Một đàn cò kiếm ăn trên cánh đồng ở Hà Tĩnh - Ảnh: LÊ MINH

Vào khoảng đầu tháng 9 hằng năm là thời điểm chim tự nhiên bắt đầu vào mùa di cư. Chim về đậu trên các cánh đồng, lùm cây ven biển, trong đó cò, cói được nhiều người ưa chuộng làm thực phẩm, do đó nạn đánh bắt trở nên phổ biến.

Tại Hà Tĩnh, những năm trước đây trên các cánh đồng không khó bắt gặp người dân dựng lán để bẫy chim. Những con cò mồi thật, cò mồi giả đặt khắp cánh đồng. Thậm chí, người dân còn đầu tư loa phát tiếng chim, dụng cụ lưới để đánh bắt cò, cói được nhiều hơn.

Cò, cói sau khi đánh bắt được bày bán công khai. Tại các tuyến đường lớn liên huyện không khó để bắt gặp những người dân đứng bên đường mời chào khách mua.

Hiện tại, đến những nơi được coi là "thủ phủ" của nạn bẫy bắt chim rất khó để bắt gặp tình trạng đánh bắt hay mua bán cò, cói công khai, rầm rộ như trước. Trên các cánh đồng đã gặt lúa xuất hiện những đàn cò, cói nhưng tuyệt nhiên không thấy ai đặt bẫy, giăng lưới để bắt.

Ngăn chặn nạn săn bắt, trả lại bình yên cho đàn chim trời mùa di cư - Ảnh 2.

Những con cò mồi giả bị lực lượng chức năng tịch thu - Ảnh: LÊ MINH

Tình trạng đánh bắt chim tự nhiên giảm hẳn từ năm 2020, kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Tháng 9-2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản số 6050/UBND-NL hướng dẫn triển khai chỉ thị số 29, yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã… cho các tổ chức, cá nhân và mọi người dân, do đó tình trạng săn bắt động vật hoang dã nói chung, nạn đánh bắt cò, cói nói riêng tại Hà Tĩnh giảm rõ rệt.

Ông Phan Xuân Mậu - chủ tịch UBND xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà - cho hay 2 năm nay tại địa phương gần như không còn nạn đánh bắt cò, cói. Các khu chợ trước đây thường bày bán cò, cói cũng đã được dẹp bỏ.

"Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân không đánh bắt chim cò trái pháp luật. Chính quyền và người dân ủng hộ việc truy quét, ngăn chặn nạn bẫy chim trời mùa di cư" - ông Mậu nói.

Ngăn chặn nạn săn bắt, trả lại bình yên cho đàn chim trời mùa di cư - Ảnh 3.

Chim giả, que nhựa dùng để bẫy chim bị lực lượng chức năng tịch thu tiêu hủy - Ảnh: LÊ MINH

Sáng 16-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Quốc Long - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh - cho hay từ đầu tháng 9 tới nay, đơn vị này phối hợp với chính quyền 13 huyện thị và lực lượng công an ra quân ngăn chặn tình trạng đánh bắt chim trời di cư một cách quyết liệt.

Trong khoảng 15 ngày qua, lực lượng chức năng đã tổ chức 46 cuộc kiểm tra, phát hiện, thu giữ gần 5.800 con chim mồi giả, hơn 15.600 que nhạ, 11.250m lưới, 39kg nhạ, 13 bộ loa phát tín hiệu tiếng chim giả, 40m dây điện, 172 cột tre và thả vào tự nhiên 158 con chim mồi.

Theo ông Long, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét liên tục nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép. Đồng thời triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên trên toàn tỉnh.

Ngăn chặn nạn săn bắt, trả lại bình yên cho đàn chim trời mùa di cư - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng thả cò mồi tịch thu được về môi trường tự nhiên - Ảnh: LÊ MINH

Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.

Thả chim phượng hoàng quý hiếm về rừng Thả chim phượng hoàng quý hiếm về rừng

TTO - Con chim Hồng hoàng quý hiếm (còn gọi là Phượng hoàng đất) vừa được Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp lực lượng vườn Quốc gia Bạch Mã thả về rừng.

LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên