10/10/2019 15:42 GMT+7

Nga nói cáo buộc nuôi đơn vị tình báo phá hoại châu Âu là 'giật gân rẻ tiền'

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Về sự tồn tại của đơn vị tình báo 29155 chuyên gây bất ổn ở châu Âu đăng trên tờ New York Times của Mỹ, Điện Kremlin phản pháo gọi đây là "chuyện giật gân rẻ tiền" do truyền thông phương Tây nghĩ ra.

Nga nói cáo buộc nuôi đơn vị tình báo phá hoại châu Âu là giật gân rẻ tiền - Ảnh 1.

Vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal năm 2018 được cho là có dính líu đến đơn vị tình báo 29155 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin TASS, trả lời câu hỏi của phóng viên về bài báo ngày 8-10 của tờ New York Times, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov chế giễu những cáo buộc rằng Nga dùng lực lượng tình báo để gây bất ổn ở châu Âu là "chuyện giật gân".

"Tổng thống Putin mong muốn Matxcơva xây dựng quan hệ song phương tốt đẹp với các nước châu Âu. Điều này đã được khẳng định rất nhiều lần" - ông Peskov chốt lại.

Theo thông tin từ New York Times (NYT), tình báo phương Tây mới phát hiện ra sự tồn tại của đơn vị tình báo đặc biệt 29155, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga - tiền thân là Tổng cục Tình báo quân đội (GRU), chuyên đứng sau các vụ ám sát và âm mưu đảo chính đình đám ở châu Âu.

"Ít nhất 10 năm tung hoành"

Theo tờ báo Mỹ, Unit 29155 đã hoạt động ít nhất 10 năm nhưng phương Tây chỉ mới phát hiện gần đây. Quan chức tình báo thuộc 4 nước phương Tây nói họ không biết Nga huy động đơn vị này thường xuyên đến mức nào; không cách nào biết khi nào và ở đâu các điệp viên 29155 sẽ ra tay.

Unit 29155 đặt bản doanh đằng sau các bức tường bêtông của tòa trụ sở Trung tâm Huấn luyện đặc biệt 161 nằm ở phía đông Matxcơva, theo các nguồn tin.

Tuy không dễ để nắm thông tin về tình báo quân đội Nga, phương Tây đã bắt đầu có cái nhìn rõ ràng hơn về cấu trúc bên trong nó. Vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống 2016, quan chức Mỹ tiết lộ hai đơn vị tình báo mạng GRU là 26165 và 74455 đã tấn công cơ sở dữ liệu của Đảng Dân chủ và nhóm tranh cử của bà Hillary Clinton.

Nếu như 26165 và 74455 hoạt động từ xa trên không gian mạng, các điệp viên 29155 xâm nhập trực tiếp vào châu Âu, nhiều người là cựu binh lão luyện trở về từ các chiến trường đẫm máu Afghanistan, Chechnya và Ukraine. 

29155 bí mật đến mức tình báo phương Tây tin rằng trong nội bộ GRU chưa chắc ai cũng biết về họ. Chỉ huy của đơn vị này được cho là thiếu tướng Andrei V. Averyanov, nhân vật từng xuất hiện trong bức ảnh đám cưới với đại tá Anatoly V. Chepiga - người bị London cáo buộc tham gia vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal năm ngoái.

"Đơn vị GRU này đã hoạt động trong nhiều năm trên khắp châu Âu. Quả là một cú sốc" - một quan chức an ninh châu Âu giấu tên bình luận.

Nga nói cáo buộc nuôi đơn vị tình báo phá hoại châu Âu là giật gân rẻ tiền - Ảnh 2.

Nhà buôn vũ khí người Bulgaria Emilian Gebrev sống sót sau 2 lần bị ám sát năm 2015 - Ảnh: NYT

Những dấu vết để lại

Theo New York Times, tình báo phương Tây phát hiện Unit 29155 sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016 ở Montenegro, trong đó hai điệp viên đã âm mưu ám sát thủ tướng nước này và chiếm tòa nhà quốc hội.

Và phải đến tháng 3-2018, chương trình hành động cụ thể của 29155 mới sáng tỏ hơn sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal ở TP Salisbury, Anh. Ông Skripal và cô con gái bị phơi nhiễm chất độc thần kinh liều cao nhưng may mắn sống sót.

Sự kiện lần đó gây ra một trận chiến địa chính trị long trời, hơn 20 quốc gia trong đó có Mỹ đã trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga để thể hiện tình đoàn kết với London. 6 tháng sau, tòa án Anh kết án hai nghi phạm người Nga gồm Anatoly V. Chepiga và Alexander Mishkin tội chủ mưu vụ ám sát.

Trước đó nữa, vào năm 2015, Mishkin còn tham gia một nhóm điệp viên 29155 trong chiến dịch thủ tiêu nhà buôn vũ khí người Bulgaria Emilian Gebrev. Ông này bị ám sát hụt 2 lần, một lần ở thủ đô Sofia, lần khác là tại nhà riêng ở Biển Đen. 

Xuất hiện tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2, sếp Alex Younger của Cục Tình báo hải ngoại Anh (MI6) nói lấp lửng về "mối đe dọa Nga" như sau: "Có thể thấy một chương trình hành động có phối hợp, và đúng vậy, nó thường liên quan đến cùng một nhóm người".

Các quan chức an ninh châu Âu cũng thắc mắc về chuỗi thất bại của 29155, Skripal và Gebrev đều sống sót sau ám sát, chưa kể đến vụ đảo chính hụt ở Montenegro. Nhiều khả năng họ chưa lần ra hết các chiến dịch khác, hoặc người Nga cố tình để lại dấu vết như vậy.

"Nhiệm vụ tình báo dạng đó là một phần của chiến tranh tâm lý. Không phải họ quá khích đâu, họ muốn chứng tỏ sự hiện diện, đó là một phần của cuộc chơi" - ông Eerik-Niiles Kross, cựu quan chức tình báo Estonia, nhận xét.

Nga lần ra quan chức tình nghi làm gián điệp cho Mỹ Nga lần ra quan chức tình nghi làm gián điệp cho Mỹ Iran tuyên bố "cất vó" bắt gần 20 gián điệp làm cho CIA Iran tuyên bố 'cất vó' bắt gần 20 gián điệp làm cho CIA Cựu lính thủy Mỹ bị Nga cáo buộc là gián điệp cầu cứu Tổng thống Trump Cựu lính thủy Mỹ bị Nga cáo buộc là gián điệp cầu cứu Tổng thống Trump
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên