29/03/2013 09:33 GMT+7

Nén nhang dọc đường biên giới

TỐ OANH
TỐ OANH

TT - Từ biên giới miền sông nước đồng bằng lên vùng đất đỏ miền Đông, nghe được biết bao câu chuyện hào hùng, khốc liệt của bộ đội biên phòng gìn giữ biên cương trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Có hơn 10 đồn biên phòng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay sau chiến tranh biên giới kết thúc. Đi đến đâu, đoàn chúng tôi cũng bồi hồi thắp nén nhang trước bia tưởng niệm các liệt sĩ biên phòng đã ngã xuống vì bình yên Tổ quốc.

1SzsLFMg.jpgPhóng to
Chăm sóc đài tưởng niệm liệt sĩ đồn biên phòng 973 Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đây là nơi 35 người lính biên phòng đã hi sinh trong trận chiến không cân sức với quân Khmer Đỏ - Ảnh: N.C.T.

Cảm tử quân

Ao sen ở đồn biên phòng Phú Mỹ (thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) quanh năm hoa nở thơm ngát. Sen luôn được các chiến sĩ ở đồn dâng lên đài tưởng niệm 35 liệt sĩ hi sinh vào rằm và mồng 1 hằng tháng. Bùi ngùi cùng những người lính của đồn thắp nén nhang tưởng niệm, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện quả cảm của 30 cảm tử quân.

“4 giờ sáng 16-5-1978, đài kỹ thuật báo: Khmer Đỏ đưa khoảng hai trung đoàn tiến đánh vào Kiên Lương và Phú Mỹ. Trên địa bàn Phú Mỹ lúc này có tiểu đoàn 207, tiểu đoàn công binh quân khu, đại đội cơ động 1, du kích Phú Mỹ và một đại đội địa phương của tỉnh Minh Hải. Đến rạng sáng 17-5-1978 địch huy động trên ba tiểu đoàn bộ binh, có pháo binh bên kia biên giới và Giồng Kè yểm trợ.

Ngay lúc đầu địch dùng hỏa lực cắt đứt sự chi viện của các lực lượng của ta, chúng đã đánh bật được một số chốt của các đơn vị bạn đóng ở phía ngoài. Một số chốt phải rút lui, điện đài liên lạc bị cắt đứt, đồn biên phòng Phú Mỹ hoàn toàn bị cắt đứt liên lạc với các đơn vị bạn. Địch tấn công liên tục, 37 chiến sĩ trong đồn chống trả quyết liệt trong tình huống không cân sức và đang chờ vào chi viện từ các đơn vị bạn. Nhưng càng chờ đợi càng không thấy vì các đơn vị gần đó đã bị địch đánh bật ra khỏi vị trí, không thể trở lại chi viện cho đồn được. Trước tình hình đó, ban chỉ huy đồn quyết định cử hai đồng chí đưa hai thương binh bò len lỏi qua vòng vây của địch phía sau đồn. Tất cả 30 sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ còn lại thành lập đội cảm tử quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.Tài liệu của đồn được chủ động hủy hết vì thấy rằng cuộc chiến đấu sẽ rất cam go, nếu có rút ra được thì cũng không thể đem theo.

Hơn 5 giờ sáng 17-5-1978, địch tăng thêm một tiểu đoàn và bắt đầu tấn công. Lúc này nhóm cảm tử tập trung về một điểm vì đạn còn rất ít, phải tính toán hết sức cẩn thận, tiết kiệm đạn chờ địch đến gần mới nổ súng tiêu diệt. Anh em vừa đói vừa mệt, lực lượng càng lúc càng tiêu hao. Đến khoảng 12g ngày 17-5 đồn hoàn toàn không còn một viên đạn. Thấy không còn tiếng súng, địch tràn lên tấn công chiếm trận địa, các cảm tử quân dùng báng súng, lê chiến đấu đến giây phút cuối cùng. 12g15, 30 cảm tử quân đã anh dũng hi sinh.

Ngày 20-12-1979, đồn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

A31f1gKr.jpgPhóng to
Gắn tặng huy hiệu Tuổi Trẻ cho cựu chiến binh Lê Xuân Kinh, từng là trung đội trưởng đồn biên phòng 843 trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nay là đồn biên phòng Phước Tân, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh - Ảnh: N.C.T.

Người ở lại

Binh nhất Phạm Văn Thừa, đồn biên phòng Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), hai tháng qua nhận nhiệm vụ chăm sóc bia tưởng niệm 23 liệt sĩ của đồn cùng 24 chiến sĩ du kích địa phương. Thừa chia sẻ: “Ngày nào sau khi lau dọn, vệ sinh bia xong mình cũng thắp nhang cho các chú mà lòng cứ bồi hồi. Trên bia khắc tên liệt sĩ khi hi sinh chỉ mới 18-19 tuổi, bằng tuổi mình bây giờ. Tinh thần quả cảm với trận chiến 43 ngày đêm bám trụ giữ đồn của các chú, từng thùng nước uống phải đổi bằng máu đã hun đúc thêm ý chí, tinh thần trong những người lính trẻ vào đồn như mình rất nhiều”.

Tưởng nhớ đồng đội hi sinh, ông Trần Thế Tuyển - nguyên tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cựu binh sư đoàn 5 miền Đông Nam bộ - đã vận động xây dựng nhà tưởng niệm liệt sĩ đồn Long Khốt. Mọi người đã chọn ngày sinh nhật Bác hằng năm để tổ chức giỗ các liệt sĩ.

Ký ức về cuộc chiến đấu ác liệt bảy ngày bảy đêm cùng đồng đội giữ đồn biên phòng anh hùng Phước Tân (Châu Thành, Tây Ninh) còn mãi trong cựu chiến binh Lê Xuân Kinh (65 tuổi). Thắp nén nhang cho 36 đồng đội ở bia tưởng niệm ngay trên vị trí chốt gác cũ, nước mắt người lính già như nhòe đi với câu chuyện 35 năm trước: “Đó là ngày 7-11-1977, tôi thuộc trung đội cơ sở trinh sát. Nhận được thông tin khuya nay địch sẽ tấn công đồn, chúng tôi giúp dân sơ tán đến nơi an toàn rồi gài mìn, bố trí trận địa đến 12 giờ đêm mới xong. Súng đã nổ, đường dây thông tin bị phá hủy, điện đàm tê liệt hết. Ngày đầu tiên, đồng chí đồn trưởng hi sinh ngay trước mắt tôi. Một viên M79 bắn ở tầm gần trúng vào ngôi sao trên mũ khiến tôi bật ngã xuống giao thông hào, đạn văng ra trúng chiến sĩ Mạnh Liêm và nổ. Liêm hi sinh. Liêm chỉ mới nhập ngũ, tuổi đời còn xuân phơi phới. Mới hôm qua Liêm và Phơn còn được gia đình ở ngoài Bắc vào thăm động viên. Bảy ngày bị cô lập, những người lính hi sinh nằm xếp gần nhau, trong đó có đồng chí Phạm Văn Hiểu, chính trị viên của đồn, vừa nhận quyết định chuyển về bộ chỉ huy tỉnh, tối đó là bữa cuối chia tay với anh em đồn...”.

Một cột mốc đau thương, mất mát quá lớn trong đời đã theo suốt người chiến binh sống sót. Ông chọn mảnh đất Phước Tân làm quê hương khi rời quân ngũ, ngày ngày lại ghé qua bia tưởng niệm thắp nén nhang ấm cúng cho đồng đội.

Tối thứ năm của hành trình, chúng tôi đến được đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Đồn biên phòng đầu tiên được thành lập của tỉnh Tây Ninh (năm 1973) trước cả bộ chỉ huy tỉnh. Đây là địa bàn trọng điểm của vùng biên giới bảo vệ Trung ương cục miền Nam, đặc biệt trong chiến tranh biên giới Tây Nam khốc liệt. Trong bóng tối bao trùm đêm biên giới, thiếu tá Trịnh Văn Dụm, gần 20 năm công tác tại đồn, đưa chúng tôi đến bia tưởng niệm 14 liệt sĩ để thắp nén nhang trong đêm.

Thiếu tá Dụm chia sẻ: “Tinh thần quả cảm của các liệt sĩ ngã xuống đã ở trong tim của biết bao thế hệ lính biên phòng. Họ là một tượng đài lớn để giáo dục tình yêu biên giới quê hương trong lớp trẻ. Nhiều đoàn học sinh, bà con địa phương thường xuyên đến viếng bia tưởng niệm vào những ngày lễ. Còn riêng tôi, ngày nào, làm gì cũng dành ít phút ghé vào thắp nén nhang cho đồng đội”.

Tiếp tục dừng chân ở các đồn biên phòng Lò Gò,Hoa Lư, Đa Quýt, Hoàng Diệu... trên đất Bình Phước, lại nghe những câu chuyện về khí phách anh hùng của người lính biên phòng thời chiến tranh ác liệt. Mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi như được thắp lên ngọn lửa yêu quê hương đất nước mãnh liệt hơn.

___________

Kỳ tới: Băng rừng già theo đường tuần tra

TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên