03/04/2023 17:12 GMT+7

Năm nay, 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường

Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM năm 2023 sẽ được bổ sung thêm nhiều mặt hàng thiết yếu như mặt hàng bột, thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, các mặt hàng cháo tươi, tập vở...

Năm nay, 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường - Ảnh 1.

Chương trình bình ổn thị trường TP.HCM năm 2023 sẽ được bổ sung thêm nhiều mặt hàng thiết yếu - Ảnh: N.TRÍ

Theo Sở Công Thương TP.HCM, kế hoạch năm 2023, có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (đã bao gồm mặt hàng sữa), tăng 3 doanh nghiệp so với năm 2022; 11 doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ học tập.

Cụ thể, hoạt động phân phối có các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu cả nước như: Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Central Retail (hệ thống Big C, Go!, Top Market…), Wincommerce, MM Mega Market, AEON, Fahasa, Satra…

Hoạt động sản xuất, cung ứng có các doanh nghiệp quy mô lớn như Vinamilk, Nutifood, TH True Milk, Vissan, Vinh Phát, Ba Huân, San Hà, C.P Việt Nam, Vinamit, Lương thực TP.HCM, Bình Tây, Miliket,…

Trong đó, một số đơn vị lần đầu tham gia chương trình như: Công ty LD Bột quốc tế (bột Mikko), Công ty Anh Kim (cháo Cây Thị), Công ty Wincommerce (hệ thống Winmart, Winmart+…).

Ngoài ra, theo ngành công thương TP, chương trình bình ổn năm 2023 sẽ bổ sung nhiều mặt hàng so với năm ngoái.

Cụ thể, các mặt hàng lương thực, thực phẩm: bổ sung nhóm các mặt hàng bột, các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, các mặt hàng cháo tươi, xúp dinh dưỡng đóng gói, các mặt hàng đặc sản vùng miền như rong nho, măng, nấm, măng chua…

Các mặt hàng phục vụ học tập: bổ sung nhóm các mặt hàng dụng cụ học sinh như: giấy kiểm tra, giấy thủ công, giấy bao tập, giấy kê tay, nhãn học sinh, tập chép nhạc, sổ giáo án, tập vẽ, thời khóa biểu...

Về lượng hàng, căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2022, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2023 tăng 3% - 5% so năm 2022; chiếm từ 23% đến 31% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.

Về giá bán, chương trình có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán hàng bình ổn thị trường, giá bán được xác định trên cơ sở thống nhất của nhiều bên liên quan gồm doanh nghiệp cung ứng, phân phối, cơ quan nhà nước để đảm bảo ổn định giá, vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp, lợi ích phù hợp của người tiêu dùng.

Quyền lợi, nghĩa vụ... các bên liên quan

Từ năm 2023, chương trình bình ổn thị trường sẽ được triển khai theo quy chế triển khai chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM được ban hành theo quyết định số 4556/QĐ-UBND.

Theo đó, điểm mới của chương trình là quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, tiêu chuẩn của doanh nghiệp tham gia; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện.

Ngoài ra, bình ổn thị trường sẽ kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của thành phố như kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch…

Người dân thắt chặt chi tiêu, bán lẻ suy giảmNgười dân thắt chặt chi tiêu, bán lẻ suy giảm

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 481.800 tỉ đồng, giảm 6% so với tháng trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên