29/12/2012 08:54 GMT+7

Mỹ đối mặt với khó khăn tài chính

VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ
VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ

TT - Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo quốc hội nhóm họp ngày 28-12 trong nỗ lực ngăn chặn nước Mỹ rơi xuống “vách đá tài khóa” khi năm mới sắp đến.

TCkAXITB.jpgPhóng to

Tổng thống Obama phải cắt ngắn kỳ nghỉ để về Nhà Trắng họp gấp với các lãnh đạo quốc hội - Ảnh: Reuters

Theo báo Washington Post, ông Obama cùng hai lãnh đạo Đảng Dân chủ là Harry Reid và Nancy Pelosi đã “nói chuyện phải trái” với hai đối thủ Cộng hòa là chủ tịch hạ viện John Boehner và lãnh đạo phe Cộng hòa thiểu số tại thượng viện Mitch McConnell. Giới quan sát nhận định đây là cơ hội cuối cùng để Chính phủ và Quốc hội Mỹ tìm giải pháp thoát ra khỏi “vách đá tài khóa” trước ngày 1-1-2013.

Từ đầu năm mới 2013, chương trình giảm thuế dưới thời tổng thống Bush sẽ hết hạn. Khi đó, theo ước tính của Trung tâm Chính sách thuế Mỹ, cứ 10 người sẽ có 9 người phải đóng thuế thêm trung bình 3.500 USD/năm. Ngoài ra, các sáng kiến giảm thuế mà ông Obama đưa ra năm 2009 cũng hết hạn. Viện Brookings cảnh báo “vách đá” này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 1.000 tỉ USD, GDP tăng trưởng âm kéo theo kinh tế toàn cầu cũng sẽ lao đao.

Hậu quả nghiêm trọng

Báo New York Times mô tả viễn cảnh khủng khiếp đối với dân Mỹ nếu đất nước rơi xuống “vách đá tài khóa” như sau: đầu tiên là gần 3 triệu người thất nghiệp sẽ mất đi khoản trợ cấp 290 USD/tuần. Những hộ gia đình thu nhập thấp hơn 50.000 USD/năm sẽ phải đóng thêm ít nhất 1.000 USD/năm tiền thuế. Khoảng 25 triệu người Mỹ sẽ mất 1.000 USD/năm tiền phúc lợi, 8 triệu trẻ em sẽ rơi vào cảnh đói nghèo. Những phụ nữ làm mẹ đơn thân có thu nhập thấp sẽ bị cắt khoản trợ cấp thuế 1.725 USD/năm xuống còn vỏn vẹn 165 USD. Khoảng 28 triệu người Mỹ kiếm được từ 100.000-500.000 USD/năm phải đóng thêm thuế, nhưng thiệt hại của họ không là gì so với tầng lớp nghèo nhất trong xã hội.

Ban đầu, Tổng thống Obama đề xuất giữ nguyên chương trình giảm thuế thời tổng thống Bush cho các cá nhân có thu nhập dưới 250.000 USD/năm. Chỉ có tầng lớp nhà giàu mới bị tăng thuế. Ông Obama khẳng định chính sách này sẽ bảo vệ 98% người Mỹ và 97% doanh nghiệp nhỏ. Thế nhưng, Đảng Cộng hòa khăng khăng bác bỏ việc tăng thuế cho nhà giàu - đối tượng mà họ gọi là “những người tạo ra công ăn việc làm”.

Theo CNN, ông Obama mới đây đã phải nhượng bộ và đề xuất nâng mức thu nhập phải chịu tăng thuế lên 400.000 USD/năm. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa tỏ ý ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, ông Boehner và ông McConnell vẫn cương quyết không thay đổi quan điểm. Ông Boehner đề xuất một “kế hoạch B” nhằm duy trì mức thuế thấp hiện tại cho giới nhà giàu, nhưng bị chính các nghị sĩ Cộng hòa ở hạ viện phản đối. Lên tiếng chỉ trích ông John Boehner là “một chủ tịch độc tài”, ông Reid thẳng thừng tuyên bố: “Ông ta dường như quan tâm đến việc giữ ghế chủ tịch hạ viện hơn là đảm bảo đất nước có sự vững vàng về tài chính”.

Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, phần đông người Mỹ đã đổ lỗi cho phe Cộng hòa về nguy cơ “vách đá tài khóa” và sự bế tắc hiện nay. Giới quan sát dự báo nếu tình hình này tiếp diễn, đầu năm 2013 giá chứng khoán Phố Wall sẽ sụt giảm nghiêm trọng, tạo ra sức ép lớn lên phe Cộng hòa.

2013, đánh dấu sự tụt hậu của Mỹ?

Theo báo USA Today, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo năm 2013 nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng yếu ớt. “Trong hai năm qua, nền kinh tế Mỹ bị mắc kẹt với mức tăng trưởng GDP yếu ớt và tình hình này sẽ tiếp tục vào năm 2013” - chuyên gia Sean Snaith thuộc Viện Cạnh tranh kinh tế (IEC) nhận định. Kể cả khi chính phủ và quốc hội giải quyết được “vách đá tài khóa” thì nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn.

Tháng 1-2013, luật kiểm soát ngân sách 2011 sẽ buộc chính phủ phải tự động cắt giảm ngân sách 1.200 tỉ USD nếu Quốc hội Mỹ không hành động để ngăn chặn. Sau đó vào tháng 2-2013, nợ công Mỹ sẽ lại chạm trần. Năm ngoái, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã tranh cãi quyết liệt về trần nợ công và chỉ đạt được một thỏa thuận vào phút cuối, khiến thị trường chứng khoán tụt dốc và định mức tín nhiệm Mỹ bị hạ bậc. Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn ở mức cao gần 8%.

Trên trang Bloomberg, giáo sư Simon Johnson thuộc Viện kinh tế quốc tế Peterson đặt câu hỏi: “Phải chăng năm 2013 là năm đánh dấu sự tụt dốc nghiêm trọng của nước Mỹ?”. Theo giáo sư Johnson, kể cả nếu ngày mai Chính phủ Mỹ đẩy lùi được nguy cơ “vách đá tài khóa” thì nước Mỹ cũng chưa thể xây dựng được một hệ thống thuế hiệu quả, giảm gánh nặng chi phí y tế hay đầu tư thêm vào giáo dục.

Theo giáo sư Johnson, nước Mỹ đang rơi vào một cuộc “nổi loạn thuế nguy hiểm”. Trong đó phe Cộng hòa khăng khăng đòi giảm nguồn thu liên bang từ thuế dù dân số đang già đi, gánh nặng phúc lợi xã hội gia tăng, nhưng lại không đưa ra được đề xuất nào cụ thể về việc cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội hiệu quả.

“Do đó, Chính phủ Mỹ sẽ phải tiếp tục vay tiền với lãi suất thấp. Và chúng ta tiếp tục ngần ngại thảo luận về ngân sách quốc gia. Bộ máy chính trị tiếp tục e sợ, không dám đối đầu với các nhóm lợi ích hùng mạnh của Phố Wall. Sớm muộn thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng ngán ngẩm với Mỹ, và lãi suất đi vay của nước Mỹ sẽ gia tăng. Khó có thể tưởng tượng nổi áp lực mà đất nước sẽ phải đối mặt lúc đó” - giáo sư Johnson cảnh báo.

VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên