07/09/2023 15:11 GMT+7

Mật độ khí nhà kính và mực nước biển tăng cao kỷ lục

Năm 2022, mật độ khí nhà kính trên toàn cầu ở mức 417,1 ppm, cao nhất trong 800.000 năm qua kể từ khi các dữ liệu được thu thập.

Băng trôi trên vịnh Disko ở Ilulissat, Greenland, ngày 30-6-2022 - Ảnh: AFP

Băng trôi trên vịnh Disko ở Ilulissat, Greenland, ngày 30-6-2022 - Ảnh: AFP

Mật độ khí nhà kính, mực nước biển trên toàn cầu và hàm lượng nhiệt ở đại dương đã tăng lên các mức cao kỷ lục trong năm 2022. Dữ liệu này được đưa ra trong báo cáo của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) về "Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2022", công bố ngày 6-9.

Theo báo cáo, năm ngoái, mật độ khí nhà kính trên toàn cầu ở mức 417,1 ppm, tăng 2,4 ppm so với năm 2021 và cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức cao nhất trong 800.000 năm qua kể từ khi các dữ liệu được thu thập.

Nhiệt độ bề mặt đại dương và mực nước biển trên toàn cầu cũng tăng lên các mức cao nhất trong lịch sử. Theo NOAA, trong 50 năm qua, đại dương đã hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng do khí nhà kính bị giữ lại trong khí quyển.

Hàm lượng nhiệt đại dương trên toàn cầu, tính từ bề mặt đại dương đến độ sâu 2.000m, tiếp tục tăng và chạm mốc kỷ lục mới vào năm 2022. Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng năm thứ 11 liên tiếp, đạt mức kỷ lục mới là 101,2mm so với mức trung bình năm 1993 khi các vệ tinh bắt đầu ghi số liệu.

Trong khi đó, nhiệt độ trung bình hằng năm trên bề mặt Trái đất cao hơn 0,25 - 0,30 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020. Điều này đã khiến năm 2022 trở thành một trong 6 năm nóng nhất được ghi nhận kể từ giữa thế kỷ 19.

Năm ngoái cũng là năm nóng nhất trong số những năm xảy ra hiện tượng La Nina vốn làm mát bầu khí quyển, trái ngược với các tác động của chu kỳ nóng lên El Nino.

Cũng theo NOAA, các đợt sóng nhiệt đã phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ trên toàn cầu. Tháng 7 vừa qua, khu vực Tây Âu hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt kéo dài 14 ngày. Một trạm thời tiết ở vùng England (Anh) lần đầu ghi nhận nhiệt độ 40 độ C, trong khi hơn 100 trạm thời tiết ở Pháp báo cáo các mức nhiệt cao kỷ lục.

Nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu đã khiến các sông băng trên dãy núi Alps tan nhanh chưa từng thấy. Tại Trung và Đông Á, nhiệt độ cao kỷ lục trong mùa hè đã dẫn đến tình trạng khô hạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến hơn 38 triệu người và gây thiệt hại kinh tế lên đến 4,75 tỉ USD.

Hơn 500 khoa học gia soạn báo cáo khí hậu toàn cầu

Báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu" của NOAA được công bố hằng năm, cung cấp thông tin cập nhật về các chỉ số khí hậu trên Trái đất, các sự kiện thời tiết đáng chú ý cũng như dữ liệu thu thập từ các trạm thời tiết và thiết bị giám sát môi trường trên đất liền, đại dương và trong không gian.

Báo cáo này được biên soạn dựa trên sự đóng góp của hơn 570 nhà khoa học ở hơn 60 quốc gia.

NASA chỉ điểm 50 nơi siêu phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kínhNASA chỉ điểm 50 nơi siêu phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính

TTO - Các nhà khoa học NASA đã sử dụng một công cụ vốn được thiết kế để nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của bụi với khí hậu, để xác định được hơn 50 điểm trên thế giới siêu phát thải khí methane.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên