13/12/2022 08:24 GMT+7

Mang phở đến những gia đình trẻ em bị bại não ở Nam Định

VŨ TUẤN - NGỌC ĐÔNG
VŨ TUẤN - NGỌC ĐÔNG

TTO - Ngay sau Gala Ngày của phở được tổ chức ở công viên Vị Xuyên, TP Nam Định hôm qua, các đầu bếp Hoa hồi vàng đã tự tay nấu phở chiêu đãi những trẻ bị bại não.

Mang phở đến những gia đình trẻ em bị bại não ở Nam Định - Ảnh 1.

Đối với những ông bố, bà mẹ có con là trẻ bại não, các con được ăn phở như những đứa trẻ bình thường là điều hạnh phúc nhất - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

130 trẻ bại não được tham gia hoạt động cộng đồng đầu tiên sau Gala Ngày của phở được tổ chức ở Nam Định.

Nhịn ăn trưa chờ ăn phở

Đoàn Ngọc Hải, ở xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định cùng mẹ đến Bảo tàng tỉnh Nam Định để được ăn phở. Hải cười nói suốt buổi, từ bé đến giờ Hải mới được đến chơi cùng nhiều bạn giống mình, nhiều bố mẹ luôn quan tâm, trìu mến hỏi han cậu. Hải "xung phong" ăn bốn tô phở nhỏ. "Cháu thích lắm! Phở thơm, ăn được no!" - Hải nói rồi gắp một miếng to. Mẹ em khoe, trưa nay Hải không chịu ăn trưa, nhất định chờ đến chiều để được ăn nhiều phở.

Bàn kế bên, vợ chồng chị Hoàng Thị Dung ở thôn Trầm Phương, xã Yên Phương (Ý Yên, Nam Định) và hai con được đón lên thành phố Nam Định ăn phở, nhận quà. Những món quà gồm tiền mặt Ban tổ chức Ngày của phở đã thu được từ tiền bán vé Gala Ngày của phở hôm 11-12 tại công viên Vị Xuyên, thành phố Nam Định.

Chị Dung cho hay, hai vợ chồng lấy nhau được hơn 11 năm thì cũng 10 năm vất vả đưa con chữa bệnh. Cháu Đinh Tiến Đạt 6 tháng chưa biết lẫy, chỉ khóc ngằn ngặt suốt đêm. Anh Đinh Văn Phú - chồng chị - ngày đi làm phụ hồ, đêm thức cùng vợ bế con. Đến viện bác sĩ chẩn đoán cháu bị bại não, phải phẫu thuật nối gân, rồi đi viện trị liệu ròng rã.

Đứa thứ hai sinh ra cũng khóc ngằn ngặt, giống anh. Bao nhiêu tiền của của gia đình dồn hết vào chạy chữa cho con. Chị đưa hai cháu lên Hà Nam để được tập luyện, cháu phục hồi tốt. Thế nhưng từ ngày có dịch COVID-19, chồng chị mất việc, chi phí chạy chữa cho con mỗi tháng gần 15 triệu đồng. Hai vợ chồng đành đưa cháu về quê, anh Phú đi làm phụ hồ, chị Dung ở nhà chăm con. "Không được tập luyện, các cháu diễn biến xấu - chị Dung lau nước mắt - Chúng tôi rất muốn đưa cháu đến những hoạt động thế này để các cháu được vui chơi, hay được ăn những món cháu thích".

Ước mơ trở thành người bình thường

Chị Vũ Thị Huyên, chủ nhiệm nhóm trẻ bại não tỉnh Nam Định, cho hay chị cũng có con rơi vào trường hợp này. Chị đã nghỉ việc để chiến đấu với bệnh tật cùng con rồi tham gia vào chi hội của câu lạc bộ trẻ bại não nhằm kết nối, chia sẻ để những gia đình có con bị bại não cùng vượt qua bệnh tật.

"Nhìn hình ảnh các con đang ăn kia - chị Huyên nói - chỉ là hình ảnh bình thường thôi, nhưng là mơ ước và mong ước lớn nhất của trẻ bại não. Chỉ là hành động ăn thôi, rất đơn giản với tất cả mọi người nhưng đối với trẻ bại não, ăn là một sự vượt qua, các con muốn ăn phải học, phải tập luyện. Chúng em mong được như những đứa trẻ bình thường".

Bại não không giống những bệnh khác. Nếu chưa phải thể nặng, có điều kiện để tập luyện thì các cháu sẽ dần bình phục và có tương lai. Nhưng nếu không được tập luyện, các cháu lại chuyển biến xấu. "Những nhà từ thiện, ủng hộ trẻ khuyết tật thường hướng tới tương lai. Họ ít quan tâm đến trẻ bại não vì có thể những món quà ủng hộ chỉ có ý nghĩa trước mắt, không có kết quả. Tám năm chúng tôi đơn độc. Đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của cộng đồng" - chị Huyên rơi nước mắt.

Chị Huyên đại diện cho những bố, mẹ của 130 cháu kém may mắn trong tỉnh Nam Định cho hay, họ không mong muốn cộng đồng phải thương hại mà chỉ mong không bị kỳ thị. Những cháu phát triển tốt, dần trở lại bình thường đều là những cháu tự nỗ lực vượt qua. Bên cạnh luôn có bàn tay dìu dắt của người mẹ.

Chị Ngô Thị Bích Hằng, ở Ý Yên, Nam Định mới đưa cháu Ngô Văn Tú từ Hà Nội về. Nghe có dịp được ăn phở chiêu đãi của các đầu bếp giỏi, chị Hằng đưa con về để con được ăn phở, được gặp gỡ nhiều người.

Chị Hằng cho hay, vợ chồng chị biết Tú bị bại não từ lúc bé 6 tháng tuổi. Từ đó, cả nhà lên Hà Nội thuê phòng trọ. Bố đi làm thuê, mẹ ở nhà vừa chăm con vừa dạy con học. Năm nay Tú lên 8, không có điều kiện để vào viện tập luyện, chị Hằng tự dìu dắt con tập đi, tập cầm nắm, tập cả vệ sinh cá nhân. "Cháu đã biết đọc, biết viết rồi anh ạ! - chị Hằng cho hay - Em khác dạy cháu học, cháu đọc được sách, thích lắm!".

Mong rằng Ngày của phở sẽ lan tỏa nhiều hơn nữa

z3954329126795_bdb6d4568524ced4e418d8b600d00c48

Hoa hậu H'Hen Niê thái thịt làm phở cho các em - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Chiều 12-12, nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng đã đồng hành cùng Ngày của phở 2022 trao những suất phở yêu thương đến 130 trẻ em bại não tại tỉnh Nam Định.

Gắn bó với Ngày của phở đã ba mùa, hoa hậu H’Hen Niê tham gia nhiều hoạt động cộng đồng góp phần quảng bá cho phở Việt.

"Món phở được nhiều người yêu thích, trong từ điển Oxford được ghi rất rõ ràng. Hen rất vui và hãnh diện vì điều đó, Hen rất muốn lan tỏa niềm hạnh phúc đó đến với người dân Việt Nam, tất cả mọi người đều có cơ hội thưởng thức phở, yêu phở, lấy đó làm niềm tự hào... Trong những năm tới nếu có cơ hội và Ngày của phở tiếp tục dành lời mời cho Hen, Hen sẽ tiếp tục tham gia và quảng bá, chia sẻ để mọi người dành trọn cho phở Việt ngày 12-12".

Đồng hành cùng chương trình Ngày của phở, MC Vũ Mạnh Cường cảm thấy đây là một ngày vô cùng ý nghĩa. "Chúng ta không chỉ tôn vinh, vinh danh phở món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam mà còn có những hoạt động vô cùng ý nghĩa cho cộng đồng.

Hôm nay, Cường đã có cơ hội gặp gỡ với các bé trong chi hội gia đình và trẻ bại não của Nam Định, cảm thấy rất xúc động. Cứ mỗi khi Ngày của phở đến với địa phương nào thì ở đó lại giống như một ngày hội lớn.

Tất cả mọi người được thưởng thức phở và chia sẻ tình yêu thương. Cường mong rằng trong những năm tới, Ngày của phở sẽ ngày càng hoạt động lớn mạnh hơn nữa với những hoạt động có ý nghĩa như vậy", anh Cường nói.

Là lần đầu tiên tham gia Ngày của phở, hoa hậu Ban Mai cùng đồng hành với sự kiện trong suốt ba ngày tại tỉnh Nam Định. Mai "bật mí" Nam Định cũng là nguyên quán của cô. "Nhờ Ngày của phở mà Mai có cơ hội được về quê hương của mình, tìm hiểu về phở và muốn lan tỏa câu chuyện của phở đến mọi người.

Hôm nay, khi phục vụ những tô phở cho những "vị khách đặc biệt", Mai thực sự rất xúc động. Dù chỉ là một tô phở nhỏ nhưng có giá trị tinh thần rất lớn, thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách", Mai chia sẻ.

NGUYỄN HIỀN - DƯƠNG LIỄU

Ngày của phở 12-12 - Tinh hoa hội tụ

Từ ngày 10 đến 12-12, tại TP Nam Định, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam và UBND tỉnh Nam Định tổ chức Gala chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 năm 2022 với chủ đề Phở Việt - Tinh hoa hội tụ.

Ngày của phở 12-12 năm nay là một chuỗi sự kiện, được phối hợp tổ chức với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Vụ Thông tin báo chí, báo Thế Giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao).

Đồng thời, chuỗi sự kiện cũng nhận được sự đồng hành của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam - đơn vị đã gắn bó với Ngày của phở 12-12 xuyên suốt sáu năm liền, và các đơn vị đồng hành: Sasco, Minh Long, Sâm Ngọc Linh Kontum K5, Number One, tương ớt Chinsu, Quân Phạm...

Mang phở đến những gia đình trẻ em bị bại não ở Nam Định - Ảnh 5.
Ngày của phở: Đưa những tô phở yêu thương đến với trẻ em bại não tại Nam Định Ngày của phở: Đưa những tô phở yêu thương đến với trẻ em bại não tại Nam Định

TTO - ‘Đây là trải nghiệm mà tôi nghĩ là lần đầu tiên và quý giá nhất, trong hành trình được đồng hành cùng với các con’, chị Vũ Thị Huyên, đại diện Chi hội Gia đình trẻ bại não Nam Định, xúc động chia sẻ tại chương trình cộng đồng Ngày của phở.

VŨ TUẤN - NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên