05/08/2019 10:22 GMT+7

Lý Sơn bây giờ, chuyện vứt rác ra biển dần là dĩ vãng

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Từ đội bới lòng biển dọn rác thải để Lý Sơn không rác thải nhựa, đến nhóm thiện nguyện 'Quỹ Nhân ái Lý Sơn' đi vào hang cùng ngõ hẹp tìm hiểu từng mảnh đời, nâng họ bước qua khó nghèo, tinh thần trách nhiệm của người trẻ tỏa đi khắp đảo.

Lý Sơn bây giờ, chuyện vứt rác ra biển dần là dĩ vãng - Ảnh 1.

Rác thải ở đảo Lý Sơn được những người trẻ dọn dẹp sạch sẽ, môi trường dần trong xanh trở lại- Ảnh: L.X.T.

Những người trẻ tuổi ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã viết nên câu chuyện tử tế giữa trùng khơi sóng vỗ.

Đội dọn rác cơ động

Nơi nào có rác, lập tức được đăng lên Facebook và những người con Lý Sơn tự tập hợp thành đội đi dọn. Và kể từ đầu năm, khi phong trào Vì Lý Sơn không rác thải nhựa hình thành cũng là lúc những con người trẻ tuổi xông pha ra tuyến đầu, bới lòng đại dương lôi từng khối rác thải lớn lên khỏi đáy biển, trả lại cho thiên nhiên vẻ đẹp vĩnh hằng.

Ở Lý Sơn bây giờ, ý thức người dân dần được nâng cao, câu chuyện vứt rác bừa bãi ra biển dần lùi về dĩ vãng.

Ông Nhiên - chủ cây xăng Nhiên Phường, nhà ngay cầu cảng - nhớ lại một thời rác ngập ngụa khắp nơi. Chính ông đã nhiều lần kêu gọi người dân ngừng xả rác, nhưng rồi chẳng ai nghe lời nói của ông. Biển là của chung, chẳng ai khóc cho đại dương. Họ chỉ muốn nhà mình sạch, còn không gian chung chẳng ai đoái hoài.

"Ý thức người dân từng rất kém. Vậy mà từ ngày bọn trẻ đi dọn rác thì đến bà bán nước đầu cảng cũng không còn vứt nữa. Tôi nghĩ dần dà sẽ chẳng còn rác như trước" - ông Nhiên kỳ vọng.

Con trai và con rể ông Nhiên cũng thường xuyên tham gia chương trình này. Với cả hai, đó là trách nhiệm, họ không muốn đùn đẩy việc dọn sạch đảo cho thế hệ sau. Chính họ phải làm điều này trước khi quá muộn.

Trong câu chuyện buổi xế chiều nơi cầu cảng thanh bình, chen lẫn trong việc cá mú, biển khơi, dễ dàng bắt gặp những nhóm thanh niên hỏi nhau chỗ này chỗ kia có rác không.

Theo nhóm người trẻ này, dọc quanh bờ kè đảo chỗ nào cũng là điểm đen rác thải. Những nơi càng vắng người, nguy cơ bị đổ trộm rác thải ra biển lớn hơn. Việc ngay sau khi phát hiện rác đi dọn dẹp sẽ đánh thẳng vào suy nghĩ của người vứt. Không lẽ mình vứt cho người khác dọn. Đó là đích hướng đến của nhóm, phải thay đổi suy nghĩ "việc dọn dẹp chẳng thể làm đảo sạch lên được".

Lý Sơn bây giờ, chuyện vứt rác ra biển dần là dĩ vãng - Ảnh 2.

Rác thải ở đảo Lý Sơn được những người trẻ dọn dẹp sạch sẽ, môi trường dần trong xanh trở lại- Ảnh: L.X.T.

Phong trào Vì Lý Sơn không rác thải nhựa không chỉ dừng lại ở đảo Lớn, "chi nhánh" nhóm Vì Lý Sơn không rác thải nhựa quy tụ thanh niên trên đảo Bé cùng nhau góp tiền tạo quỹ mua bao tay, túi đựng rác lao ra biển dọn rác mỗi chiều cuối tuần. Từ hốc đá đến lòng biển, bãi biển ở đâu có rác thải, ở đó sẽ được dọn sạch.

Đồng hành cùng thanh niên địa phương là những du khách đến đảo tham quan. Với nhiều du khách, việc dọn rác như một hình thức du lịch văn minh. Đôi tay vấy rác bẩn thì đảo sẽ sạch đẹp hơn.

Điều tuyệt vời kéo những con người xa lạ hướng về mục đích duy nhất: "Sự hoang sơ của đảo Lý Sơn phải được trả lại như trong câu chuyện chúng tôi nghe những người già kể. Lúc đó có rùa biển, san hô rất đẹp" - du khách Nguyễn Thanh Xuân (24 tuổi, Hà Nội) tham gia dọn rác cùng với những thanh niên đảo Bé tâm sự.

Anh Trần Văn Quỳnh - người sáng lập phong trào Vì Lý Sơn không rác thải nhựa - là người Hà Nội, hai năm qua anh vào Lý Sơn sinh sống. Trong những lần tắm biển, anh thấy rác thải quá nhiều và tự tay dọn. Càng về sau, anh nghĩ cần kêu gọi thanh niên trên đảo cùng dọn rác.

Thế là Facebook Vì Lý Sơn phát triển bền vững ra đời, nơi công khai những đống rác thải và cũng là nơi hội tụ anh em trên toàn đảo.

Đã đến lúc con người sống hài hòa với thiên nhiên. Chúng ta không thể bắt thiên nhiên gánh khối rác thải nhựa con người sử dụng và thải ra mỗi ngày. Tôi rất vui khi là cầu nối cho nhiều người trẻ cùng tham gia dọn rác. Nhìn đảo sạch đẹp hơn tôi thấy rất vui.

Anh TRẦN VĂN QUỲNH

Cứu lấy những mảnh đời

Chúng tôi may mắn khi cùng anh Nguyễn Hữu Danh (31 tuổi), thành viên thường trực ở đảo của Quỹ Nhân ái Lý Sơn, đi trao số tiền 7 triệu đồng mà những tấm lòng góp lại trao cho gia đình anh Phạm Ở Viễn (33 tuổi, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn). Số tiền này được nhóm phát động kêu gọi quyên góp sau khi vợ anh Viễn đột ngột qua đời.

Người đàn ông ốm nhom, lại mang bệnh nặng đưa đôi tay nhận phần quà trong tiếng thở dài đau khổ. Vợ anh Viễn là lao động chính trong nhà, vậy mà cách đây ba tháng, trong lúc hái rong mơ tại gành biển gần danh thắng chùa Hang, người vợ bất ngờ sụp hố nước sâu, túi rong nặng trĩu là thành quả sau một ngày hái rong chị cột vào người kéo tuột chị xuống nước.

Cái chết bất ngờ của người vợ khiến anh Viễn đứng trước những khó khăn chồng chất. Căn nhà lọt thỏm phía sau con đường chỉ đủ một người đi, càng thêm não nề khi đứa con 6 tuổi níu chân cha hỏi mẹ, còn đứa con nhỏ 15 tháng tuổi khóc đòi sữa mẹ.

"Tôi chẳng biết cha con phải sống như thế nào, cảm ơn các anh em quỹ nhân ái trong nhiều ngày qua liên tục động viên giúp đỡ gia đình tôi" - anh Viễn nghẹn ngào.

Anh Danh choàng tay động viên anh Viễn rằng nhóm sẽ tiếp tục đồng hành, có khó khăn gì sẽ ra tay trợ giúp. Số tiền mỗi lần trợ giúp dù không nhiều để khỏa lấp hết khó khăn, nhưng cũng giúp gia đình anh Viễn vượt qua cảnh ngặt.

Anh Danh chia sẻ: "Quan trọng là mình đến động viên, anh em trong nhóm luôn tâm niệm giúp người bằng tấm lòng. Có thể chia sẻ gì chúng tôi luôn sẵn lòng".

Cả nước hướng về Lý Sơn

viec nghia cua nguoi tre ly son (1) 4(read-only)

Anh Danh (phải) đại diện Quỹ Nhân ái Lý Sơn trao số tiền ủng hộ anh Viễn sau cái chết thương tâm của người vợ - Ảnh: TRẦN MAI

Từ ngày được thành lập, nhóm đã quy tụ cả những người con Lý Sơn làm ăn xa xứ cùng chung lòng hướng về những hoàn cảnh khó khăn trên đảo. Xuyên suốt 10 năm thành lập, chẳng thể đếm hết bao nhiêu thân phận được giúp đỡ trong lúc khó khăn.

Người sáng lập Quỹ Nhân ái Lý Sơn Lê Ngọc Trai (35 tuổi) - người con Lý Sơn đang sống và làm việc ở TP.HCM - tâm sự: "Khi lập quỹ này, chúng tôi mong muốn sự kết nối những người Lý Sơn với nhau. Sau khi thành lập, không chỉ tấm lòng của người Lý Sơn mà rất nhiều anh chị khắp mọi miền Tổ quốc khi thấy chúng tôi kêu gọi cũng gửi tiền đến giúp đỡ. Bây giờ quỹ không chỉ khơi dậy tinh thần của người Lý Sơn, mà khơi tấm lòng của người dân cả nước hướng về Lý Sơn".

Trên trang Facebook Quỹ Nhân ái Lý Sơn là câu chuyện những người đàn ông chết biển, những người vợ mang bạo bệnh, những học sinh vì cuộc sống khó khăn cắt đứt con đường đến trường. Khỏa lấp bất hạnh ấy là những lời bình luận động viên, những khoản tiền hỗ trợ được đăng công khai.

Và chừng ấy thời gian thành lập, năm nào cũng có những suất học bổng dành cho học sinh nghèo hiếu học. Đó là sự động viên để những thế hệ Lý Sơn tiếp sau cố gắng hơn.

Mô hình độc đáo Mô hình độc đáo 'cá biển ăn rác thải nhựa' ở đảo Lý Sơn

TTO - Bốn chú cá mang thông điệp: 'Đừng bỏ rác xuống đại dương hãy cho tôi rác' vừa được đưa vào sử dụng tại điểm du lịch ở Lý Sơn. Đó là mô hình độc đáo 'cá biển ăn rác thải nhựa'...

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên