05/12/2022 19:52 GMT+7

Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị

Bài và ảnh: HUỲNH VY
Bài và ảnh: HUỲNH VY

TTO - Hơn 60 tác phẩm lưu giữ vẻ đẹp di sản quý giá của Sài Gòn vừa được nhóm Urban Sketchers Vietnam trưng bày nhân sự kiện 'Urban Sketch - TP.HCM qua góc nhìn ký họa đô thị' diễn ra ngày 5-12 tại bến Nhà Rồng.

Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị - Ảnh 1.

Đây là lần đầu ký họa đô thị được chọn là một trong những hoạt động tiêu biểu để quảng bá thành phố, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch TP.HCM lần 2 năm 2022

Sự kiện diễn ra từ nay đến 11-12 với các hoạt động tại cột cờ Thủ Ngữ, bến Bạch Đằng, Nhà hát TP.HCM, Bưu điện trung tâm và Đường sách TP.HCM.

"Từ hàng trăm tác phẩm của các thành viên, chúng tôi đã chắt lọc lại hơn 60 bức ấn tượng nhất để trưng bày. Đây cũng là tín hiệu vui khi thành phố ngày càng quan tâm tương tác với các hoạt động nghệ thuật nói chung và ký họa nói riêng trong việc lan tỏa vẻ đẹp của TP.HCM" - kiến trúc sư Vũ Đức Chiến (Chiến "Bầu"), người sáng lập Urban Sketchers Vietnam, tâm sự.

Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị - Ảnh 2.

Tác phẩm ký họa chợ Bến Thành của họa sĩ Vincent Monluc

Sinh ra ở Sài Gòn nhưng sống ở Pháp và Mỹ, họa sĩ gốc Việt Vincent Monluc tâm sự: "Tôi từng vẽ nhiều công trình ở châu Mỹ, châu Âu..., rồi nhận ra tác phẩm không mang nhiều cảm xúc và rất nhanh chán. 

Nhưng khi về Sài Gòn, nhìn đâu tôi cũng muốn vẽ. Từ cảnh phố xá thường ngày, chợ nổi bến Bình Đông, cảnh người ta bán cây kiểng, ăn uống sinh hoạt ngay trên xuồng... từng chi tiết đời sống nhỏ nhất của thành phồ đều khiến tôi xúc động và muốn ghi lại thật trọn vẹn.

Thành phố đổi thay từng ngày, và tôi luôn tiếc sao mình không tranh thủ vẽ sớm hơn, để lưu giữ được nhiều hơn những khung cảnh đẹp, những điều khiến tôi tự hào về nơi mình sinh ra".

Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị - Ảnh 3.

Là họa sĩ chuyên vẽ 2D để làm đồ họa hoạt hình, họa sĩ Vincent chú trọng từng chi tiết trong các bức vẽ trực họa

"Thời sinh viên mình gắn liền với các công trình kiến trúc ở quận 1, quận 3 và quận 5. Có những nơi mình vẽ rất nhiều lần, mỗi lần mỗi khác, có những công trình đã bị đập bỏ hoặc trùng tu và không còn giữ nét đẹp cũ. Ví dụ: tòa nhà cổ gần Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM giờ đã thành nhà hàng KFC...

Các hoạt động ký họa vừa hỗ trợ mình trong nghề, vừa ý nghĩa khi góp phần lưu lại những kỷ niệm đẹp" - kiến trúc sư Phan Đình Trung chia sẻ.

"TP.HCM có nhiều công trình di sản đẹp đang được gìn giữ tốt, nhưng cũng không ít công trình đã bị thay đổi, đập bỏ hoặc xây mới do nhu cầu đô thị hóa. Điển hình như công trình cổ trên đường Nơ Trang Long, hay tòa nhà ở góc Lê Công Kiều giao Nguyễn Thái Bình... 

Khi không hiểu giá trị công trình, người ta dễ dàng phá bỏ không thương tiếc, đến lúc nhận ra thì đã muộn. 

Chúng tôi chỉ mong điều đó đừng xảy ra nữa, và ký họa đô thị thông qua các hoạt động cùng vẽ, trưng bày, workshop, chuyên đề... là một cách để góp phần gìn giữ di sản" - Chiến "Bầu" tâm sự. Anh thường đưa hai con gái đi cùng để các bé nuôi đam mê và cả tình yêu với quê nhà từ bé. 

Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị - Ảnh 4.

Bé La La (5 tuổi) và bé Lam Anh (9 tuổi) với hai bức ký họa mới vẽ xong ngày 5-12

Là kiến trúc sư trẻ nhiệt tình xây dựng cộng đồng, Đình Trung rất tâm huyết với hoạt động bảo tồn di sản. Theo Trung, bất kỳ ai cũng có thể vẽ, và đây là sân chơi hội tụ: Chúng ta có di sản, có trái tim, có ký ức, mời mọi người cùng tham gia và cùng gìn giữ.

"Di sản là trái tim của đô thị, là chứng nhân cho quá trình đô thị hình thành và phát triển. TP.HCM tuy mới có lịch sử hơn 300 năm nhưng đã hội tụ nhiều phong cách kiến trúc đa dạng từ Pháp, Mỹ, Hoa, Đông Dương... Qua di sản, chúng ta có thể thấy cả lịch sử thăng trầm đã trải qua.

Việc bảo tồn di sản không chỉ giúp lưu giữ những ký ức quý, mà còn thể hiện sự văn minh của cư dân với bộ mặt của đô thị, cũng là bộ mặt của chính chúng ta" - Đình Trung nói.

Thành lập từ năm 2013 với tâm huyết ghi lại những đổi thay trong quá trình đô thị hóa nhằm gìn giữ những giá trị di sản mà khi nhìn lại, chúng có thể chỉ còn trong ký ức hoặc bị lãng quên, đến nay, Urban Sketchers Vietnam đã quy tụ hàng ngàn thành viên. Từ các kiến trúc sư, họa sĩ đến người về hưu, những em bé thích vẽ... tất cả đều được hoan nghênh tham gia.

Nhóm đã tổ chức thành công nhiều sự kiện ký họa đô thị trên khắp cả nước và cả ở nước ngoài, đồng thời mời các đơn vị quốc tế đến Việt Nam cùng đi vẽ ký họa. Tháng 6-2016, nhóm chính thức trở thành thành viên của Urban Sketchers thế giới.

Một số tác phẩm ký họa:

Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị - Ảnh 6.
Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị - Ảnh 7.
Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị - Ảnh 8.
Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị - Ảnh 9.
Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Trân quý di sản giữa lòng đô thị Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Trân quý di sản giữa lòng đô thị

TTO - Có nhiều công trình kiến trúc quan trọng của TP.HCM còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng một số không nhỏ khác chỉ còn là ký ức.

Bài và ảnh: HUỲNH VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên