01/12/2022 09:19 GMT+7

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Nhiều di sản được cứu nhờ cộng đồng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - "Hộ chiếu văn hóa" để đất nước bước vào thịnh vượng bền vững không thể thiếu những di sản văn hóa, những chứng tích của thời gian cho con người cảm giác vững tâm khi được kết nối với tổ tiên và cho thành phố vẻ quyến rũ "ra tiền".

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Nhiều di sản được cứu nhờ cộng đồng - Ảnh 1.

Khu lò gạch Mang Thít mang dấu ấn kiến trúc tiểu thủ công nghiệp rất đặc sắc vùng sông nước ĐBSCL - Ảnh: ĐÀO NGÔ

Trong cơn lốc của phát triển nóng, nhiều di sản ở các đô thị lớn của Việt Nam đã bị phá hủy một cách rất đáng tiếc. Song những năm gần đây, những tiếng nói của cộng đồng không ít lần đã cứu được những di sản quan trọng từ Bắc tới Nam.

Cứu Dinh Thượng Thơ và "vương quốc gạch ngói" Mang Thít

Ngày nay, người dân TP.HCM và du khách đến thăm thành phố này vẫn may mắn còn được nhìn thấy Dinh Thượng Thơ thanh lịch, cổ kính với kiến trúc Pháp ở Đông Dương cuối thế kỷ 19 trên con phố trung tâm yên bình Lý Tự Trọng.

Trước đó, tháng 5-2018 người dân TP.HCM và những người yêu di sản trong cả nước lẫn nước ngoài bàng hoàng trước kế hoạch phá bỏ Dinh Thượng Thơ (quận 1) trong phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP.

Nhiều tờ báo, trong đó có báo Tuổi Trẻ, đã lên tiếng về việc cần cân nhắc giá trị kiến trúc, lịch sử của tòa nhà này.

Tiếng nói của người dân, các chuyên gia về di sản và bảo tồn kiến trúc được ghi lại. Các văn nghệ sĩ thành phố thậm chí đã ký vào đơn thỉnh nguyện gửi lãnh đạo thành phố đề nghị không phá bỏ tòa nhà.

Kết quả, tới tháng 12-2019, Thường trực UBND TP.HCM có kết luận về phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP, trong đó đưa giải pháp bảo tồn Dinh Thượng Thơ tại số 59-61 đường Lý Tự Trọng để làm Nhà truyền thống UBND TP.HCM.

Đây là một sự an ủi rất lớn cho người dân thành phố nói chung và những người yêu di sản nói riêng, bởi trước đó nhiều biệt thự Pháp cũ rất đẹp và cả những công trình di sản công nghiệp, di tích quý giá như nhà máy Ba Son cũng đã bị phá hủy đôi khi là trong lặng lẽ.

Tại Vĩnh Long, ngày 18-11 vừa qua, UBND tỉnh này đã tổ chức hội thảo khoa học "Đóng góp ý tưởng tổ chức hoạt động triển khai đề án Di sản đương đại Mang Thít" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chuyến thăm khu lò gạch Mang Thít này. Nhiều hứa hẹn hồi sinh sống động cho hệ thống lò gạch có tuổi đời trăm năm mang dấu ấn kiến trúc tiểu thủ công nghiệp rất đặc sắc vùng sông nước ĐBSCL nhưng trước đó ngấp nghé bờ vực hoang tàn, bị phá bỏ vì nghề nung gạch ở đây đã chết.

"Vương quốc gạch ngói" Mang Thít nằm dọc ven sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai thời hoàng kim những năm 1980 có trên dưới 1.000 cơ sở sản xuất với khoảng 3.000 miệng lò nhưng hiện chỉ còn trên 1.000 lò tồn tại.

Đứng trước nguy cơ biến mất một kho báu di sản công nghiệp chưa được nhìn nhận và đánh giá đầy đủ, đầu năm 2020, một nhóm các kiến trúc sư, những người yêu di sản và Ban Văn hóa UNESCO Việt Nam đã đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Long "Đề án di sản đương đại vương quốc lò nung huyện Mang Thít".

Sau nhiều nỗ lực của nhóm thực hiện đề án, tới cuối năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đồng ý chủ trương và mời gọi đầu tư phát triển du lịch vào "vương quốc lò gạch" Mang Thít.

Đề án đang tiến những bước quan trọng để biến nơi đây thành một khu du lịch độc đáo, đầy tiềm năng. Những lò gạch tuyệt đẹp hình quả trứng sẽ một lần nữa sống lại trong một chức năng mới, làm giàu có hơn cho người dân nơi đây.

Giữ lại vẻ đẹp Hồ Gươm và công viên Thống Nhất

Hà Nội có lẽ là thành phố chứng kiến nhiều "phong trào" lên tiếng của cộng đồng để bảo vệ di sản hơn cả.

Năm 1996, nhiều cuộc lên tiếng từ cộng đồng để bảo vệ di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn mà sau này được ghi danh di tích quốc gia đặc biệt.

Năm đó, Bộ Văn hóa - Thông tin và Tổng cục Du lịch đề xuất xây dựng tại 16 Lê Thái Tổ, bên cạnh tượng Vua Lê dự án tòa nhà 4 tầng làm Trung tâm Văn hóa du lịch và cho người nước ngoài thuê.

Nhiều người dân, chuyên gia lên tiếng phản đối dự án. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo vệ khu di tích tượng Vua Lê. Sau rất nhiều tranh cãi, UBND TP Hà Nội quyết định dừng dự án này.

Cũng trong năm 1996, Hội Khoa học lịch sử và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có ý kiến về việc xây dựng khách sạn Hà Nội Vàng và một số công trình khác trong khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Kết quả là khách sạn Hà Nội Vàng không mọc lên ở đây để giữ cảnh quan cho danh thắng đặc sắc nhất của Hà Nội. Trong hàng chục năm qua, các chuyên gia và người dân cũng đã bền bỉ lên tiếng phản đối phương án xây ga ngầm C9 để bảo vệ không gian hồ Hoàn Kiếm.

Kết quả, Thường trực Chính phủ yêu cầu thành phố phải tiếp thu các ý kiến để lựa chọn vị trí ga bảo đảm an toàn tối đa các công trình văn hóa, giữ kiến trúc, cảnh quan, môi trường của khu vực hồ Hoàn Kiếm đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn.

Cảnh quan của thành phố (cũng là một thứ di sản) một lần nữa được bảo vệ khi năm 2008 cộng đồng và đặc biệt là kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân lên tiếng quyết liệt phản đối dự án khách sạn 4 sao Novotel On The Park được TP Hà Nội ký phê duyệt cho phép xây dựng trên diện tích 1ha trong công viên Thống Nhất. Cuối cùng, theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, khách sạn tai tiếng này phải dừng thi công.

Có thể thấy, các phong trào bảo vệ di sản ở Hà Nội của cộng đồng và báo chí xuất hiện ngày càng nhiều hơn, phần nào tác động để các nhà quản lý nhạy cảm với văn hóa hơn.

Giữ những mảnh hồn nơi chốn

Khu 22A Hai Bà Trưng (Hà Nội), quần thể kiến trúc Pháp cũ trong một con ngõ nhỏ rất đặc trưng cho mảnh hồn của một Hà Nội cổ kính, cũng đã được cứu "tạm thời".

Cuối năm 2016, một phong trào rầm rộ lên tiếng đòi giữ những mảnh hồn nơi chốn của Hà Nội trước sự "xâm lăng" của các trung tâm thương mại vô hồn đã nổ ra mạnh mẽ trên mạng xã hội và trên báo chí.

Kết quả, dù rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque và các không gian văn hóa tuyệt vời khác ở đây phải đóng cửa, nhưng sau 6 năm vẫn chưa có một trung tâm thương mại nào mọc lên như kế hoạch trước đó.

Thêm hai di sản Việt Nam được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương Thêm hai di sản Việt Nam được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

TTO - “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” đã được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào sáng nay, 26-11.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên