17/02/2016 14:37 GMT+7

​Luôn nghĩ và đi về phía ấy

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Chủ quyền quốc gia hiển hiện trong dáng hình cột mốc. Cột mốc ấy ẩn tàng trong dáng hình của mộ bia hàng vạn liệt sĩ. Và còn có cả những “cột mốc sống”...

Biên giới quốc gia trên bộ được phân định bằng những cột mốc quốc giới. Dọc dài theo biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia có hàng ngàn cột mốc như thế! Nhưng có lẽ không ở đâu đất dưới chân cột mốc lại thấm nhiều máu người dân Việt, lính Việt như những cột mốc trên tuyến biên cương phía Bắc.

Trên Facebook của nhà báo Hà Phạm, tôi đọc được một câu chị viết từ hai năm trước: “Tổ quốc, là nơi khi nghĩ về nó, phải nghĩ về những nơi thấm máu!”. Và những ngày tháng 2 này, nghĩ về Tổ quốc, hẳn rất nhiều người sẽ nhớ về những cột mốc thấm máu trên biên ải mù mây phía Bắc.

Nhưng chủ quyền Tổ quốc nơi biên ải không chỉ được định vị bằng những cột mốc được làm bằng đá hoa cương cắm sâu vững chãi vào lòng đất, được đánh dấu bằng những số hiệu.

Nhiều năm qua, may mắn được đi dọc dài biên giới Việt - Trung, từ mốc số 0 - ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào trên đỉnh Khoang La San (bản Tá Miếu, Mường Nhé, Điện Biên) cột mốc đầu tiên trên tuyến, cho đến cột mốc cuối cùng, cột mốc 1378 ở cửa sông Bắc Luân (Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh) chúng tôi đã gặp những cột mốc khác.

Đó là những tấm bia ghi tuổi tên các liệt sĩ hi sinh vào mùa xuân năm 1979 ở mỗi đồn biên phòng, là mộ bia ở những nghĩa trang dọc dài sát biên từ Điện Biên qua Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Mộ bia của những người lính đã ngã xuống ấy cũng mang hình dáng như những cột mốc quốc giới, vuông vắn, cương trực và can trường.

Nhiều nơi chốn có nhà bia, đài tưởng niệm khang trang, quanh năm được chăm chút khói hương như ở Vị Xuyên và cũng có những nhà bia heo hút quạnh vắng giữa rừng như chúng tôi đã gặp ở Tùng Vài (Quản Bạ, Hà Giang).

Điều ấy cũng như những cột mốc biên ải, có những cột mốc phải đi bốn năm ngày đường, vượt qua hàng chục ngọn núi, khe suối như đường lên mốc 42 trên ngọn Phu Si Lung ở Mường Tè (Lai Châu) nhưng cũng có những cột mốc ở ngay trước sân nhà dân, mỗi sớm mai mở cửa nhà đã thấy cột mốc quốc giới gần gũi tin cậy đứng đó ở bản Hùng Pèng (Ma Ly Pho, Phong Thổ).

Chủ quyền quốc gia hiển hiện trong dáng hình cột mốc. Cột mốc ấy ẩn tàng trong dáng hình của mộ bia hàng vạn liệt sĩ.

Nhưng còn hàng triệu cột mốc khác, những người dân đã gắn bó ngàn đời nay cùng biên ải, đấy cũng là những “cột mốc sống” mà nếu không có họ bám trụ cùng đường biên, dựng nhà trên đường biên, đi nương làm rẫy bên đường biên, sinh con đẻ cái bên đường biên... thì chắc chắn câu chuyện về chủ quyền Tổ quốc sẽ không trọn vẹn.

Những cột mốc quốc giới đã cắm xong, được lính biên phòng và dân biên giới chăm chút tuần tra, gìn giữ. Những mộ bia liệt sĩ cũng mang hình dáng cột mốc được chăm sóc khói hương.

Còn những “cột mốc sống” trong dáng vóc ngàn vạn đời dân biên ải thì sao? Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho bà con biên ải rất nhiều. Dù rất nhiều nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ với những hi sinh của người dân nơi biên cương.

Tôi lại nhớ đến những chuyến xe chở đầy áo ấm của những nhóm thiện nguyện tự phát gấp gáp ngược về ải Bắc trong những ngày dầm dề băng tuyết vừa qua. “Tổ quốc, là nơi khi nghĩ về nó, phải nghĩ về những nơi thấm máu!”.

Nhưng không chỉ nghĩ về mà còn nhắc ta phải luôn đi về phía ấy, phía những cột mốc mà đất dưới chân cột mốc luôn thấm đẫm máu của người Việt tự bao đời.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên