06/04/2016 08:23 GMT+7

Lúa được hỗ trợ trồng lép hạt, dân khóc ròng

TẤN LỰC (phamtanluc@tuoitre.com.vn)
TẤN LỰC (phamtanluc@tuoitre.com.vn)

TT - Nhiều nông dân Quảng Nam chết điếng khi hai giống lúa được Nhà nước hỗ trợ theo chương trình khắc phục thiên tai đến kỳ thu hoạch thì khô úa, lép hạt.

Bà Phan Thị Bích Sen bên ruộng lúa cháy lá, lép hạt - Ảnh: Tấn Lực
Bà Phan Thị Bích Sen bên ruộng lúa cháy lá, lép hạt - Ảnh: Tấn Lực

 

Có mặt tại cánh đồng thôn Cẩm Trung, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, chúng tôi thấy nhiều vạt lúa của bà con gần ngày thu hoạch bị khô lá và bông lúa chuyển màu đen, lép hạt.

“Chỉ còn nước gặt lấy rơm cho bò ăn”

Thất thểu bước xuống thửa ruộng khô khốc của mình, bà Phan Thị Bích Sen (51 tuổi), trú thôn Cẩm Trung, nhăn nhó đưa tay bứt vài bông lúa bệnh cho chúng tôi xem.

Bà Sen nói như khóc: “Vụ hè thu năm ngoái cả xã bị thiên tai mất mùa nên Nhà nước hỗ trợ gia đình tôi 5kg lúa giống OM. Tôi mua thêm 10kg giống cùng loại để trồng cho đủ gần ba sào đất nhưng bây giờ lép hạt hết rồi. Mấy tháng trời bỏ ra biết bao nhiêu công sức, tiền phân bón, thuốc trừ sâu mà giờ chỉ còn nước gặt lấy rơm cho bò ăn thôi, chứ gạo đâu mà nấu!”.

Không riêng gì ruộng lúa của bà Sen, nhiều thửa ruộng trồng bằng hai giống OM 4900 và OM 6976 của nông dân xã Tiên Cẩm đều bị lép hạt. Dẫn chúng tôi đi thực tế, ông Đoàn Minh Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Tiên Cẩm, cho hay vụ đông xuân năm nay toàn xã có 125ha trồng lúa thì có đến 20ha trồng hai giống lúa OM bị hư hại nặng.

Tuy nhiên, ông Tâm cho biết các giống lúa khác đang trồng tại địa phương như thiên ưu 8, Xi 23 cũng bị lép hạt nhưng mức độ nhẹ hơn rất nhiều so với hai giống OM.

“Đây là hiện tượng kỳ lạ từ trước đến nay chưa gặp phải. Ước tính thiệt hại diện tích lúa OM của xã Tiên Cẩm lên tới 70% năng suất” - ông Tâm nói.

Do giống lúa quá mẫn cảm với thời tiết?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Muộn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, xác nhận tình trạng giống lúa OM bị đen bông, lép hạt xảy ra trên toàn tỉnh Quảng Nam.

Ông Muộn cho biết do thiên tai gây thiệt hại, vụ hè thu năm 2015 tỉnh Quảng Nam được trung ương hỗ trợ 400 tấn lúa giống.

Trong đó, Quảng Nam chọn 114 tấn giống OM 6976 và 50 tấn giống OM 4900, còn lại là giống HT 1 và Xi 23. Khi giống về đã trễ vụ hè thu nên sở chuyển số giống này qua sử dụng cho vụ đông xuân.

Theo ước tính, vụ đông xuân này toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 5.700ha lúa bị đen bông, lép hạt, nhưng chủ yếu thuộc hai giống OM.

Trước nghi vấn của bà con rằng lúa giống có vấn đề nên lép hạt, ông Muộn bác bỏ và giải thích nguyên nhân cơ bản là do thời tiết năm nay bất lợi.

Ông Muộn nói: “Dân nghĩ là do chất lượng giống nhưng các giống khác trổ đòng cùng đợt cũng gặp tình trạng tương tự. Chỉ khác nhau ở chỗ giống nào mẫn cảm thời tiết hơn thì bệnh nặng hơn. Bằng chứng là tất cả ruộng lúa trổ đòng vào thời gian từ ngày 24 đến 28-3-2016 đều gặp thời tiết lạnh và mưa giữa ngày nên đen bông, lép hạt, nhưng giống thiên ưu 8 ít lép hơn hẳn hai giống OM.

“Lúa lép hạt là do giống lúa mẫn cảm với thời tiết nên phải loại trừ ngay thông tin có vẻ như giống lúa Nhà nước cho xấu nên nó hư” - ông Muộn nói.

Tuy nhiên, ông Muộn thừa nhận ngành chức năng đã không dự liệu được tình hình thời tiết để điều chỉnh cho phù hợp: “Không ai đoán được năm nay sẽ có lạnh vào hạ tuần tháng 3 cả. Những cái bất thường như mưa giữa ngày vào lúc nào là chịu. Nếu mà tiên đoán được thì đã không cơ cấu những giống lúa mẫn cảm như vậy”.

Ông Muộn thông tin thêm: những năm trước hai giống OM vẫn đạt năng suất khá, được công nhận giống chuẩn quốc gia. Sở NN&PTNT cũng đã khảo nghiệm, đánh giá lại với kết quả tốt nên đưa vào cơ cấu giống cây trồng địa phương. Trong điều kiện thuận lợi, giống OM có năng suất cao, cho chất lượng gạo ngon. Tuy nhiên, sở cũng biết được nhược điểm của giống này là mẫn cảm với thời tiết và dễ mắc bệnh, đặc biệt là gặp mưa lúc trổ. Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam khẳng định vẫn tiếp tục cơ cấu hai giống OM trong những mùa vụ sau bởi đây là nhóm giống “có triển vọng”.

Sẽ hỗ trợ thiệt hại cho dân

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết trước mắt sẽ ra văn bản chỉ đạo các huyện thống kê cụ thể diện tích lúa hư hại để tính chuyện hỗ trợ cho dân. Và để việc hỗ trợ thiệt hại cho dân nhanh nhất, các huyện có thể tự ứng kinh phí ra hỗ trợ trước rồi làm thủ tục quyết toán sau.

TẤN LỰC (phamtanluc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên