21/12/2023 10:49 GMT+7

Livestream tại chợ: Cần chiến lược dài hơi

Mới đây TP.HCM đã tổ chức nhiều phiên livestream tại chợ Bến Thành, giúp mang về thêm doanh thu cho các tiểu thương. Sắp tới đây tại Đồng Tháp cũng sẽ tổ chức phiên livestream để bán hoa - kiểng Sa Đéc.

Hot TikToker Linh Barbie (18,9 triệu lượt theo dõi) thành công chốt nhiều đơn giúp bà Phan Thị Lài (tiểu thương bán áo dài) trong phiên live tối 15-12 - Ảnh: NHẬT XUÂN

Hot TikToker Linh Barbie (18,9 triệu lượt theo dõi) thành công chốt nhiều đơn giúp bà Phan Thị Lài (tiểu thương bán áo dài) trong phiên live tối 15-12 - Ảnh: NHẬT XUÂN

Từ trước đến nay, việc livestream bán hàng là do các chủ shop, chủ doanh nghiệp thực hiện, bây giờ có thêm sự góp tay của chính quyền các cấp hỗ trợ doanh nhân. Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu đáng mừng.

Về hình thức, livestream bán hàng khác xa với việc bán hàng offline tại chợ truyền thống. Tuy nhiên, để livestream tại các chợ truyền thống thật sự có hiệu quả và lâu dài thì hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, giá cạnh tranh cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.

Đây là điều mà nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống chưa làm tốt. Đồng thời các chủ shop, doanh nghiệp cũng cần xây dựng kênh bán hàng online hiệu quả.

Hiện nay sản phẩm được bán với giá cạnh tranh trên mạng cộng hưởng với xu hướng thu phí thấp của các nền tảng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.

Xu hướng này được củng cố trong bối cảnh kinh tế bất ổn trên toàn thế giới, thu nhập người tiêu dùng giảm sút gây áp lực mạnh lên chi tiêu.

Livestream bán hàng tại chợ đang rất phổ biến tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Theo dự báo, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ đạt mức phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026 với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỉ USD.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh nỗ lực tự thân của tiểu thương và chủ doanh nghiệp, chính quyền cần chủ động nhập cuộc để góp tay cùng doanh nhân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt vào thời điểm chợ truyền thống đang gặp cảnh khó khăn ế ẩm cần phải thay đổi. Tuy nhiên, để chủ trương thành công, rất cần một chiến lược tổng thể và dài hơi.

Đầu tiên cần có các giải pháp đồng bộ để phát huy nội lực của nền kinh tế Việt Nam. Đây là vấn đề sống còn. Dễ thấy là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng hóa Trung Quốc.

Với giá bán rẻ, các kho đầu mối lớn ngay các cửa khẩu biên giới cùng hệ thống logistics hoàn chỉnh và các sàn thương mại điện tử phát triển, hàng Trung Quốc được người tiêu dùng Việt Nam mua sắm dễ dàng, tiện lợi. Chúng ta không ủng hộ việc "đóng cửa" để bảo hộ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên cũng cần xem xét cẩn trọng chính sách này. Chính phủ Indonesia - nơi thị trường thương mại điện tử lớn nhất khu vực Đông Nam Á (năm 2022 là hơn 50 tỉ USD), để bảo vệ 64 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đã ban hành chính sách "những mặt hàng nước ngoài kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia phải có giá tối thiểu là 100 USD", cũng như hạn chế việc tham gia của các sàn thương mại điện tử nước ngoài.

Tiếp theo là đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt - tiền đề quan trọng để fintech (công nghệ tài chính) phát triển. Thương mại điện tử phát triển song hành với các tiện ích trong thanh toán.

Ngoài việc thanh toán nhanh chóng, tiện lợi, các fintech - với sự tham gia của các tổ chức tài chính - sẽ cung cấp thêm dịch vụ "buy now pay later" (mua trả sau), khuyến khích tiêu dùng.

Thứ ba chính là việc quy hoạch mạng lưới logistics, đặc biệt là giao nhận hàng hóa, một cách khoa học và hiệu quả.

Hiện nay chi phí vận chuyển một món hàng từ Trung Quốc giao về tới TP.HCM đang rẻ hơn nhiều cũng món hàng đó nhưng giao từ Hà Nội.

Bài học của Trung Quốc là từ hơn 10 năm trước, họ đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm giảm chi phí vận chuyển như chuẩn hóa giao nhận, giảm thuế cho ngành logistics, bù đắp phí cầu đường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... Chính phủ cần đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này.

Cuối cùng, rất cần sự công nhận, tôn vinh và tạo điều kiện để các KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) tham gia tích cực và hiệu quả trong hoạt động bán hàng.

Đã đến lúc cần đào tạo bài bản, chuyên nghiệp đội ngũ KOL, KOC và coi đó là một thành phần quan trọng trong việc phát triển thương mại điện tử ở nước ta.

Chính quyền, chứ không phải doanh nhân hay chủ shop, mới là người giữ vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của thương mại điện tử.

Vì vậy tôi mong rằng việc chính quyền tổ chức livestream tại chợ truyền thống là phát súng mở màn cho một chiến lược tổng thể và dài hơi giúp thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững thời gian tới, chứ không phải chỉ một vài buổi livestream rồi thôi.

Người ảo AI livestream bán hàng từ chợ Bến ThànhNgười ảo AI livestream bán hàng từ chợ Bến Thành

Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) được áp dụng cùng chương trình livestream thành công đã khiến "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản" khép lại với đơn hàng vượt mong đợi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên