23/05/2022 10:26 GMT+7

Lê Thừa Hải và những bức 'tranh xấu' phác họa đời sống từ mạng xã hội

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Trong khi hầu hết họa sĩ tìm cách rời mạng xã hội để chuyên tâm sáng tác, Lê Thừa Hải làm điều ngược lại. Xem Facebook là nguồn cơn cảm hứng của mình, Lê Thừa Hải quan sát những diễn biến trên mạng để phác họa chúng lên tranh.

Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Thừa Hải và tác phẩm Khúc hát lênh đênh - Ảnh: MAI THỤY

Hai năm dịch bệnh cũng là lúc Lê Thừa Hải bùng nổ trong sáng tác. Không vẽ được những tranh to bằng cả bức tường, anh vật lộn với tác phẩm khổ nhỏ và đẩy cảm xúc thăng hoa. 

Từ nay đến ngày 29-5, họa sĩ tổ chức triển lãm cá nhân mang tên "Nói chuyện gì khi nói chuyện vu vơ" tại May Artspace (quận Bình Thạnh, TP.HCM) với 27 tranh trưng bày được sáng tác trong giai đoạn nhiều biến động này. 

Anh chọn đi theo trường phái tân biểu hiện, vốn dễ giãi bày tâm tư bằng những nét vẽ lên toan tức thì. 

Là một người mẫn cảm với thời cuộc, Lê Thừa Hải chọn ở lại Huế sáng tác thay vì đến các thành phố lớn. Anh xem đó là một cách để giữ lòng mình cân bằng, sự dịu dàng của Huế là bàn tay xoa dịu những vết thương anh chứng kiến trong cuộc sống. 

Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 2.

Tác phẩm Chân dung kẻ chìm trong lối suy nghĩ trắng - Ảnh: MAI THỤY

Ở tác phẩm Khúc hát lênh đênh, anh đồng cảm với số phận của người dân Sài Gòn di cư về quê sau đại dịch. 

Trong Mùa Trung thu đáng nhớ, anh ghi lại nỗi niềm của đứa con gái nhỏ xen kẽ giữa háo hức Tết Trung thu và thất vọng khi bị bó buộc trong bốn bức tường nhà. 

Triển lãm là cuốn nhật ký mùa dịch của Lê Thừa Hải, ghi chép lại chuyện gia đình anh và cả những mảnh đời cùng cảnh ngộ. 

Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 3.

Các tác phẩm của Lê Thừa Hải ra đời từ cảm xúc bộc phát của anh - Ảnh: MAI THỤY

Theo đuổi trường phái tân biểu hiện như Lê Thừa Hải là trường hợp hiếm hoi. Chỉ một số ít họa sĩ tập trung vào dòng tranh này bởi lẽ chúng khá kén nhà sưu tập. 

Trên thế giới, tân biểu hiện còn được biết đến bằng tên gọi kỳ quặc: Tranh "xấu" ("Bad" Painting). Tên gọi này được giám tuyển Marcia Tucker đặt ra năm 1978 cho một xu hướng hội họa đang bùng nổ ở Mỹ. 

Tranh "xấu" với những nét vẽ nguệch ngoạc, thô kệch tự nhận mình là đối trực của những tác phẩm đẹp đẽ nhưng thiếu vắng cảm xúc. Trường phái này không chuộng hình họa chuẩn chỉnh và hòa sắc hàn lâm, mà thay vào đó, các họa sĩ để cảm xúc tuôn chảy trong một khoảnh khắc ngắn. 

Một bức tranh tân biểu hiện có thể được hoàn thành trong vài tiếng nhưng lại nén nhiều suy nghĩ cùng sự xúc động bộc phát. Cũng chính vì chỉ tuân theo cái phiêu của họa sĩ, dòng tranh thường không hợp thị hiếu số đông. 

Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 4.

Người yêu dòng tranh "xấu" cũng phải tương thanh tương ý về cả thẩm mỹ lẫn quan điểm sống - Ảnh: MAI THỤY

Mang trên mình tính phản kháng xã hội đậm đặc, tranh "xấu" tìm nhà sưu tập như tìm một mối giao kết hôn phối, người mua và họa sĩ không chỉ chung mỹ cảm mà còn phải tương quan trong suy nghĩ. 

Ở Việt Nam, một số họa sĩ theo đuổi tranh "xấu" và thành công còn có thể kể đến Lê Kinh Tài, Phạm Thanh Toàn... 

Theo họa sĩ Lê Thừa Hải, tranh tân biểu hiện ở Việt Nam hiện nay đã được một số nhà sưu tập đón nhận: "Quan trọng là họa sĩ phải cho người mua thấy sự chân thật của mình khi sáng tác. Không có chỗ cho cảm xúc giả dối trong dòng tranh này".

Ngắm một số bức tranh tại triển lãm "Nói chuyện gì khi nói chuyện vu vơ":

Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 5.
Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 6.
Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 7.
Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 8.
Lê Thừa Hải và những bức tranh xấu phác họa đời sống từ mạng xã hội - Ảnh 9.
Đạo diễn Xuân Phượng: Đạo diễn Xuân Phượng: 'Người đàn bà thép' của hội họa Việt

TTO - 'Sợ? Tôi là dân phóng viên chiến trường, tôi chả sợ gì!' - đạo diễn Xuân Phượng nói với cặp mắt mở to. 30 năm trước, cũng với đôi mắt này, bà bạo gan mở phòng tranh tư nhân đầu tiên ở Sài Gòn.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên