05/02/2024 14:32 GMT+7

Lễ hội chùa Hương năm nay đi đò hợp tác xã, không vòi vĩnh thêm tiền

Lần đầu tiên xã Hương Sơn thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương, quy tụ hơn 4.000 thuyền, đò chở khách đi lễ hội chùa Hương, với mục tiêu xóa bỏ những chuyện chưa đẹp trong nhiều mùa lễ hội là chèo kéo, xin tiền khách.

Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: T.ĐIỂU

Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: T.ĐIỂU

Thông tin được ông Đặng Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2024 - đưa ra tại buổi họp báo về công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2024 do UBND huyện Mỹ Đức tổ chức ngày 5-2 tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Đây là điểm mới trong công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay.

Chỉ lái đò vào Hợp tác xã chùa Hương mới được chở khách

Ông Cảnh cho hay, trước đây, ở lễ hội chùa Hương, nhân dân tự đóng đò chở khách, làm ăn manh mún, tranh giành. 

Suốt nhiều năm, lễ hội này gây nhức nhối với nạn lái đò mời chào, chèo kéo, ép khách, không đảm bảo điều kiện an toàn, rồi "xin" thêm tiền của khách ngoài tiền vé khiến nhiều du khách không hài lòng.

Việc thành lập hợp tác xã vận chuyển khách, mời gọi toàn bộ các hộ gia đình làm dịch vụ này vào hợp tác xã chính là nỗ lực của địa phương để đưa hoạt động chèo đò đi vào quy củ.

Hợp tác xã sẽ thực hiện điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định (5h - 20h vào các ngày trong tuần, 4h - 20h hai ngày cuối tuần) xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.

Những người lái đò trong hợp tác xã có trang phục nhận diện và thẻ, được tập huấn ứng xử văn minh với du khách.

70% giá trị vé đò được trả cho người lao động, 30% đóng thuế và phí quản lý.

Ông Bùi Triều - chủ tịch UBND xã Hương Sơn - cho biết đến nay đã có 696 người tham gia hợp tác xã, góp 33 tỉ đồng cả tiền mặt và tài sản, gồm hơn 4.000 thuyền, đò.

Có trên 2.500 lao động lái đò đăng ký với hợp tác xã để lái đò phục vụ khách. Nhân lực và số thuyền, đò này đảm bảo đủ vận chuyển khách những ngày cao điểm nhất (5 vạn khách).

Tuy nhiên hiện nay còn một số lái đò chưa tham gia vào hợp tác xã.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Cảnh cho biết những lái đò không tham gia hợp tác xã nhưng nếu có đủ điều kiện an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… để được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa thì vẫn được hoạt động chở khách.

Nhưng hiện chỉ có những người tham gia Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương đủ điều kiện chở khách. Những người khác đều không đủ điều kiện, chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa nên không được phép chở khách.

"Tất cả phải hướng đến văn minh, tránh chèo kéo phiền hà, ép giá và mất an toàn. Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương hoạt động khách quan, minh bạch sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho mọi người", ông Cảnh nhấn mạnh.

Đò đưa khách vào chùa Hương năm nay đều là đò vào Hợp tác xã du lịch Chùa Hương - Ảnh: T.ĐIỂU

Đò đưa khách vào chùa Hương năm nay đều là đò vào Hợp tác xã du lịch Chùa Hương - Ảnh: T.ĐIỂU

Với chủ đề "An toàn, văn minh, thân thiện", lễ hội chùa Hương kéo dài trong ba tháng, từ ngày 11-2 đến hết ngày 11-5. Khai hội vào sáng 6 tháng giêng, tại sân Thiên Trù.

Giá vé tham quan năm nay tăng lên 120.000 đồng/người/lượt.

Giá vé thuyền, đò, tuyến Hương Tích là 85.000 đồng/người cho 2 lượt vào, ra. Tuyến Long Vân và tuyến Tuyết Sơn có chung giá vé 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra.

Giá vé cáp treo, khứ hồi là 220.000 đồng với người lớn, 150.000 đồng với trẻ em. Giá vé một lượt, người lớn là 150.000 đồng, trẻ em 100.000 đồng.

Bán vé điện tử, "chùa Hương không có thịt thú rừng đâu"

Ngoài đổi mới về hoạt động chở khách trên suối Yến, năm nay ban tổ chức lễ hội chùa Hương tiếp tục nâng cao thử nghiệm vận hành 110 xe điện, với giá vé 20.000 đồng/người/lượt.

Năm nay ban tổ chức tiếp tục triển khai bán vé điện tử, từ hình thức vé giấy truyền thống sang vé QR code, điều này vừa giúp công tác mua vé, soát vé được nhanh gọn, thuận tiện và tránh được vé giả.

Ngoài ra, 318 hàng quán cũng được chỉnh trang, sắp xếp gọn gàng.

Việc các hàng quán bày bán thịt thú rừng gây phản cảm cho một số du khách đi lễ chùa, ông Cảnh nói đó là truyền thống địa phương nên ban tổ chức chỉ có thể quản lý việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thẩm mỹ.

Tuy nhiên ông Cảnh cũng nói ở chùa Hương "không có thú rừng đâu, khách không cẩn thận là mua không đúng đâu".

Chùa Hương không có cầu cúng, dâng sao giải hạn

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lễ hội năm nay không được cúng dâng sao giải hạn, oan gia trái chủ, thượng tọa Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương - khẳng định những hoạt động này không có ở chùa Hương.

"Vàng mã, hoạt động mê tín dị đoan không có ở chùa Hương từ nhiều năm nay. Tăng ni Phật tử chùa Hương lấy tinh thần phục vụ khách đi lễ chùa của mình là công đức cúng dàng cao cả nhất", thượng tọa Thích Minh Hiền nói.

Người dân đội mưa, vượt gió đi hội chùa HươngNgười dân đội mưa, vượt gió đi hội chùa Hương

Ngay từ 5h sáng, rất đông người dân và du khách thập phương đã có mặt tại bến đò suối Yến để trẩy hội chùa Hương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên