05/12/2023 11:47 GMT+7

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia kỳ 5: Đổi đời theo dòng vàng trắng

Năm 2009, khi những cây cao su đầu tiên được trồng trên Nông trường Ou Thum, Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom (huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom, Campuchia), ông Loeng Leab đã tìm đến đây để làm việc.

Một khu nhà khang trang do Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom xây dựng cho công nhân - Ảnh: THẾ KIỆT

Một khu nhà khang trang do Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom xây dựng cho công nhân - Ảnh: THẾ KIỆT


Cạo mủ cao su đủ mua xe hơi

Quê nhà ông Leab trong một xóm nhỏ cách nông trường đến 60km. Nhà chỉ hai công ruộng cha mẹ để lại, hằng ngày ông phải cùng con trai lớn đi đánh bắt cá nuôi cả gia đình sáu người.

Khi nghe xã thông báo công ty cao su Việt Nam tuyển lao động, con trai cả ông bỏ tay lưới, tìm đến nông trường. Tháng sau, người con trai về thông báo đã nhận được hơn 400 USD, và công ty cũng đang cần người. Ông Leab liền theo con.

Công nhân Campuchia đến làm cho Công ty TNHH PTCS Đồng Phú Kratie từ năm 2008, hiện đã thành tổ trưởng. Thêm vợ bán tạp hóa từ căn nhà do công ty cấp, anh tích cóp mua thêm được 3ha cao su, 6ha điều và mua ô tô từ ba năm trước  - Ảnh: SƠN LÂM

Công nhân Campuchia đến làm cho Công ty TNHH PTCS Đồng Phú Kratie từ năm 2008, hiện đã thành tổ trưởng. Thêm vợ bán tạp hóa từ căn nhà do công ty cấp, anh tích cóp mua thêm được 3ha cao su, 6ha điều và mua ô tô từ ba năm trước - Ảnh: SƠN LÂM

Sau vài tháng làm việc, ông Leab dẫn luôn vợ đến làm công nhân cao su. Rồi anh, em, con, cháu ông cũng kéo gia đình đến. Hiện cả dòng họ ông Leab có đến gần 30 người đang là công nhân cao su Nông trường Ou Thum.

Họ ở trong những căn nhà được công ty cấp, quây quần thành xóm nhỏ như lúc còn ở quê.

Người con trai thứ hai của ông Leab là Prom Sok Leang trở thành một trong bốn đội trưởng nông trường và được xem là một trong những "đại gia" ở các ấp quanh vùng Ou Thum.

Lúc cha mẹ theo anh trai làm cao su, Leang đang bắt đầu học lớp 12. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, mức lương của cha mẹ mỗi tháng đã hấp dẫn Leang.

Có học và khéo léo, Leang tiếp thu kỹ thuật trồng cao su, khai thác mủ rất nhanh, chỉ trong năm năm trở thành tổ trưởng để chấm công, theo dõi kỹ thuật, chăm sóc hàng cây. Anh được cất nhắc lên đội phó, rồi làm đội trưởng, quản lý hơn 400ha cao su.

Leang gặp vợ mình ở nông trường. Sau khi cưới, anh cải tạo lại phần trệt căn nhà sàn được công ty cấp nơi ngã tư đường thành quán tạp hóa để vợ buôn bán.

Thêm mức lương công nhân cao su dao động khoảng 300 - 400 USD một tháng, vợ chồng chỉ tiết kiệm hơn một năm đã mua được chiếc xe hơi bán tải để đi lại.

Hai đứa con Leang vẫn đang học cấp I ngay Trường tiểu học hữu nghị Bà Rịa Kampong Thom do công ty xây dựng từ năm 2015 với hơn 250 em học sinh khác.

Cuộc sống gần như đủ đầy với gia đình Leang. "Ở đây nhiều người mua xe hơi lắm, chịu tiết kiệm là được", Leang cười nói thêm khi nghe nhiều người khen mình giỏi.

Những trường hợp nhiều người trong cùng dòng họ rủ nhau đến rồi quây quần ổn định cùng nhau suốt mười mấy năm trời, cưới vợ sinh con dưới tán cao su rồi mua xe hơi như Leang, chúng tôi gặp rất nhiều trên khắp các nông trường cao su Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) ở Campuchia.

Còn ông Leab đến nay đã 66 tuổi, hằng ngày vẫn dư sức chăm sóc, cạo mủ cho 2.800 cây cao su.

"Mỗi tháng vợ chồng kiếm được khoảng 700, 800 USD. Đâu có chi tiêu gì nhiều, con cháu cũng sống tốt cả rồi. Tiền chủ yếu để dịp lễ về quê hương khói mà thôi", ông cười xòa nói về thu nhập trong màu áo đồng phục công nhân VRG.

Xóm làng vui vẻ, đủ đầy

Đến nông trường 2 của Công ty CPCS Đồng Nai Kratie (huyện Sambour, tỉnh Kratie) khi trời sẩm tối, chúng tôi gặp anh Mon Phally đang chuẩn bị bữa ăn tối cho vợ và ba người con gái của mình trong căn nhà gỗ do công ty cấp.

Bữa cơm với cá chiên bột, cá kho, canh rau thịt bằm,... "Ở đây ăn uống không lo thiếu thốn, đồ gì cũng có. Ra siêu thị là có thôi", anh Phally vui vẻ nói dưới ánh đèn trong căn nhà gỗ hai tầng được nông trường cấp.

Siêu thị anh Phally nhắc đến là một trong những mô hình độc đáo do Công ty cao su Đồng Nai Kratie lập để hỗ trợ công nhân nơi đây, với đầy đủ mặt hàng nhu yếu phẩm, thức ăn...

Mỗi công nhân chỉ sau một tháng thử việc, khi được nhận chính thức sẽ được làm một thẻ siêu thị để có thể mua trước bất cứ thứ gì với số tiền tối đa 130 USD. Kế toán sẽ trừ sau vào tiền lương tháng.

Công nhân dùng thẻ siêu thị của Công ty CPCS Đồng Nai Kratie có thể mua trước tối đa 130 USD - Ảnh: SƠN LÂM

Công nhân dùng thẻ siêu thị của Công ty CPCS Đồng Nai Kratie có thể mua trước tối đa 130 USD - Ảnh: SƠN LÂM

Nhờ vậy, cuộc sống công nhân nơi đây khá đủ đầy. Với gần 1.000 thẻ thành viên, siêu thị này từ khi ra đời vào năm 2019 đến nay vẫn đảm bảo được hiệu quả kinh doanh, với mức lợi nhuận vừa đủ nhằm mục đích hỗ trợ người lao động được sử dụng sản phẩm ở mức giá thấp nhất.

Anh Phally cùng gia đình vốn sống trên con thuyền nhỏ, bấp bênh đánh cá đắp đổi miếng ăn qua ngày. Nguồn cá ngày càng ít, con thuyền ngày càng chật chội khi những đứa trẻ dần lớn. Trong một lần đi bán cá hơn ba năm trước, Phally vô tình nghe một công nhân ở nông trường cao su này kể về nghề cạo mủ.

Lặn lội đi theo, khi biết được sẽ có nhà, có hỗ trợ gạo những tháng đầu, lại sẽ được làm bảo hiểm, con cái được đi học cho biết con chữ..., Phally và vợ quyết định bán thuyền. Trả những món nợ đã vay mượn trước đó cũng gần hết số tiền bán thuyền, nhưng vợ chồng anh cùng ba cô con gái mau chóng được ổn định chỗ mới.

Hai vợ chồng chỉ cần học cạo mủ trong 10 ngày đã thành thạo, được giao cây để khai thác và bắt đầu có lương.

"Sau này con gái học được, muốn học thêm nữa thì cho nó ra tỉnh học, còn vợ chồng tôi chắc sẽ ở đây luôn. Xung quanh đây nhiều gia đình vui vẻ ở mười mấy năm rồi", Phally thật thà nói.

Sambour trước đây là một huyện cách trở, xa xôi. Từ khi có dự án cao su của VRG, những gia đình ở nơi từng được xem là khó khăn nhất xứ chùa tháp giờ không còn phải lo ngược xuôi bấp bênh kiếm miếng ăn, cái mặc nữa.

Có những trường hợp đặc biệt trở thành "cán bộ" VRG ngay từ những ngày đầu như anh Thim Makara, phó phòng kế toán phụ trách kinh doanh Công ty TNHH PTCS Đồng Phú Kratie (huyện Sambour, tỉnh Kratie).

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Makara nộp hồ sơ cùng gần 3.800 người khác dự thi và trở thành một trong 90 người được Chính phủ Campuchia đài thọ sang Việt Nam học đại học kinh tế ở Hà Nội.

Năm 2004, Makara tốt nghiệp, trở về Phnom Penh làm qua nhiều công ty logistics, nhưng khả năng nói tiếng Việt rành rọt qua bốn năm đại học thôi thúc anh tìm việc gì đó liên quan đến Việt Nam.

Cho đến một ngày năm 2008, tình cờ thấy mẩu quảng cáo tuyển dụng trên báo, anh đã đến khu vực rừng khộp hoang vu huyện Sambour cùng những người bạn Việt Nam từ Đồng Phú sang để khai hoang trồng cao su.

"Giờ mình còn có nhà ở Phnom Penh, vợ ở đó chăm con học hành. Mình ở công ty cao su với anh em vui vẻ, thoải mái quen rồi.

Một tháng về thăm vợ con một lần thôi chớ ở phố lâu ngày lại nhớ anh em", Makara cười vui khi nghe hỏi về gia đình. Với anh, những người đã đổ mồ hôi biến vùng rừng khộp nghèo nàn thành vùng cao su xanh mướt này cũng chính là gia đình.

Hiện nay tổng số lao động của 16 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đang làm việc tại Campuchia khoảng 17.300 người. Trong đó chỉ có khoảng 10% là người Việt, còn lại là người nước bạn.

Tất cả lao động đều được thực hiện tốt các chính sách cho người lao động Campuchia theo quy định pháp luật như ký hợp đồng lao động, đăng ký sổ lao động, mua bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động, hỗ trợ gạo, nhà ở,...

Trong ba quý đầu năm 2023, mức lương bình quân mỗi tháng của một công nhân được khoảng 350 USD, cao gần gấp đôi mức lương tối thiểu nước này.

*****************

Nguyên Phó thủ tướng Yim Chhay Ly luôn khẳng định việc trồng cao su của Việt Nam đã góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương Campuchia.

>> Kỳ tới: Hình ảnh đẹp của tình hữu nghị

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 4: Cao su Việt dựng xây nhiều làng mới trù phúKỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 4: Cao su Việt dựng xây nhiều làng mới trù phú

10 năm trước, con đường phía đông huyện Santuk (tỉnh Kampong Thom) được đặt theo tên Thủ tướng Samdech Hun Sen. Đường đi qua vườn cao su rộng gần 20.000ha của ba công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên