Kỳ bí Inle Lake

TRẦN THÙY LINH 02/08/2016 03:08 GMT+7

TTCT - Một chân đứng trên thuyền, một chân dùng để chèo thuyền là tư thế đánh cá của những người đàn ông vùng hồ Inle, Myanmar từ bao đời nay. Những người đàn ông chèo thuyền bằng chân này thuộc tộc người Intha - “những đứa con của vùng hồ” theo tiếng Myanmar, nay có khoảng 70.000 người trong tổng số 250.000 cư dân sinh sống tại vùng này.

Đẹp và kỳ bí-T.T.L.
Đẹp và kỳ bí-T.T.L.


Bên cạnh đó, vùng hồ Inle còn là quê hương của các tộc người như Shan, Danu, Pa-O, Kyah... trong số 153 dân tộc thiểu số trên đất nước Myanmar.

Ấn tượng những làng rau nổi

Để có thể khám phá hết những điều kỳ thú nơi hồ nước mênh mông này có lẽ cần ít nhất 2-3 ngày. Vùng Inle Lake có tổng cộng 17 đảo nhỏ, hơn 100 làng với 19 làng nổi ngay trên mặt hồ.

Kaylar là một làng phía nam hồ, nơi có những ruộng rau nổi lớn nhất trong vùng. Khởi đầu người ta nuôi lục bình thành những luống dày, tạo thành một “tấm thảm” bùn nổi trên nước tới khi dày khoảng 1m. Quá trình này kéo dài hàng năm trời.

Do lòng hồ chỉ sâu 2-3m nên những luống bùn và lục bình này được cố định trên nước nhờ những que tre cắm xuống đáy hồ. “Không gì có thể màu mỡ hơn” - theo lời giải thích của cô bạn tộc người Pa-O.

Một chân trên thuyền một chân chèo, nét nổi bật của ngư dân hồ Inle -T.T.L.
Một chân trên thuyền một chân chèo, nét nổi bật của ngư dân hồ Inle -T.T.L.

 

Thuyền đưa chúng tôi len lỏi giữa những luống rau chỉ dài khoảng 100m, rộng hơn 1m, qua những con kênh phủ đầy lục bình xuyên qua làng nổi. Bầu bí, cà chua, dưa leo trĩu trịt quả; những ruộng đậu, luống cà tím đang ra hoa, bồng bềnh trên mặt nước.

Dưới chân các ngôi nhà sàn nhiều cửa sổ, những chiếc thuyền thon dài đặc trưng của vùng hồ nằm xen giữa những luống hoa đủ màu sắc. Hầu như không thấy rác.

Nhiều gương mặt và nụ cười thân thiện thoáng qua trên các ô cửa gỗ, những cái vẫy tay và lời chào “Mingalaba” trên những chiếc thuyền đi ngang. Không khí trong lành và cuộc sống thật êm đềm trôi qua trong thoang thoảng hương thơm của cỏ cây và mây nước.

Nhưng vùng hồ Inle không chỉ nổi tiếng về làng nổi và những ruộng rau. Chúng tôi tiếc rẻ khi chỉ dành có một ngày cho tour thăm các làng nghề nổi trên vùng lòng hồ này. Chỉ riêng 45 phút đi trên con kênh dẫn vào các làng cũng đã là một trải nghiệm.

Phong cảnh liên tục thay đổi với những dãy núi, những tràng cỏ thơm, cảnh sinh hoạt ven sông, chùa, tháp, vô số cây cầu gỗ có mái che và các con thác nhỏ mà thuyền phải vượt qua.

Dệt vải truyền thống -T.T.L.
Dệt vải truyền thống -T.T.L.

 

Bất ngờ làng nghề

Người Intha vốn nổi tiếng về tay nghề thủ công trên đất nước Myanmar. Hoàn toàn khác với những gì gọi là “làng nghề” tại Vĩnh Long hay Bến Tre, Mỹ Tho của Việt Nam, các làng nghề trên hồ Inle là những làng nghề “sống”, tất cả hộ gia đình đều có chung một nghề, quy tụ lại trong một làng nổi.

Không thể kể hết những ấn tượng mà chúng tôi đã có được khi thăm làng làm kim hoàn, làng làm cigar, làng đóng tàu, làng trồng hoa màu, làng trồng lúa... Các cơ sở làm nghề thủ công là những doanh nghiệp gia đình ngay trong nhà họ. Nghề được truyền qua nhiều thế hệ và hoàn toàn không phải là sự phô diễn dành cho du khách.

Chúng tôi ghé làng dệt Inn Paw Khon nằm bên bờ tây hồ để tìm hiểu về nghề dệt tơ lụa và nhất là dệt tơ sen, một kỹ thuật dệt tơ truyền thống từng phổ biến nhiều thế kỷ trước tại một số quốc gia Đông Nam Á, nay đã thất truyền ở Việt Nam. Ngôi làng nổi này nổi bật trên nước với màu sắc rực rỡ của những cây cầu, cửa gỗ và những cuộn tơ hong bên khung cửa sổ.

Cách lấy tơ thật đặc biệt -T.T.L.
Cách lấy tơ thật đặc biệt -T.T.L.

 

Từ xa đã nghe thấy tiếng lách cách của máy dệt thủ công. Nhà nào cũng ngổn ngang những khung cửi xe sợi và vô số máy dệt đang miệt mài chạy. Với lụa tơ tằm, người ta phải nhập tơ từ Trung Quốc để dệt lụa theo những môtip và họa tiết đặc trưng của Myanmar. Người Myanmar dùng lụa tơ tằm để may những chiếc váy quấn ngang hông longyi truyền thống mặc trong các dịp lễ, cưới hỏi và xuất khẩu. Riêng lụa tơ sen được làm hoàn toàn từ sen khai thác trong lòng hồ.

Rất đông du khách tìm hiểu cuộc sống trên hồ Inle (TTL)
Rất đông du khách tìm hiểu cuộc sống trên hồ Inle (TTL)

 

Khác với kỹ thuật lấy tơ xưa kia ở Việt Nam chỉ lấy từ cuống hoa sen trắng, tơ sen của vùng hồ Ile được lấy từ cuống sen hồng. Trên sàn nhà, những cọng sen dài nằm chồng chất. Người đàn ông bẻ một đoạn ngắn và kéo những cuống sen làm hai phần, lập tức những sợi tơ trắng lấp lánh xuất hiện.

Tơ sen với đường kính chỉ 3-5mm là loại tơ nhỏ nhất trong tự nhiên. Đặt những sợi tơ trên một phiến gỗ, ông vo chúng lại thành một sợi mỏng, cứ thế những sợi tơ được đặt tiếp nối lên nhau tạo thành chỉ.

Ở phòng kế bên, những sợi tơ sen thô được ngâm và nấu trong sáp cây pha dầu cọ suốt 24 tiếng nhằm đạt được độ dai cần thiết. Sau khi phơi thật khô và xe thành cuộn, người ta dệt ra vải bằng một loại máy dệt thủ công chỉ dành riêng để dệt tơ sen. Trong quá trình dệt phải liên tục nối sợi để mặt vải được mịn đều và sợi không bị đứt.

Vải tơ sen của Myanmar phổ biến nhất là màu tự nhiên, trắng ngà hoặc kem, bề mặt hơi thô giống mặt vải sợi gai lanh. Để sản phẩm được đa dạng hơn, người ta dùng nhựa cây nhuộm một số màu: nhựa xoài cho màu nâu đỏ, nhựa mít cho màu nâu sẫm, quá trình nhuộm cũng rất kỳ công qua 4-5 công đoạn đun nấu để nhựa cây thấm vào sợi.

Có thể dùng sợi tơ sen dệt chung với tơ tằm cho một vẻ đẹp riêng. Người chủ cơ sở cho biết để có được 1m vải tơ sen cần 10.000-13.000 cuống sen và vải được hoàn tất sau một tuần làm việc. Kỳ công như vậy nên giá thành vải tơ sen vô cùng đắt, giá một chiếc áo có thể lên tới hàng ngàn USD.

Chúng tôi rời làng dệt tơ sen độc đáo này khi hoàng hôn từ từ buông xuống trên lòng hồ Inle. Những luống rau và những ngôi nhà sàn in bóng xuống mặt nước trong veo khiến khung cảnh như thực như hư. Mặt trời ném những tia nắng đỏ ối cuối cùng của ngày lên bầu trời đang chuyển từ màu chàm sang màu xanh navy. Những con thuyền lướt trên mặt hồ kéo theo những bọt sóng trắng lấp lánh mãi không thôi. Ở Myanmar có một vùng hồ thần tiên đầy những điều bất ngờ mang tên gọi Inle Lake.■

Vườn rau nổi trên hồ-T.T.L.
Vườn rau nổi trên hồ-T.T.L.

 

Inle Lake là một trong hai hồ nước ngọt lớn nhất và cũng là một trong những kỳ quan đặc sắc nhất của Myanmar. Hồ Inle là trái tim văn hóa của bang Shan, một bang trải dài từ tây sang đông Myanmar với nhiều làng mạc, đồi núi và ruộng bậc thang. Hồ nằm trong một thung lũng lớn, ở độ cao 900m so với mực nước biển, được bao bọc bởi dãy núi Shan cao 2.000m, chiều rộng tới 11km và chiều dài tới 22km.

Kể từ năm 1985, hồ Inle và vùng nước ngập lân cận đã được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên của Myanmar. Đây còn là quê hương của nhiều loài chim, cò và khoảng 30 loài cá, phổ biến nhất là cá trắm cỏ được nuôi từ hàng thế kỷ. Từ Yangoon bay một tiếng tới Heho, có thể đón xe đi Inle Lake.

Một cách điệu nghệ với một chân trên thuyền, một chân chèo thuyền, họ giữ thăng bằng trên chiếc thuyền độc mộc bằng gỗ, dành đôi tay rảnh rang để quăng hoặc gỡ lưới cá

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận