Kinh tế toàn cầu: Tăng trưởng mất đà, xuất khẩu "dò đáy"

HỒ QUỐC TUẤN 30/07/2023 16:21 GMT+7

TTCT - Nhận xét về cuộc họp của các bộ trưởng tài chính của G20 tại Ấn Độ năm nay, tờ Wall Street Journal có bài "Một nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng sôi động đang bắt đầu mất đà". Nguyên nhân do đâu và có thể hy vọng gì ở tương lai?

Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định: "Mặc dù triển vọng không rõ ràng trong thời gian tới, dự báo trung hạn của kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm".

Chính sách tiền tệ thắt chặt, ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine, sự suy giảm của thương mại toàn cầu và thách thức do diễn biến thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu đều có vai trò nhất định. 

Hệ quả dễ thấy nhất là thị trường bất động sản thương mại ở nhiều nước lâm vào khó khăn, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sụt giảm và nợ công của một số nước, đặc biệt là các nước nghèo, tăng nhanh và không còn ở mức bền vững nữa.

Ảnh: Business Standard

Ảnh: Business Standard

Đánh mất đà tăng trưởng

Trong bối cảnh đó, một trong những yếu tố đáng lo nhất chính là thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Dữ liệu mới được Chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 6-2023 giảm tới 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm 7,5% được ghi nhận trong tháng 5 trước đó. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong 3 năm trở lại đây, có nghĩa không thể cho rằng đây là tác động do dịch Covid-19 gây ra.

Xuất khẩu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đều sụt giảm hoặc tăng yếu. Đây là tình hình chung khi châu Âu suy giảm nhu cầu và nền kinh tế chủ chốt như Đức đã rơi vào suy thoái, trong khi lượng hàng tồn kho cao ngất của Mỹ vẫn đang duy trì ở mức cao kỷ lục và chỉ mới đang có dấu hiệu tạo đỉnh.

Nhu cầu yếu, hàng tồn kho nhiều, tất yếu là nhu cầu nhập khẩu của những thị trường tiêu thụ lớn ở Âu - Mỹ suy giảm. Và kết quả là thương mại toàn cầu ảm đạm. Đây là vấn đề trong ngắn hạn.

Theo các tín hiệu của bộ dữ liệu theo dõi thương mại toàn cầu của Bloomberg, đa số các tín hiệu chỉ ra rằng tình hình thương mại toàn cầu có thể sẽ còn xấu đi nữa trong ngắn hạn trước khi tốt lên. Tuy nhiên, tiến trình "dò đáy" đã bắt đầu, và một số tín hiệu cho thấy tốc độ suy giảm xuất khẩu của một số nền kinh tế như Hàn Quốc đã chậm đi.

Nhưng tạo đáy rồi không đảm bảo là thương mại toàn cầu sẽ bật lên trở lại nhanh. Nếu như chính sách tiền tệ thắt chặt là một lựa chọn dễ đảo ngược, vì đó là quyết định chủ yếu do ngân hàng trung ương các nước chủ động và chủ yếu nhằm khống chế lạm phát, thì thương mại lại là vấn đề đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên. Mà hợp tác chính là cái thiếu nhất lúc này.

Cạnh tranh Mỹ - Trung

Một trong những vấn đề hiện tại là sự nổi lên của Trung Quốc với đường lối ngoại giao "chiến lang" đã tạo ra cái cớ cho chủ nghĩa bảo hộ nổi lên ở Mỹ, dưới tên gọi mới "mang đơn hàng về cho bằng hữu" (friend-shoring). Một tương lai mà quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung ngày càng xa cách là nguy cơ hiển hiện, và tất yếu là giao thương toàn cầu.

Trong một thời gian dài của những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thế giới hưởng lợi từ một loạt nhân tố như thời kỳ yên ổn và hòa bình ở các "điểm nóng", thương mại quốc tế phát triển mạnh với các hiệp định thương mại liên tục được ký kết và thúc đẩy sự phát triển không ngừng của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Dịch Covid-19, rồi xung đột thương mại giữa các cường quốc, đang làm gián đoạn tăng trưởng thương mại toàn cầu, điển hình là đến nay, khi những nút thắt của chuỗi cung ứng đã được hóa giải gần hết, thương mại vẫn đang "dò đáy".

Những chính sách kích thích kinh tế như giảm lãi suất sẽ không có tác dụng khi đơn hàng xuất khẩu còn chưa phục hồi. Đòn bẩy tài chính nhờ vay nợ sẽ chỉ có thể phát huy tác dụng khi doanh thu tăng, đơn giản là như vậy. 

Mà giao thương khó khăn, các nước chỉ chơi với vài "bằng hữu" thì khó mà tăng trưởng tốt, vì chi phí sản xuất không được tối ưu, năng lực của chuỗi cung ứng không được tận dụng hiệu quả, lợi thế tương đối của từng quốc gia không được khai thác tốt nhất thì tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu tất nhiên sụt giảm.

Tuy nhiên, đó là nhìn chung ở khía cạnh toàn cầu. Còn ở khía cạnh lợi ích đơn lẻ và hẹp hòi, một vài tập đoàn, thậm chí một số quốc gia sẽ hưởng lợi nhờ xu thế "bảo hộ sản xuất của người nhà" như vậy. 

Lấy ví dụ, Mexico được cho là sẽ hưởng lợi từ chính sách mang đơn hàng về gần nhà và mang đơn hàng cho bạn bè của Mỹ. Vì vậy, họ sẽ có xu hướng cổ xúy cho chủ nghĩa bảo hộ mới dưới tên gọi mỹ miều.

Nói cách khác, dù thương mại toàn cầu tìm thấy đáy và đi lên trở lại, kỳ vọng tăng trưởng thương mại hằng năm quay lại mức như trước là quá lạc quan. Trong cuộc chơi mới này, sẽ có kẻ thắng và người thua. 

Mà nếu người thua là nước lớn, như Trung Quốc, thì họ sẽ dễ gì để cho nước được xem là kẻ thắng, kẻ hưởng lợi từ xu thế mới này được yên ổn lấy hết miếng bánh mới. Ví dụ, Trung Quốc đã từ lâu ra các báo cáo đánh giá nước nào đang nổi lên thay thế vị trí công xưởng thế giới của mình. 

Ấn Độ, Indonesia, Mexico và Việt Nam đều được xướng tên trong những báo cáo đó. Họ hẳn không lập ra các báo cáo đó chỉ cho vui.

Khi nào khá lên trở lại?

Những điều nói ở trên là một cái nhìn kiểu IMF - "dự báo trung hạn của kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm". Nhưng nhiều người chỉ quan tâm là kinh tế 6 tháng tới có khá hơn hay không. Ở góc nhìn này thì có một số tín hiệu lạc quan nhỏ, như mức sụt giảm thương mại toàn cầu có dấu hiệu sắp chạm đáy.

Hãng tin Bloomberg nhận định tình hình phải tệ hơn nữa trước khi khá trở lại, nhưng có thể chỉ tệ hơn chút ít nữa thôi. Hàng tồn kho ở Mỹ tạo đỉnh, và nhu cầu nhập hàng trong quý 3 để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm ở châu Âu chắc sẽ có tác động tích cực đến xuất khẩu của những nền kinh tế châu Á trong mấy tháng cuối năm.

Đến lúc này, vẫn chưa có nhiều quốc gia rơi vào suy thoái như dự đoán cũng là một tin mừng, đảm bảo sức mua hàng xuất khẩu từ châu Á cho mấy tháng tới được duy trì. 

Một số biến động bất lợi do biến đổi khí hậu đang làm mất mùa và dẫn đến hạn chế xuất khẩu từ một số nền kinh tế như Ấn Độ vừa hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực và hạn chế tăng giá trong nước cũng tạo ra cơ hội cho Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng không có gì đáng để vui mừng quá. Những thứ có thể gây khó cho nước khác hôm nay thì cũng có thể gây khó cho Việt Nam lúc khác. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận