06/10/2013 04:50 GMT+7

Khốn khổ với... giày

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TT - Nếu có ai hỏi du khách cần chuẩn bị những gì cho mỗi chuyến viễn xứ, từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể nói ngay: phải chuẩn bị “đôi giày vạn dặm” cho tốt. Sở dĩ nói như vậy bởi trong những chuyến du lịch mấy chục năm qua, ít nhất hai lần tôi đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở mếu vì sự trở chứng của đôi giày.

Lần khốn khổ đầu tiên với đôi giày là chuyến đi du lịch Trung Quốc dài chín ngày năm 2009. Đó là đôi giày thể thao mang thương hiệu nổi tiếng thế giới do một người bạn tặng. Nhưng không ngờ khi máy bay vừa đáp xuống sân bay Quảng Châu thì một chiếc giày có dấu hiệu bung keo dán. Tuy vậy, do lịch trình chuyến đi rất sít sao, suốt ngày đoàn “hành quân” liên tục, tối về nhận phòng khách sạn thì đã muộn nên không thể tìm mua đôi giày khác.

Thế là từ thành phố Hàng Châu với thắng cảnh Tây Hồ tuyệt mỹ, tới xứ Tô Châu lụa là gấm vóc nổi tiếng rồi Thượng Hải hiện đại phồn hoa, đôi giày hư báo hại tôi phải lò dò gắng gượng vì bị bong đế. May sao, khi đoàn du khách vào một điểm tham quan bên “phố Tây” Thượng Hải, tôi nhìn thấy một tiệm sửa giày vỉa hè liền tranh thủ nhờ người thợ già ở đây khâu lại đôi giày để dùng tạm.

Thế nhưng cũng chỉ được nửa ngày thì những đường khâu mới lại bị bung, hai chiếc giày rơi luôn đế cao su, chỉ còn dính lại phần vải mỏng khiến tôi đành “thúc thủ” một chỗ, không thể cùng đoàn tham quan một điểm du lịch ở thành phố Thâm Quyến. Mãi đến chiều hôm đó, khi đoàn du lịch được tự do mua sắm ở chợ Thâm Quyến, tôi mới tìm mua được đôi giày mới.

Những tưởng một lần đã quá đủ, vậy mà do chủ quan tôi còn bị cái khổ này đeo thêm một lần nữa. Đó là chuyến đi tới đảo Jeju (Hàn Quốc) tháng 10-2011. Tiếc rẻ đôi giày còn rất mới nên tôi không sắm cho mình đôi giày khác. Nhưng lần này không đợi ra đến nước ngoài nó mới bị hư, ngay tại phòng chờ cách ly ở sân bay Tân Sơn Nhất, một chiếc giày “made in Trung Quốc” của tôi lại rơi đế. Lúc đặt chân đến “hòn đảo tình yêu” Jeju xinh đẹp, khi mọi người háo hức ngắm cảnh trong cái se lạnh đầu đông xứ kim chi thì ruột gan tôi như có lửa bởi chiếc giày thứ hai cũng rơi nốt đế.

Suốt hai ngày sau đó tôi chỉ còn cách phải xỏ tạm đôi dép mượn của một người bạn. Khổ nỗi, khi thấy kế bên điểm dừng chân ăn sáng có cửa hàng giày thể thao thì họ lại chưa mở cửa, còn tại các điểm tham quan dù đã cố ý dò hỏi cũng không thấy chỗ nào bán giày.

Nhưng chuyện về đôi giày trong chuyến du lịch Jeju này của tôi không phải chỉ có thế. Sang ngày thứ ba, tại điểm tham quan thác nước Cheonjyon, tôi mừng quýnh khi tìm thấy một cửa hàng tạp hóa có bày bán giày thể thao. Sau khi trả tiền, tôi mang ngay đôi giày mới mua vào chân với sự sung sướng như trút được gánh nặng thì ôi thôi, vừa đi được vài chục bước đôi giày mua mấy chục won ấy đã bở vỡ ra như bột mì vậy.

Trong lúc dở khóc dở mếu chưa biết làm thế nào nơi đất khách quê người, may thay cô hướng dẫn viên người Hàn gốc Việt bên công ty đối tác Hàn Quốc đã can thiệp, yêu cầu chủ cửa hàng phải đổi cho tôi đôi giày khác. Chắc không muốn gặp rắc rối, người bán hàng ấy thừa nhận đã bán cho tôi đôi giày Trung Quốc kém chất lượng, lại để quá lâu mà bà ta cũng bị lừa nhập vào rồi nhanh nhảu đổi cho tôi một đôi giày tốt với số tiền thấp hơn. Về sau, chúng tôi được cô hướng dẫn viên kia cho biết ở Hàn Quốc, trường hợp bán hàng gian, hàng giả, “chặt chém” nếu để bị du khách khiếu nại tới cảnh sát đến “hỏi thăm” hay đưa lên mạng Internet thì hết đường làm ăn nên họ rất sợ.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên