26/03/2022 08:14 GMT+7

Khôi phục bản sắc đô thị sông nước của Sài Gòn - TP.HCM

CHUNG THANH HUY
CHUNG THANH HUY

TTO - Từ bao đời nay, Sài Gòn - TP.HCM luôn mang dấu ấn của đô thị sông nước bởi hệ thống kênh rạch hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của vùng đất này.

Khôi phục bản sắc đô thị sông nước của Sài Gòn - TP.HCM - Ảnh 1.

Mỗi buổi chiều các bạn trẻ thường ra bờ sông Sài Gòn ngắm cảnh, hóng mát - Ảnh: GIA TIẾN

Mảnh đất Sài Gòn - TP.HCM đã lớn lên với chính bản sắc sông nước của mình, làm nên một di sản cảnh quan đô thị nước: đất ngập nước, rừng Sác, kênh rạch, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng... với vô số các hoạt động trên những con nước là văn hóa cội nguồn của đô thị cho đến nay.

Tiềm năng và thách thức

Cùng với yêu cầu phát triển giao thương giữa các vùng miền, các con rạch nhỏ từng bước được xây sửa, mở rộng và nối dài thành kênh đào lớn để tiện cho giao thông thủy.

Đầu thế kỷ 20, nhiều con kênh thông với sông Sài Gòn bị san lấp để xây dựng chợ búa (Bến Thành, Bình Tây...) hay đại lộ, phố xá. Trong nhiều thập niên sau đó, một loạt ao hồ và rạch suối lớn nhỏ ở khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dần dần bị lấp làm đất ở.

Thời gian qua việc khai thác quỹ đất, không gian sông nước của sông Sài Gòn chưa được hiệu quả để phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch. Cho đến nay, chưa có quy hoạch tổng thể và bài bản về sông Sài Gòn mà chủ yếu là manh mún.

Kiểu như khúc sông này thì làm du lịch, khúc sông kia thì làm vận chuyển hành khách công cộng, khúc sông khác thì tạo môi trường cảnh quan, nét đặc thù văn hóa.

Cũng vì chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông rạch trong nội thành, các dự án khu đô thị, khu nhà ở chỉ được giao đất đến ranh giới hành lang bảo vệ mép bờ cao sông rạch, nên chủ đầu tư không có quyền và cũng không có trách nhiệm xây dựng bờ kè hoặc đầu tư đường giao thông, lối đi bộ, mảng xanh hoặc đầu tư các công trình dịch vụ, tiện ích phục vụ lợi ích công cộng.

Điều đó dẫn đến hành lang bảo vệ sông rạch thường bị hoang hóa, sạt lở.

Tiềm năng du lịch trên sông Sài Gòn là rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch hiện nay còn rất hạn chế là do thiếu nghiên cứu để xác định thời gian khai thác hợp lý, khúc sông nào là hấp dẫn, cần đầu tư vào đâu, hệ thống các cầu cảng thế nào để thuận tiện cho khách...

Các tuyến du lịch đường sông hiện nay đoạn đường di chuyển dài nhưng lại không phát triển các điểm dừng chân phù hợp và các sản phẩm dịch vụ trên sông đi kèm.

Hơn thế nữa, hệ thống nước thải đô thị chưa được thu gom để xử lý tập trung mà phần lớn đang xả thải trực tiếp vào sông rạch, gây ô nhiễm môi trường, làm tăng độ bồi lắng lòng sông, cản trở hoạt động du lịch đường sông.

Quy hoạch con đường di sản sông nước

Quá trình quy hoạch và phát triển cần phải gắn với bảo tồn "con đường di sản sông nước" mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Nói khác hơn, việc quy hoạch ven sông Sài Gòn vừa phải gắn với văn hóa, đặc thù, vừa phải tạo điểm nhấn về du lịch, giao thông để thu hút kinh tế, dịch vụ.

Với khoảng cách từ 100 đến 200m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc theo chiều dài sông Sài Gòn, nếu lập quy hoạch hai bên bờ sông sẽ dư ra từ 3.100 đến 5.000ha đất, trong đó diện tích mặt sông khoảng 2.000ha. Phần diện tích đất hai bên sông nêu trên sẽ rất lớn, tương đương với diện tích của quận Tân Phú hoặc quận 7.

Việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn. Trong đó, cần có sự tham gia từ nhiều nguồn lực xã hội.

Phải có quy hoạch chi tiết phân khu đối với bờ kè và hành lang bảo vệ sông rạch trên địa bàn đô thị nhằm tôn tạo cảnh quan, môi trường, phát huy lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ đất ven sông rạch và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước.

Khi quy hoạch sông Sài Gòn, cần phải phát triển, kết nối và khai thác dọc hai bên bờ sông. Tùy theo từng đoạn mà có quy hoạch phù hợp, có các công trình điểm nhấn, công trình công cộng, văn hóa và công trình khai thác lịch sử để làm điểm đến du lịch.

Ngoài ra, cần kết nối những điểm đó bằng các bến tàu, bến du lịch, tô điểm thêm những công trình dịch vụ để giúp người dân địa phương khai thác, hưởng thụ.

Các tuyến đường phải hoàn chỉnh cũng như có sự kết nối giữa giao thông thủy và giao thông bộ qua những phương tiện công cộng để người dân di chuyển, thay đổi phương tiện dễ dàng.

Tiếp tục đẩy mạnh các dự án di dời, giải tỏa những khu nhà trên kênh rạch không chỉ hạn chế các dòng chảy ô nhiễm ảnh hưởng đến sông Sài Gòn mà còn phục hồi không gian xanh và quỹ đất cho TP. Về kinh phí tổ chức thực hiện, có thể khai thác từ quỹ đất còn lại.

Trong đó, có quỹ đất dồi dào chưa xây dựng hai bên sông. Những mảnh đất đắt đỏ cũng có thể cho phép kinh doanh với mật độ thấp, hài hòa về kiến trúc tổng thể.

Khôi phục bản sắc đô thị sông nước của Sài Gòn - TP.HCM - Ảnh 2.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Tạo không gian văn hóa ven sông Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Tạo không gian văn hóa ven sông

TTO - Ở nhiều thành phố tại các quốc gia khác nhau trên thế giới, nơi nào có dòng sông chảy qua thì nơi đó luôn được quy hoạch để trở thành một biểu tượng đặc trưng của địa phương, là môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhiều mặt của thành phố.

CHUNG THANH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên