04/08/2017 08:59 GMT+7

Khi trẻ nghiện… nhổ tóc!

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TTO - Không ít phụ huynh khổ sở, đau đầu vì con nhổ trụi tóc hoặc lam nham từng mảng. Để trẻ không nhổ tóc, có phụ huynh còn cạo hết tóc con và cho mang tóc giả.

*** Error ***

Nếu trẻ nhổ tóc do thói quen lâu ngày, bác sĩ da liễu sẽ cho thuốc để tạo tóc mới nhanh hơn, nếu có ngứa sẽ cho thuốc giảm ngứa. Đồng thời tư vấn người nhà quan tâm trẻ nhiều hơn, nhắc nhở ngay khi thấy trẻ nhổ tóc, nói cho trẻ biết là trẻ đang có tật này. Việc nhắc nhở, can thiệp tật nhổ tóc phải kiên trì, liên tục trẻ mới có thể bỏ được

BS NGUYỄN TRỌNG HÀO (giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM)

Theo các bác sĩ, nhổ tóc không chỉ là thói quen lâu ngày thành tật khó bỏ mà có thể còn tiềm ẩn phía sau là bệnh lý liên quan đến tâm lý, tâm thần.

Cạo đầu

Em N.V.K.C. (13 tuổi, TP.HCM) là trường hợp điển hình về tật nhổ tóc ở trẻ em. Ba năm qua, bà T.H. - mẹ em - đã đưa con đi khám nhiều lần ở Bệnh viện Da liễu TP và khoa tâm lý - tâm thần trẻ em,

Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP. Các bác sĩ đã khám, làm một số khảo sát trắc nghiệm tâm lý để đánh giá việc nhổ tóc của K.C. do nguyên nhân gì và tư vấn, hướng dẫn gia đình để giúp em bỏ tật này. Tuy nhiên, ba năm qua - kể từ khi bắt đầu nhổ tóc (lúc K.C. 10 tuổi) - em vẫn chưa bỏ được, vẫn chứng nào tật ấy.

Theo bà T.H., khi phát hiện con gái nhổ tóc bà nghĩ là bình thường, sau đó thấy da đầu của bé có nhiều chỗ nhẵn nhụi. Bà phát hiện mỗi khi con gái ngồi một mình học bài, xem tivi hay đọc sách là lại nhổ tóc.

Bà thường xuyên nhắc nhở con không được nhổ tóc nhưng K.C. vẫn nhổ khi không có mặt mẹ. Bí quá, bà T.H. cạo hết tóc của con gái và cho đội tóc giả khi đi học, ra đường. Hết tóc thì K.C. không nhổ, nhưng cứ dài ra một chút là em lại nhổ và bà T.H. lại cạo.

“Tôi đã đưa con đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám nhưng chưa thấy tiến triển. Nghe nói tật nhổ tóc liên quan đến thần kinh, tâm lý nên tôi cũng đưa cháu đi khám. Bác sĩ cho kiểm tra mọi thứ cũng không phát hiện bất thường gì. Tôi còn mua máy mátxa đầu, thuốc thoa da đầu với hi vọng giúp giảm nhổ tóc nhưng không hiệu quả” - bà mẹ than thở.

Tháng nào cũng có vài trẻ vô viện

Tại khoa tâm lý - tâm thần trẻ em, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP, tháng nào cũng tiếp nhận một vài trẻ đến khám vì nhổ tóc. Có những bé khi đến khám tóc bị trụi sạch từng mảng, phải đội tóc giả.

Điển hình là một bé gái học lớp 8 nhổ tóc do bệnh trầm cảm. Mẹ bé giận quá đem cạo hết tóc, cho đội tóc giả nhưng khi tóc nhú ra một chút là bé lại trốn vào nhà vệ sinh nhổ tóc. Nếu bị la rầy bé lại bứt tóc nhiều hơn. Tuy được điều trị bằng nhiều biện pháp dùng thuốc, trị liệu tâm lý… nhưng bé gái này không bỏ được tật nhổ tóc.

Một bé gái khác bắt đầu nhổ tóc khi 11 tuổi. Lúc bé nhổ tóc cũng là thời điểm bé thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi nhau, chuẩn bị ly hôn. Khi khám bác sĩ phát hiện bé bị trầm cảm.

Sau thời gian điều trị thuốc chống trầm cảm, bé hết nhổ tóc.

Nên đưa trẻ đi khám sớm

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Giang - trưởng khoa tâm lý - tâm thần trẻ em, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP, tật nhổ tóc còn gọi là thói quen xung động nhổ tóc. Khi khám cho trẻ nhổ tóc, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân trẻ nhổ tóc là do xung động hành vi hay có bệnh lý khác.

Nếu là do thói quen, trẻ sẽ nhổ tóc vô thức khi bị căng thẳng hoặc tập trung học tập cao độ. Khi nhổ tóc vô thức trẻ có cảm giác dễ chịu nên cứ làm đi làm lại, lâu ngày tạo thành thói quen khó bỏ do lệ thuộc tâm lý.

Nếu nhổ tóc do có bệnh lý khác thì thường là trẻ bị trầm cảm, lo âu, hoặc rối loạn hành vi ám ảnh cưỡng bức. Những ý nghĩ ám ảnh này khiến trẻ phải nhổ tóc mới thấy dễ chịu, dù trẻ biết việc này là không nên nhưng không cưỡng lại được.

Ở góc độ tâm lý, tâm thần, bác sĩ Giang khuyên: khi trẻ có tật nhổ tóc, phụ huynh nên đưa đi khám chuyên khoa tâm lý, tâm thần trước để xác định sớm trẻ có bị rối loạn lo âu, trầm cảm hay rối loạn ám ảnh cưỡng bức không.

Nếu có phải được điều trị sớm vì đây là bệnh lý phải phối hợp điều trị vừa thuốc vừa trị liệu tâm lý. Ngoài ra, nếu nghi ngờ trẻ nhổ tóc do nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ giới thiệu khám thêm chuyên khoa da liễu để loại trừ những bệnh lý ngoài da.

Khi chẩn đoán xác định trẻ nhổ tóc vì thói quen xung động, chỉ cần hướng dẫn điều chỉnh hành vi, cho làm thư giãn tâm lý, dạy trẻ các phương pháp thay thế khi trẻ bắt đầu muốn nhổ tóc bằng các việc khác như đứng lên lấy cuốn vở vẽ một hình ảnh yêu thích, đi mở một bài hát yêu thích, đứng dậy vươn vai tập thể dục để quên đi việc nhổ tóc.

Không chỉ nhổ tóc

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, tật nhổ tóc thường gặp ở trẻ em 10-13 tuổi, nữ bị nhiều hơn nam. Người lớn hiếm gặp. Hiện y học chưa tìm thấy nguyên nhân rõ ràng nhưng có một số yếu tố liên quan và thường gặp ở trẻ có tật nhổ tóc. Một là yếu tố di truyền; hai là yếu tố bệnh lý như trầm cảm, rối loạn tâm thần; ba là yếu tố stress tâm lý.

Đặc biệt, ngoài nhổ tóc trẻ còn có thể nhổ cả lông mày, lông chân, lông tay… Thậm chí có thêm các tật khác như cắn móng tay, véo da, nặng hơn là nhổ tóc xong còn ăn cả tóc. Y văn ghi nhận có người ăn tóc đến tắc ruột.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên