15/11/2023 11:03 GMT+7

Khi Mỹ nhìn thấy IPEF trong APEC

Tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra tại San Francisco là cơ hội không thể tốt hơn để Mỹ chia sẻ các thông điệp quan trọng của họ về chính sách kinh tế, trong đó có IPEF và các cam kết đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự đan xen giữa APEC và IPEF cùng các hiệp định thương mại khu vực - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Sự đan xen giữa APEC và IPEF cùng các hiệp định thương mại khu vực - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Với tư cách là nước chủ nhà APEC 2023, Mỹ gần như chắc chắn sẽ tranh thủ tối đa dịp này để chứng minh mình là "một chủ nhà tốt". Quan trọng hơn, Mỹ cũng muốn phát đi các cam kết mạnh mẽ về việc tiếp tục xem trọng châu Á - Thái Bình Dương, và không để những diễn biến khác trên thế giới làm lu mờ ý nghĩa của sự kiện.

Thông điệp trấn an của Mỹ

"Bất kể điều gì đang xảy ra ở các khu vực khác trên thế giới, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là trọng tâm và ưu tiên chính của chính quyền Biden - Harris" - ông Matt Murray, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), khẳng định trong cuộc họp báo trước sự kiện.

Trong suốt cuộc họp báo đó, các quan chức Mỹ nhận được hàng loạt câu hỏi và chất vấn về các cuộc gặp song phương bên lề APEC, các xung đột đang diễn ra tại Trung Đông và Ukraine.

Ở chiều ngược lại, phản ứng chung của họ là giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của những sự việc đó đến APEC 2023, nhấn mạnh việc Mỹ đã nỗ lực thế nào cho sự kiện tại San Francisco. Về mặt ý nghĩa, APEC 2023 đánh dấu tròn 30 năm Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC diễn ra, và sự kiện năm đó cũng do Mỹ là chủ nhà.

Ở góc độ kinh tế, APEC bao trùm khu vực năng động nhất khi chiếm đến một nửa thương mại toàn cầu, 60% GDP thế giới và 7 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ đều nằm trong khu vực.

APEC cũng là một phần trong khu vực rộng lớn hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đang ra sức củng cố sự hiện diện. "Đây là khu vực mà chúng tôi không thể bỏ qua, và quan trọng hơn, là khu vực chúng tôi thực sự muốn tăng cường hợp tác, nhất là về kinh tế, bởi vì nó có ý nghĩa rất lớn đối với sự thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ", ông Murray nhấn mạnh.

Đường phố San Francisco được trang trí trước Tuần lễ cấp cao APEC 2023 - Ảnh: AFP

Đường phố San Francisco được trang trí trước Tuần lễ cấp cao APEC 2023 - Ảnh: AFP

Quảng bá IPEF

Có tới 12/21 nền kinh tế thuộc APEC đang tham gia đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng. Ngoài các nhà lãnh đạo, 12 nền kinh tế đó còn đưa tới San Francisco một loạt quan chức cấp bộ trưởng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại... và những quan chức khác phụ trách cả APEC lẫn IPEF.

Quan trọng hơn, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, Washington đang muốn tận dụng APEC 2023 để thúc đẩy hoàn tất IPEF trong năm nay. Đó là một mục tiêu tham vọng, bởi lẽ cho đến hiện tại, các nhà đàm phán chỉ mới nhất trí được trụ cột về chuỗi cung ứng trong số bốn trụ cột của IPEF.

Nhưng Mỹ đang nỗ lực hiện thực hóa điều đó. Vòng đàm phán thứ bảy về IPEF diễn ra ngay tại San Francisco từ ngày 5 đến 12-11 tiếp tục tìm cách tháo gỡ những khác biệt về ba trụ cột còn lại.

Vì sao Mỹ lại quyết liệt thúc đẩy IPEF như thế và lại chọn San Francisco để đàm phán ngay trước APEC? Hẳn là tính thời điểm và địa điểm đàm phán là một quyết định có chủ đích của Mỹ nhằm thu hút sự chú ý đối với IPEF trong bức tranh APEC.

IPEF được xem là một mảnh ghép quan trọng trong cách tiếp cận của Washington tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sáng kiến này cũng là thông điệp trấn an của Mỹ sau khi họ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dẫn tới sự ra đời của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cả APEC và IPEF đều có tính bổ sung cho nhau, với sự chồng chéo về nhiều mục tiêu, theo giới phân tích. "Với rất nhiều lĩnh vực chồng chéo giữa APEC và IPEF, cách hợp lý nhất trước mắt là sử dụng APEC để mở rộng sức hấp dẫn của IPEF tới nhiều đối tượng hơn", bốn nhà nghiên cứu của CSIS nhận định trong bài viết đăng trên trang web của trung tâm này.

Chủ tịch nước đã tới San Francisco

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân vẫy tay chào trước khi lên đường đến Mỹ ngày 14-11 - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân vẫy tay chào trước khi lên đường đến Mỹ ngày 14-11 - Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Hội nghị APEC từ ngày 14 đến 17-11 tại Mỹ. Đêm 14-11, Chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến San Francisco, bắt đầu chuyến công tác Mỹ đầu tiên của Chủ tịch nước trên cương vị mới.

Ngay sau khi đến Mỹ, Chủ tịch nước sẽ gặp thân mật cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ. Ông cũng sẽ có nhiều hoạt động khác như phát biểu chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, tiếp Liên đoàn doanh nghiệp Mỹ - APEC... trong ngày 16-11 theo giờ Việt Nam.

Tiếng nói Việt Nam ở APECTiếng nói Việt Nam ở APEC

Mọi sự chú ý sẽ dồn về thành phố San Francisco của Mỹ trong tuần này khi 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tề tựu cho chuỗi hoạt động lớn và quan trọng nhất trong năm của diễn đàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên