14/11/2023 08:55 GMT+7

Tiếng nói Việt Nam ở APEC

Mọi sự chú ý sẽ dồn về thành phố San Francisco của Mỹ trong tuần này khi 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tề tựu cho chuỗi hoạt động lớn và quan trọng nhất trong năm của diễn đàn.

Đường phố San Francisco được trang trí trước Tuần lễ cấp cao APEC 2023 - Ảnh: AFP

Đường phố San Francisco được trang trí trước Tuần lễ cấp cao APEC 2023 - Ảnh: AFP

Hôm nay (14-11), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ từ ngày 14 đến 17-11.

Điều này cho thấy sự coi trọng của Việt Nam đối với việc đối thoại với tinh thần cùng thắng, tôn trọng lẫn nhau và cùng tiến bộ.

Thông điệp của nước đang phát triển

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 năm nay có chủ đề "Kiến tạo tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người".

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, là một quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhưng được đánh giá là nước có tiềm năng lớn trong chuỗi cung ứng, APEC 2023 sẽ là cơ hội để Việt Nam phát đi tiếng nói của nước đang phát triển đang có vai trò ngày càng lớn trên thế giới.

Những hoạt động của Chủ tịch nước nói riêng và đoàn Việt Nam nói chung được kỳ vọng sẽ tạo ra các cơ hội để thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam và khu vực.

Chủ tịch nước sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 30 với chủ đề "Kết nối và các nền kinh tế tự cường và bao trùm", dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời.

Đặc biệt, người đứng đầu Nhà nước sẽ có phát biểu dẫn đề tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, sự kiện quy tụ hơn 2.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và trong APEC. Đây sẽ là dịp để Chủ tịch nước truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam sẽ tham dự tất cả các hoạt động lớn của Tuần lễ cấp cao APEC 2023, tiếp xúc rộng rãi các đối tác quan trọng trong APEC và các tập đoàn doanh nghiệp lớn ở khu vực.

Trong thời gian ở Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng sẽ có các hoạt động song phương, góp phần triển khai mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa mới thiết lập giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt trong giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

APEC thúc đẩy phát triển xanh

Trải qua hơn 30 năm, APEC đã cho thấy vai trò của diễn đàn trong việc thúc đẩy các nỗ lực kết hợp giữa thương mại và tính bền vững.

APEC nằm trong mối liên kết của nhiều tổ chức như Ban thư ký ASEAN và Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương.

APEC cũng duy trì các kết nối không chính thức với các tổ chức như Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, các nền kinh tế APEC đã cải thiện khả năng trung bình cấp giấy phép xây dựng nhanh chóng, giảm 18,7% từ 169 ngày xuống còn 134 ngày trong bốn năm qua.

Ngoài ra, thủ tục thành lập doanh nghiệp của các nền kinh tế APEC nói chung đã giảm 20,2% kể từ năm 2009.

Trong bài viết trên trang East Asia Forum, nghiên cứu sinh tiến sĩ Giridharan Ramasubramanian (Đại học Quốc gia Úc) nhận định APEC có sự linh hoạt, năng động và trên thực tế đã tạo nền tảng hoặc trở thành hình mẫu cho các tổ chức quốc tế khác.

Những vấn đề nóng bỏng hiện nay, bao gồm tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, giảm phát thải đã được các lãnh đạo APEC thảo luận từ lâu.

Chẳng hạn, vào năm 2012, các nền kinh tế APEC đã đồng ý "Danh sách 54 mặt hàng môi trường" nhằm mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ môi trường và góp phần vào tăng trưởng xanh.

Danh sách này đặt nền tảng cho các cuộc thảo luận tại các diễn đàn quốc tế khác, bao gồm cả WTO. Nó cũng đặt nền tảng cho trụ cột "Nền kinh tế sạch" của Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), mở rộng các cam kết của APEC về năng lượng sạch, khử carbon và phát triển cơ sở hạ tầng xanh.

Thành công bước đầu đã khuyến khích APEC tiếp tục tiến lên khi vào năm 2021, các quan chức APEC ở cấp bộ trưởng đã khởi động thảo luận về việc mở rộng danh sách trên.

Các mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn và xanh được lãnh đạo APEC thông qua năm 2022 thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế trong phát triển bền vững.

Theo ông Giridharan Ramasubramanian, các thỏa thuận quốc tế mới kết hợp khí hậu và thương mại hiện đang nổi lên ở châu Á - Thái Bình Dương.

Singapore gần đây đã ký một thỏa thuận kinh tế xanh với Úc, Việt Nam và quan hệ đối tác về biến đổi khí hậu với Indonesia và Mỹ.

Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng đang phát triển hợp tác kinh tế hướng tới khí hậu như vậy. Trong bối cảnh đó và với bề dày hoạt động trong lĩnh vực này, APEC hoàn toàn có thể cung cấp các khuôn mẫu cho những thỏa thuận như vậy trong tương lai.

Cơ hội của Mỹ

Mặc dù ra đời từ năm 1989, mãi đến năm 1993, Hội nghị cấp cao APEC đầu tiên mới được tổ chức và cũng trùng hợp diễn ra tại Mỹ.

Với lịch trình dày đặc trong Tuần lễ cấp cao APEC 2023, Mỹ không giấu tham vọng biến sự kiện năm nay trở thành cơ hội lan tỏa các chính sách, chiến lược về kinh tế, thương mại.

Nổi lên trong số đó có IPEF, mặc dù không phải tất cả các thành viên APEC đều tham gia ý tưởng này của Mỹ.

Hôm nay Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lên đường tham dự Tuần lễ APEC 2023 tại MỹHôm nay Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lên đường tham dự Tuần lễ APEC 2023 tại Mỹ

Hôm nay (14-11), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lên đường tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ, từ ngày 14 đến ngày 17-11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên