10/08/2020 11:48 GMT+7

Khi Biển Hồ "khát" nước

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Nước từ dòng Mekong chảy ngược về Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia năm nay thấp kỷ lục kể từ 1997, ảnh hưởng đến nguồn cá ở hồ nội địa lớn nhất Đông Nam Á này, theo một báo cáo đăng hôm 7-8 của Ủy hội sông Mekong (MRC).

Khi Biển Hồ khát nước - Ảnh 1.

Nước Biển Hồ lên thấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người gốc Việt - Ảnh: NGÔ LY

Mọi năm đến đầu tháng 6 là nước Biển Hồ đã lên, còn đến thời điểm này mực nước đã lên 4m. Nhưng năm nay nước chưa lên tới đầu gối. Bờ bãi mọi năm nước đã lênh láng, năm nay giờ này tụi nhỏ còn đá banh được.

Ông Ngô Ly

"Cá năm nay cạn kiệt hết rồi. Mọi năm, mùa này là mùa chính để người gốc Việt sống trên Biển Hồ đánh bắt cá. Nhưng năm nay thua. Cá không đủ ăn, nói gì để bán" - ông Ngô Ly, hội trưởng Chi hội người gốc Việt ở Koh Kaket, xã Ren Tơ, huyện Kaldieng, tỉnh Pursat, buồn bã chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Nhiều người gốc Việt ly hương

Ngày 7-8, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Chan Yutha, phát ngôn viên Bộ Tài nguyên nước Campuchia, cho biết dòng chảy ngược của sông Mekong chỉ mới bắt đầu đổ về Biển Hồ từ tuần này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-8, ông Ngô Ly cho biết trong hai ngày 8 và 9-8, nước Biển Hồ đã bắt đầu lên nhanh từ 10-15cm. Tuy nhiên, lượng nước này không thể đạt đến mực nước trung bình hằng năm.

"Do nước lên thất thường, lượng cá bà con đánh bắt được cũng không đáng kể, bởi ngay thời gian sinh trưởng của cá thì tại Biển Hồ mực nước cũng rất kém. Tôi giăng lưới chiều dài chừng 2 cây số nhưng thu hoạch được lượng cá rất ít, bán được 8.000 riel (tương đương 40.000 VNĐ). Số tiền này không đủ chi phí đổ xăng. Nhiều gia đình đông con ở đây khó trăm bề", ông Ly thở dài.

Ông Ly kể người gốc Việt ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá ở Biển Hồ. Nhưng hồ khan hiếm cá, nhiều người đã không thể duy trì cuộc sống vốn đã quá vất vả, thiếu thốn. Trước tình hình đó, nhiều gia đình người gốc Việt đã rời bỏ Biển Hồ đi làm thuê khắp nơi hoặc chạy sang Việt Nam tìm sinh kế.

Nếu như năm 2018 khu vực ông Ly sinh sống là xã Ren Tơ có 289 hộ người gốc Việt sống trên các bè, các ghe cũ nát, thì nay chỉ còn 175 hộ với gần 1.000 dân còn trụ lại.

Cuộc sống khó khăn, nhiều người dân Biển Hồ lần lượt bỏ nơi sinh sống từ nhiều đời để ly hương. Gần nhà ông Ly, ngày 19-7, gia đình ông Nguyễn Văn Tịnh (64 tuổi) có 5 người dắt dìu nhau tìm nơi khác mưu sinh. Cạnh đó, nhà ông Bùi Văn Đỏ (4 khẩu) cũng ra đi hơn 10 ngày trước. Nhà anh Bùi Văn Bo với 7 nhân khẩu cũng vừa rời Biển Hồ...

Cùng cảnh ngộ với người dân ở tỉnh Pursat, người gốc Việt sống trên Biển Hồ thuộc các tỉnh Siem Reap, Kampong Chhnang, Kampong Thom, Battampang... cũng rơi vào cảnh lao đao do nguồn cá cạn kiệt.

"Bà con Biển Hồ khó khăn lắm. Trước đây có trên 30.000 hộ dân gốc Việt sinh sống ở khu vực quanh Biển Hồ, nay thì bà con bỏ đi nhiều. Họ đi khắp nơi tìm cuộc sống khác" - ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt, chia sẻ khi được hỏi về đời sống bà con gốc Việt.

"Họ ra đi vì cuộc sống khó khăn. Trước mắt, chúng tôi tìm việc làm cho họ ở công ty trồng chuối. Nếu đồng ý làm việc, trung bình lương và các khoản trợ cấp cho một lao động khoảng 300 USD/tháng. Còn nếu họ không đồng ý thì chúng tôi không còn cách nào khác hơn là vận động họ trở lại Biển Hồ", ông Chi nói.

Khi Biển Hồ khát nước - Ảnh 3.

Một gia đình người gốc Việt bám trụ lại Biển Hồ - Ảnh: NGÔ LY

Yêu cầu Trung Quốc xả nước

Trong báo cáo ngày 7-8, MRC cho rằng mực nước thấp kỷ lục 2 năm qua liên tiếp ở sông Mekong là do lượng mưa giảm và hoạt động của 13 đập thủy điện trên sông, bao gồm 2 ở Lào và 11 ở Trung Quốc, cũng như các đập trên các nhánh của sông Mekong tại Lào. Do đó, MRC thúc giục Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động của các đập thủy điện trên dòng Mekong.

Báo cáo cũng ghi nhận mực nước trên sông chính Mekong chảy ngược lên Biển Hồ (Tonle Sap) thấp nhất được ghi nhận từ năm 1997 trở lại đây, qua đó làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động đánh bắt cá và đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm của hơn 1 triệu người.

MRC đề nghị các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong nên yêu cầu Trung Quốc tăng cường thêm nguồn nước hoặc xả nước từ các đập và hồ chứa để hỗ trợ các nước ở khu vực hạ nguồn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - một trong những chuyên gia có kinh nghiệm về ĐBSCL - cho biết quan sát mực nước các trạm trên sông Mekong thấy rằng hiện nay mực nước các trạm dọc sông Mekong từ biên giới Lào - Trung Quốc xuống tới Việt Nam đều thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ 2 - 3m.

Theo ông Thiện, trong tình huống của năm mực nước thấp, các đập thủy điện thường gia tăng tích trữ nước cho đủ độ sâu trong lòng hồ để chạy tuôcbin, do đó làm chậm đường đi của nước về hạ lưu.

"Chúng ta hoàn toàn không có dữ liệu về việc các đập thủy điện trữ nước như thế nào, gồm các đập ở Trung Quốc, các đập chi lưu ở Lào và các đập mới đưa vào vận hành trên dòng chính như đập Xayaburi. Bên cạnh đó, đầu mùa lũ mà mực nước thấp thì nước không đủ mạnh để chảy ngược vào hồ Tonle Sap, do đó hồ này không phát huy được chức năng tự nhiên trong việc điều hòa tạm trữ lũ để bổ sung cho dòng chảy mùa khô" - chuyên gia Thiện giải thích.

Hỗ trợ chuyển nghề cho bà con

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh - đại sứ Việt Nam tại Campuchia - cho biết trước đời sống gặp nhiều khó khăn ở Biển Hồ, nhiều gia đình đã đồng ý chuyển đổi ngành nghề. Nhiều lao động là người gốc Việt được đưa đi làm việc ở nông trường của Hoàng Anh Gia Lai và Thaco.

Ông Võ Tuấn Ngọc - trưởng phòng công tác cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia - cho biết thời gian qua đại diện sứ quán đã tổ chức cho nhiều bà con gốc Việt tham quan đời sống lao động, làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Việt Nam tại Campuchia.

Theo ông Ngọc, vừa qua cũng có nhiều bà con gốc Việt ở Biển Hồ tại 3 huyện của tỉnh Kampong Chhnang đi tham quan thực tế khu liên hợp nông nghiệp Snuol, tỉnh Kratie của doanh nghiệp Việt Nam và hỏi chuyện bà con gốc Việt và Khmer một số tỉnh mới lên nhận việc trong 2 tháng vừa qua.

"Chỉ sau 2 tháng triển khai chương trình, đến nay đã có gần 600 lao động là người gốc Việt tham gia. Có cơ sở để lạc quan sẽ ngày càng có nhiều bà con lựa chọn chương trình để thay đổi cuộc sống và cuộc đời của bản thân và gia đình", ông Ngọc chia sẻ.

Khả năng mùa lũ về ĐBSCL muộn

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, lượng mưa ở lưu vực Mekong phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Năm nào có hiện tượng El Nino thì mưa ít, gây hạn. Năm nào có La Nina thì mưa nhiều, nước lũ về nhiều. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Mỹ, đến tháng 9 có khả năng 55% xuất hiện La Nina.

Với tình hình này, chúng ta có thể thấy rằng mùa lũ năm nay về muộn so với trung bình nhiều năm. Khả năng là đến giữa tháng 8 ở ĐBSCL vẫn chưa thể có lũ về.

"Với tình hình lũ về muộn và chưa biết rõ lũ sẽ cao hay thấp thì bà con nên cẩn thận, tránh đầu tư vào con giống quá nhiều cho năm nay. Nếu lũ thấp thì tình hình canh tác sẽ gặp khó khăn, phù sa về ít, đồng ruộng không được rửa, chuột và dịch bệnh trên lúa sẽ nhiều hơn làm chi phí canh tác sẽ tăng cao" - ông Thiện cảnh báo.

Nếu nay mai Biển Hồ  hết cá... Nếu nay mai Biển Hồ hết cá...

TTO - Một mùa lũ cá không về thật khó hình dung đối với người dân sống bao đời nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây là một viễn cảnh đang được giới khoa học cảnh báo.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên