11/06/2023 11:31 GMT+7

Khám phá 75 năm Thi đua ái quốc qua bộ sưu tập tranh cổ động quý từ thời kháng Pháp

Bộ sưu tập tranh cổ động về phong trào Thi đua ái quốc từ thời kháng chiến chống Pháp tới nay đang được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Khám phá 75 năm Thi đua ái quốc qua bộ sưu tập tranh cổ động quý từ thời kháng Pháp - Ảnh 1.

Tranh cổ động nhân dân tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Bộ sưu tập tranh cổ động được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam giới thiệu trong trưng bày chuyên đề Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2023).

Những bức tranh cổ động ở lại cùng năm tháng

Bộ sưu tập có đủ những bức tranh cổ động qua nhiều thời kỳ, từ những năm đầu tiên của phong trào Thi đua ái quốc thời kháng chiến chống Pháp, sang thời kỳ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, cho tới thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh và công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước ngày nay.

Ngắm bộ sưu tập là một trải nghiệm thú vị để hiểu về phong trào thi đua yêu nước gắn với đặc thù của từng thời kỳ lịch sử. Đồng thời hiểu ra nhiều điều về sự phát triển của tranh cổ động Việt Nam - một "đặc sản" của hội họa Việt cùng với một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây.

Khám phá 75 năm Thi đua ái quốc qua bộ sưu tập tranh cổ động quý từ thời kháng Pháp - Ảnh 2.

Tranh cổ động nhân dân tăng gia sản xuất

Đặc biệt là những bức cổ động thời kháng chiến chống Pháp mà tới nay không còn rõ tác giả.

Tranh cổ động thời kỳ này nhìn gần giống như một bức tranh ký họa vẽ kỹ hơn là tranh cổ động. Chất cổ động, ngôn ngữ đồ họa đặc thù của tranh cổ động chưa mạnh mẽ.

Lối vẽ giản dị, màu sắc đa phần trung tính, các nét vẽ hầu hết đều hiền lành, không quá gân guốc như khí phách mạnh mẽ của nhiều bức cổ động giai đoạn chống Mỹ.

Khám phá 75 năm Thi đua ái quốc qua bộ sưu tập tranh cổ động quý từ thời kháng Pháp - Ảnh 3.

Tranh cổ động Tiến lên toàn thắng ắt về ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

Khi họa sĩ tài danh vẽ tranh cổ động

Sang thời kháng chiến chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đặc biệt là khi Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc, tranh cổ động càng phát triển mạnh mẽ để thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn lao của đất nước.

Khám phá 75 năm Thi đua ái quốc qua bộ sưu tập tranh cổ động quý từ thời kháng Pháp - Ảnh 4.

Tranh cổ động quyết giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc

Theo họa sĩ Thục Phi - nguyên giám đốc Xưởng tranh cổ động trung ương, đây là thời kỳ thăng hoa của tranh cổ động với những tên tuổi họa sĩ như Phan Thông, Lê Thanh Đức, Trường Sinh, Thái Sơn, Thục Phi, Huỳnh Văn Gấm, Xuân Hồng, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam, Huỳnh Văn Thuận, Đặng Đức, Phạm Lung, Quốc Thái, Trí Tuệ, Duy Trúc...

Phong trào tranh cổ động thời điểm đó lan rộng, gây tiếng vang nên đã thu hút rất nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Giáng Hương, Lương Xuân Nhị, Phan Kế An... cũng hồ hởi gửi tranh, như một cách thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.

Dễ hiểu vì sao những bức tranh cổ động thời kỳ này lại đẹp, có sức sống lâu bền và hiện được giới sưu tập săn lùng.

Khám phá 75 năm Thi đua ái quốc qua bộ sưu tập tranh cổ động quý từ thời kháng Pháp - Ảnh 5.

Tranh Miền Bắc xây dựng, miền Nam đấu tranh 1964

Họa sĩ Thục Phi cho biết những bức tranh cổ động của Xưởng tranh cổ động trung ương, số rất ít được Bảo tàng Mỹ thuật lựa chọn, còn lại tặng hết cho Bảo tàng Cách mạng (nay thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam) lưu giữ.

Chính vì vậy mà dịp kỷ niệm 75 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, công chúng được xem bộ tranh cổ động về thi đua yêu nước khá trọn vẹn, tiêu biểu từ thời phong trào được phát động tới nay.

Khám phá 75 năm Thi đua ái quốc qua bộ sưu tập tranh cổ động quý từ thời kháng Pháp - Ảnh 6.

Tranh cổ động ba chương trình kinh tế lớn do Công ty Mỹ thuật Trung ương phát hành chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 của tác giả Trần Mai

Khám phá 75 năm Thi đua ái quốc qua bộ sưu tập tranh cổ động quý từ thời kháng Pháp - Ảnh 7.

Tranh cổ động Hiểu hiện thực, biết ước mơ, dưới vầng sáng Đảng, tuổi thơ nên người của tác giả Minh Phương sáng tác năm 1989

Chiếc quạt giấy của Bác Hồ và lời dặn quạt cho phong trào Thi đua ái quốc lớn mạnhChiếc quạt giấy của Bác Hồ và lời dặn quạt cho phong trào Thi đua ái quốc lớn mạnh

‘Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên’. Đó là lời căn dặn vui nhưng có ý nghĩa động viên to lớn của Bác Hồ khi Người tặng quạt giấy cho ông Hoàng Đạo Thúy - tổng bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc trung ương năm 1948.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên