21/04/2024 08:57 GMT+7

Iran - Israel ngưng leo thang, nhưng căng thẳng có thật hạ nhiệt?

Nguy cơ bùng nổ xung đột ở Trung Đông đã dịu lại khi cả Iran và Israel cùng ngưng leo thang căng thẳng, tuy nhiên cục diện địa chính trị tại khu vực đã có những thay đổi nhất định.

Làn sóng biểu tình phản đối Israel vẫn sôi sục ở Tehran ngày 19-4 - Ảnh: AFP

Làn sóng biểu tình phản đối Israel vẫn sôi sục ở Tehran ngày 19-4 - Ảnh: AFP

Hai kẻ thù không đội trời chung đã đẩy Trung Đông vào một kỷ nguyên mới nguy hiểm khi bước qua điều cấm kỵ về việc tấn công quân sự công khai vào lãnh thổ của nhau. 

Câu hỏi hiện nay là liệu sự thể hiện răn đe và giữ thể diện của mỗi bên đã thật sự lắng dịu hay vẫn có thể dẫn đến vòng xoáy khác khiến cuộc khủng hoảng trở nên nguy hiểm hơn không.

Hạ nhiệt tạm thời

Sau cuộc tấn công mang tính biểu tượng của Israel ngày 19-4, Iran đã quyết định phớt lờ "nỗ lực tuyệt vọng nhằm giành chiến thắng sau những thất bại liên tục" của Tel Aviv. Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian xác nhận drone cỡ nhỏ tham gia tấn công đã cất cánh từ bên trong Iran và bị bắn hạ sau khi bay vài trăm mét.

"Chúng giống đồ chơi mà con cái chúng tôi chơi hơn chứ không phải drone", ông Amirabdollahian chế nhạo trên kênh NBC News dù trước đó chính ông đã dọa sẽ đáp trả quyết liệt trước bất cứ phản ứng nào của Israel. 

Truyền thông và các quan chức Iran cũng mô tả đây là cuộc tấn công của "những kẻ xâm nhập", chứ không phải của Israel, nên không cần thiết phải trả đũa. Trong khi đó, Tel Aviv lựa chọn im lặng sau vụ tấn công.

Thông tin ban đầu cho biết đợt tấn công ở Iran khá hạn chế và không nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Thay vào đó, nó có thể chỉ để chứng minh khả năng của Israel trong việc thâm nhập sâu vào Iran mà không buộc Tehran đáp trả bằng vũ lực. 

Tuy nhiên, việc Israel chọn mục tiêu bên trong Iran thay vì nhắm vào các lực lượng ủy nhiệm của Tehran ở Syria hoặc Iraq đã làm tăng đáng kể thế trận đối đầu và làm tăng khả năng xảy ra đối đầu vượt ngoài tầm kiểm soát.

Vì vậy, trong ngày 19-4, các lãnh đạo thế giới tiếp tục kêu gọi kiềm chế nhằm ngăn xung đột lan rộng. Tổng thống Mỹ Joe Biden lặp lại cam kết "nắm đấm thép" bảo vệ Israel, nhưng cũng kêu gọi nước này "suy nghĩ cẩn thận và có chiến lược" trước khi tung ra phản ứng chống lại Iran có thể gây ra một cuộc chiến toàn diện. 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi chấm dứt "vòng xoáy trả đũa nguy hiểm" ở Trung Đông. Tuy nhiên tín hiệu hạ nhiệt có thể thấy rõ nhất là thị trường dầu mỏ vốn nhạy cảm với các xung đột địa chính trị đã ổn định trở lại sau biến động giá tăng ngày 19-4.

Nguy hiểm rình rập

Theo chuyên gia Sanam Vakil của Tổ chức tư vấn Chatham House của Anh, tình hình hiện tại cho thấy vẫn có cơ hội xuống thang căng thẳng miễn là Iran và Israel không tung ra cuộc tấn công nào nữa. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là loạt ăn miếng trả miếng đầy nguy hiểm giữa hai nước. 

Ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc, cho rằng những hành động mới nhất đã tạo tiền đề cho nguy cơ leo thang dài hạn bắt nguồn từ sự bất ổn trong khu vực.

"Ngay cả khi vượt qua giai đoạn hiện nay thì thực tế là Israel và Iran sẽ vẫn bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh này", ông Aaron David Miller, nhà đàm phán hòa bình Trung Đông kỳ cựu của Mỹ, nhận định. 

Tương tự, giáo sư Meir Javedanfar thuộc Đại học Reichman ở Israel, tin rằng cuộc đối đầu công khai gần đây giữa hai nước "chỉ là khởi đầu". "Sớm muộn gì hai nước cũng sẽ trực tiếp đối đầu nhau", ông Javedanfar nhận định trên tờ New York Times.

Theo cây bút Tamara Qiblawi của Đài CNN, các bên trong xung đột Israel - Iran có thể sẽ tiếp tục thử thách giới hạn của các quy tắc giao chiến bất thành văn với hy vọng khẳng định quyền lực. Dù vậy hai nước buộc phải có những tính toán cẩn thận bởi cả hai có quá nhiều thứ để mất nếu xảy ra cuộc chiến tổng lực.

Việc các tên lửa và drone của Iran bị Israel và các đồng minh bắn hạ và các đòn trừng phạt tiếp của phương Tây đã cho Tehran thấy rõ sự tương quan lực lượng với đối thủ mà họ đối mặt. 

Trong khi đó, việc Israel qua mặt hệ thống phòng không của Iran cũng tái lập lợi thế chiến lược của Tel Aviv. Ngược lại, kịch bản xung đột trực tiếp với Iran, nước đang tiến gần tới việc có thể sản xuất vũ khí hạt nhân, sẽ là điều mà Israel và có lẽ cả Mỹ đều muốn tránh.

Ông Biden cân nhắc gói hỗ trợ vũ khí 1 tỉ USD cho Israel

Gói vũ khí mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc hỗ trợ Israel sẽ là lớn nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Dải Gaza. Tuy nhiên gói này sẽ cần sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ và có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, trước khi vũ khí được chuyển cho Tel Aviv và nhiều khả năng sẽ bị Đảng Dân chủ phản đối.

Cuộc chiến dai dẳng ở Gaza khiến ông Biden gặp nhiều chỉ trích và hao hụt sự ủng hộ của các cử tri gốc Ả Rập và có thể phải trả giá đắt nếu xung đột làm giá dầu tăng.

Đại sứ Israel tại Việt Nam: Chúng tôi muốn hòa bình, kết thúc xung đột với Iran và PalestineĐại sứ Israel tại Việt Nam: Chúng tôi muốn hòa bình, kết thúc xung đột với Iran và Palestine

Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer nhấn mạnh nước này mong muốn chung sống hòa bình với các quốc gia khác, sẵn sàng nắm bắt cơ hội đàm phán với Iran nếu có cơ hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: iran israel Trung Đông