Indonesia và những ông tướng nhúng chàm

DANH ĐỨC 05/10/2021 03:10 GMT+7

TTCT - Mua sắm vũ khí là bắt buộc để phòng vệ quốc gia, song cũng là kẽ hở (hay “cánh cửa két”) muôn thuở cho nạn tham ô. Indonesia là một điển hình “phi tiên tiến”.

Câu chuyện ầm ĩ sau khi một kế hoạch mua sắm vũ khí lên đến 125 tỉ USD bị xì ra. Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo giải thích đây mới là dự thảo thôi và soạn theo lệnh của Tổng thống Joko Widodo (The Strategist 5-8-2021). 

Sự ầm ĩ một phần cũng vì thảm họa tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia bị chìm hôm 21-4 vừa rồi ở vùng biển Bali khiến thủy thủ đoàn 53 người bỏ mạng còn nóng hổi, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành khiến các địa phương than thiếu thốn đủ thứ. 

Không quân Indonesia đang cần hiện đại hóa. Ảnh: wordpress.com

 

Một tháng sau vụ tàu ngầm thọ nạn, số ca nhiễm COVID ở nước này đã lên đến 1,77 triệu, số tử vong là hơn 49.000. Đâu cũng vậy, đang “tang gia bối rối”, “thiếu trước hụt sau” mà lại nghe một số người ném tiền qua cửa sổ theo kiểu “lãng nhách”, dân tình không phản ứng mới lạ. 

125 tỉ USD nói trên theo kế hoạch là vay nợ, chớ không phải ngoại tệ có sẵn trong nhà. “Quy mô của khoản chi được đề xuất ngay giữa đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, vào thời điểm một số lãnh đạo địa phương tuyên bố họ thiếu tiền để hỗ trợ người dân khi hệ thống y tế công cộng ngừng hoạt động”, The Strategist viết. 

Mở ngoặc đơn là tướng Prabowo vừa thanh minh vừa rủa những kẻ đang “muốn phá hoại” sự nghiệp của ông: ông từng hai lần ra tranh cử tổng thống, kỳ nào cũng rớt, về nhì kỳ rồi, nhưng biết đâu kỳ 2024 tới sẽ thắng.

Mua sắm tứ tung

Hồi tháng 2, tham mưu trưởng Không quân Indonesia, thống chế Fajar Prasetyo, loan báo trong giai đoạn 2021 - 2024 không quân nước này sẽ mua 36 chiếc Dassault Rafale do Pháp sản xuất và 8 chiếc Boeing F-15EX của Mỹ (6 chiếc sẽ giao vào năm 2022), theo Thông tấn xã Anadalou 18-2. 

Hai dòng này đều là máy bay chiến đấu đa nhiệm (không chiến được mà tấn công dưới đất cũng được). Rafale là chiến cơ tiên tiến nhất của Pháp hiện thời và từng kinh qua thực chiến. F-15EX là phiên bản mới và hiện đại nhất của dòng máy bay đã có “số má” trong thực chiến giữa Israel và Syria.

Tháng 10-2020, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo đã đi Pháp để “ngó” tận mắt dòng máy bay Rafale. Hãng tin quốc phòng Defense Wolrd cho biết thêm: “Điều mà Indonesia đang hướng tới nhất là trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của Rafale, thỏa thuận có thể giúp họ có được lợi ích của một nhà cung cấp phụ tùng cho các khách hàng ngày càng tăng của Rafale”.

Indonesia đã quen mua sắm vũ khí trên cơ sở được chuyển giao công nghệ và cấp giấy phép sản xuất. Song đó là ý muốn chủ quan của Indonesia, còn thực tế lại khác: thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu) vẫn là câu hỏi nhức nhối với một hợp đồng lớn và đắt đỏ như vậy. 

Về câu hỏi này, Defense World giải thích rằng Indonesia có thể làm theo mô hình Ai Cập, theo đó các ngân hàng Pháp sẽ xuất vốn cho vay để mua máy bay. 

Một kiểu thanh toán khác là như hợp đồng mua máy bay Su-35 của Nga để bổ sung cho 16 chiếc Su-30 đang sử dụng, trong đó Indonesia đề xuất trả một phần bằng tiền mặt, một phần tiền vay, và một phần trao đổi hàng hóa. 

Ngoài Rafale và F-15 EX, Indonesia còn đang quan tâm đến máy bay Eurofighter của Anh - Đức, F-16V và F/A-18E của Mỹ, chưa kể kế hoạch sản xuất chung máy bay chiến đấu KF-X với Hàn Quốc.

Việc Indonesia ưu tiên mua sắm khí tài cho không quân cùng hải quân là dễ hiểu với một quốc gia quần đảo rộng mênh mông trong một môi trường nhiều đe dọa và ngày càng phức tạp. 

Gần đây Jakarta đã phải mấy lần tung hải quân và không quân ra tuần tiễu trên biển. Tổng thống Widodo thấy nhất thiết phải nâng cấp và bổ sung ngay lực lượng hải quân hiện chủ yếu là tuần duyên (ven biển), gồm 274 tàu, bằng 12 tàu ngầm mới và 10 phi đội máy bay chiến đấu.

Kế hoạch 25 năm này của ông Widodo đòi hỏi khoản tiền mà ông có thể khó cam kết sau đại dịch, dẫn tới giải pháp vay nợ. 

Tuy nhiên, báo chí nhắc nhở rằng điều mà Indonesia cần không chỉ là mua mà là mua sao cho hữu dụng trên cơ sở mục tiêu và ưu tiên chiến lược. Muốn thế phải có một kế hoạch xác đáng và lâu dài. 

Có thể thấy Không quân Indonesia đang sử dụng quá nhiều dòng máy bay của nhiều nước khác nhau, thuộc những thế hệ khác nhau, đòi hỏi đào tạo, trang bị, duy tu hoàn toàn khác nhau, thậm chí mỗi dòng sử dụng một ngôn ngữ cũng khác nhau! 

Tất nhiên đa nguồn vẫn có mặt tích cực, vì việc chỉ mua vũ khí từ một nguồn dễ hình thành tình trạng “gây nghiện” cùng lợi ích nhóm kèm theo.

Những nguy cơ đó đi kèm với tỉ lệ phần trăm “lại quả” trong các thương vụ bạc tỉ này. “Trong những năm gần đây, các bộ trưởng quốc phòng liên tiếp đã tuyên xưng một số thành công trong việc giảm quy mô nâng giá, mặc dù các số liệu được trích dẫn khác nhau. 

Tổ chức Minh bạch quốc tế cho rằng mức nâng giá thường vào khoảng 30 - 40%. 

Trong một cuộc phỏng vấn với The Jakarta Post năm 2011, cựu bộ trưởng quốc phòng Sudarsono cho biết trước đây tiền hoa hồng chiếm tới 40% ngân sách mua sắm (ngụ ý nâng giá lên tới 2/3), và trong thời gian ông giữ chức, ông nói chỉ chấp nhận mức phí “theo thị trường” cho mua sắm vũ khí là 8 - 10%... 

Cuối cùng ông thú nhận: “Chúng tôi chỉ có thể giảm các khoản mua sắm chớ không thể loại bỏ chúng hoàn toàn””, theo The Strategist.

Cố tật

Những tuyên bố “dọn vườn” trên lâu lâu được nhắc lại bởi một ông tướng mới nhậm chức nhưng có vẻ không “xi-nhê” gì lắm, để tới giờ Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo lại phải biện bạch. 

Theo ông, mong muốn mua máy bay Rafale và F-15 EX là hợp lý khi vũ khí của quân đội Indonesia có phần cổ lỗ, nhất thiết phải thay mới, để “tiến thẳng lên hiện đại”. Song vũ khí cũ thậm chí không phải vấn đề lớn nhất của quân đội Indonesia.

Một điểm nhức nhối khác đang là tình trạng “lạm phát tướng lãnh”: nước này có 198 tướng quân đội và 170 tướng cảnh sát, theo Jakarta Post 8-3-2019. 

Để so sánh, một quân đội tương đương là Iran hiện có tất cả 12 tướng hai sao dưới cờ! Điều đó cũng ít nhiều liên hệ với nạn tham nhũng trong quân đội, chủ yếu từ mua sắm vũ khí và trang bị. 

Nghiên cứu tựa đề “Tham nhũng trong mua bán vũ khí ở Indonesia: Những bước đi hướng tới chấm dứt tình trạng tội phạm không bị trừng phạt” của Quỹ Hòa bình thế giới tháng 12-2017 viết: “Ở Indonesia, quân đội từ lâu đã bị coi là tham nhũng cao... Rất ít chi tiết được công khai về ngân sách quốc phòng hằng năm và các hệ thống giám sát, kiểm soát và trách nhiệm giải trình còn yếu”.

Nghiên cứu than rằng bất chấp sự chuyển đổi tương đối thành công của đất nước sang nền dân chủ từ khi tổng thống độc tài lâu năm Suharto ra đi vào năm 1998 và việc quân đội chính thức rút khỏi chính trường sau đó, cải cách vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng. 

Các tác giả chỉ ra lộ trình tham nhũng trong mua sắm vũ khí ở Indonesia: “Những người môi giới và trung gian thường là đường dẫn cho các khoản chi trả tham nhũng từ các nhà cung cấp đến những người ra quyết định trong các giao dịch vũ khí quốc tế”.

Nạn tham nhũng trong mua sắm vũ khí ở Indonesia mới “lộ diện” từ năm 2015 do lẽ, theo các tác giả: 

(1) Quân lực nước này vẫn đứng ngoài mọi cơ chế luật pháp, Ủy ban chống tham nhũng KPK khét tiếng chỉ toàn các quan chức dân sự, hoàn toàn không có quyền hành gì với quân đội. 

(2) Quân đội Indonesia vẫn toàn quyền làm kinh tế dù đã có đạo luật chuyển hoạt động kinh tế của quân đội cho nhà nước từ năm 2004, được bổ sung chi tiết bằng một nghị định năm 2009, hậu quả là “đế chế kinh doanh của quân đội vẫn còn nguyên vẹn”.

Rồi cơ cấu tổ chức của quân đội cũng góp phần vào nạn tham nhũng: “Việc quân đội duy trì cấu trúc chỉ huy theo lãnh thổ tạo ra các chức vụ trung cấp cho các sĩ quan, dẫn đến hậu quả là quân đội tiếp tục duy trì ảnh hưởng bán chính thức ở địa phương”. 

Thật dễ hiểu “uy lực” của một tư lệnh quân khu, chỉ huy quân sự tỉnh, vùng đối với địa phương. Trong khi đó ở trung ương, cố gắng phôi thai hòng dân sự hóa chức bộ trưởng quốc phòng diễn ra đầy nhọc nhằn - hiện đã được trả về cho viên tướng hồi hưu Prabowo!

Dẫu sao, ở Indonesia cũng có một Cơ quan Kiểm toán tối cao (BPK) để rà soát ngân sách quốc phòng và tất nhiên, như mọi nơi khác, không phải đơn vị nào cũng có chức trách mua vũ khí. 

Vì lẽ đó, còn một “cửa” khác cho các tướng tá muốn “làm ăn”: “Cho thuê đất thuộc sở hữu quân sự là một hình thức tự kinh doanh khác. Một điều khoản của nghị định năm 2009 yêu cầu quân đội phải xin phép với tất cả các hợp đồng cho thuê đất với các bên thứ ba và toàn bộ số tiền thu được phải nộp trở lại nhà nước. Nhưng một báo cáo năm 2012 cho thấy điều này đã không thành hiện thực”.

Các tác giả nghiên cứu chỉ ra: “Trong một số trường hợp, quân đội thậm chí không có quyền sở hữu với đất đai được cho thuê”. 

Một bài viết trên tờ Jakarta Globe 14-5-2012 cho biết: “Quân đội Indonesia hiện đang sử dụng hàng trăm tòa nhà và khoảng 2.500km2 đất mà họ đã kiểm soát và cho thuê trong hơn nửa thế kỷ. 

Các nghị định nêu rõ tài sản nhà nước nhàn rỗi có thể được sử dụng hợp pháp bởi Bộ Quốc phòng và quân đội, thông qua việc cho thuê hoặc hợp tác với các công ty để quản lý - nhưng chỉ trong một số điều kiện nhất định... 

Nhưng ba năm sau, Bộ Quốc phòng và quân đội thừa nhận rằng khoảng 90% diện tích đất mà họ vẫn kiểm soát và cho thuê không hề có giấy phép”.

Có thể thấy, một quân đội thật sự mạnh cần được nhìn nhận từ nhiều góc cạnh chớ không chỉ trên các bích chương muôn thuở là đẹp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận