24/01/2024 14:25 GMT+7

Huyện Sóc Sơn nói gì về việc hàng loạt biệt thự xây sai phép trên đất rừng nhưng chưa xử lý?

Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh đất rừng tại Sóc Sơn bị 'xẻ thịt' để xây hàng loạt homestay, nhà kiên cố, Sóc Sơn có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội.

Hàng loạt công trình biệt thự xây sai phép trên đất rừng tại huyện Sóc Sơn - Ảnh: NAM TRẦN

Hàng loạt công trình biệt thự xây sai phép trên đất rừng tại huyện Sóc Sơn - Ảnh: NAM TRẦN

UBND huyện Sóc Sơn vừa báo cáo UBND TP Hà Nội các nội dung báo Tuổi Trẻ phản ánh về đất rừng tại Sóc Sơn bị xẻ thịt để xây dựng hàng loạt homestay, nhà kiên cố, cụ thể tại hồ Ban Tiện và Đồng Đò, số lượng vi phạm ngày càng nhiều nhưng chưa bị xử lý.

Báo cáo trên do Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc ký.

Theo đó, thực hiện kết luận thanh tra năm 2019 của Thanh tra TP, hiện còn 33 công trình vi phạm được lập hồ sơ vi phạm năm 2017, 2018 chưa xử lý.

Tuy nhiên, sau kết luận thanh tra, đến nay phát sinh 139 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng.

"UBND huyện tập trung chỉ đạo xã Minh Trí và Minh Phú xử lý được 94 trường hợp, cụ thể năm 2020 xử lý 14 trường hợp vi phạm xây dựng công trình; năm 2021 xử lý 16 trường hợp; năm 2022 xử lý 32 trường hợp; năm 2023 xử lý 32 trường hợp và giải tỏa 275 lều, lán tạm kinh doanh dưới tán cây rừng tại khu vực thôn Minh Tân, xã Minh Trí.

Chưa xử lý dứt điểm 45 trường hợp xây dựng công trình, trong đó có một số công trình đã và đang xây dựng tại hồ Ban Tiện và hồ Đồng Đò, xã Minh Trí và Minh Phú như báo Tuổi Trẻ phản ánh" - UBND huyện Sóc Sơn nêu.

Theo UBND huyện Sóc Sơn, hiện UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, xem xét trách nhiệm của cán bộ đối với 2 xã Minh Phú, Minh Trí. Trong đó, xử lý kỷ luật đối với 11 cá nhân, đáng chú ý đã cắt chức vụ đối chủ tịch UBND xã Minh Phú.

Do người dân vi phạm để trục lợi?

Theo UBND huyện Sóc Sơn, nguyên nhân dẫn đến việc quản lý, xử lý vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn ở địa bàn còn nhiều tồn tại, hạn chế là do bất cập trong quy hoạch rừng năm 2008.

Quy hoạch rừng này đã chồng lấn các loại đất hộ gia đình, đất quốc phòng, an ninh, đất công trình dự án, trụ sở cơ quan. Quá trình triển khai quy hoạch chưa có dự án tổng thể, cơ chế, chính sách để thực hiện giao đất, giao rừng, xác định ranh giới rừng và đất lâm nghiệp, đo đạc bản đồ địa chính đất rừng.

Bên cạnh đó việc xử lý một số trường hợp vi phạm còn chậm do một số hộ dân có đơn khởi kiện và TAND có văn bản áp dụng biện pháp khẩn cấp dừng thi hành quyết định hành chính.

Ngoài ra một số hộ dân có đơn thư khiếu nại nhiều lần đến xã, huyện và Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ sau đó có văn chỉ đạo tạm dừng cưỡng chế để giải quyết khiếu nại, đồng thời làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan dự án quy hoạch rừng Sóc Sơn.

Đồng thời báo cáo của huyện Sóc Sơn cũng nêu việc có những hộ sinh sống, sản xuất trước thời điểm quy hoạch rừng năm 2008 nhưng không được đảm bảo quyền lợi do "quy hoạch không được thực hiện dứt điểm". 

Từ đó dẫn đến hành vi vi phạm, tự ý xây dựng công trình trong quy hoạch rừng. Đặc biệt, còn có việc nhiều hộ dân ở nơi khác đến, lợi dụng người dân bản địa để vi phạm, trục lợi.

Huyện cũng thừa nhận một bộ phận cán bộ thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm; chậm phát hiện, báo cáo để xử lý kịp thời.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ liên tục phản ánh việc đất rừng tại Sóc Sơn bị xẻ thịt nhưng chưa được xử lý triệt để.

Tại cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội trong chiều 19-1, báo Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi:

Vừa qua, báo Tuổi Trẻ liên tục phản ánh việc đất rừng tại Sóc Sơn bị xẻ thịt để xây hàng loạt homestay, nhà ở kiên cố, cụ thể tại hồ Ban Tiện và hồ Đồng Đò.

Điều đáng nói, loạt công trình homestay, khu nghỉ dưỡng kiên cố được xây dựng quanh hồ Đồng Đò, trong khu vực rừng phòng hộ mặc dù năm 2019 đã kết luận vi phạm.

Tuy nhiên đến nay các công trình này không những không bị cưỡng chế mà lại càng hầm hố và khang trang hơn. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, so với năm 2019, đến năm 2023 và đầu năm 2024, số lượng các homestay xây trên đất rừng ở Sóc Sơn ngày càng chi chít hơn.

UBND huyện Sóc Sơn lý giải như thế nào về tình trạng này? Tại sao các công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại và ngày càng mọc lên nhiều hơn? Liệu huyện có tiến hành cưỡng chế hay có biện pháp để ngăn chặn các sai phạm hay vẫn để đất rừng tại Sóc Sơn ngày đêm bị xẻ thịt?

Các kết luận Thanh tra TP Hà Nội năm 2019 đến nay vẫn chưa được UBND huyện Sóc Sơn thực hiện nghiêm túc, vậy nếu kết luận không được thực hiện mà còn sai phạm nghiêm trọng hơn thì Thanh tra TP giám sát kết luận thanh tra như thế nào, liệu có tiến hành tái thanh tra các sai phạm đất rừng ở Sóc Sơn hay không?

UBND TP Hà Nội có trách nhiệm đôn đốc UBND huyện Sóc Sơn xử lý các sai phạm đất rừng ở Sóc Sơn như thế nào?

Tòa yêu cầu tạm dừng cưỡng chế một công trình xây trên đất rừng Sóc SơnTòa yêu cầu tạm dừng cưỡng chế một công trình xây trên đất rừng Sóc Sơn

Tòa án nhân dân TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời tạm dừng việc thực hiện hành vi cưỡng chế một công trình xây dựng trên đất rừng ở xã Minh Trí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên