Hãng hàng không giá rẻ - cánh cửa nào?

ĐỖ QUYÊN 29/05/2004 21:05 GMT+7

TTCN - Những tháng gần đây, giá tour du lịch đi Singapore đã xuống đến dưới ngưỡng 200 USD! “Kỷ lục” về giá tour này, trong bối cảnh vật giá leo thang hiện nay, là do giá vé “siêu mềm” của hãng hàng không giá rẻ (HKGR) đến từ Indonesia, Lion Air...

Phóng to

Sự xuất hiện của hãng hàng không này đã khiến các quan chức ngành hàng không VN một lần nữa phải ngồi lại với nhau để bàn về hiện tượng HKGR và những hướng đi mới. HKGR là gì, tồn tại như thế nào với giá “mềm” như thế?

Cạnh tranh với các hãng chính thống

Năm 1971, Hãng Southwest Airlines (Mỹ) bắt đầu khai thác loại hình vận chuyển HKGR. Hành khách sẽ chỉ mua một hạng vé duy nhất được bán qua mạng hoặc điện thoại với cùng một loại máy bay (để giảm chi phí dịch vụ và đào tạo). Đường bay sẽ là điểm nối điểm (point to point), không qua trung chuyển, bến đỗ là những sân bay hạng hai (để chi phí hạ), đường bay ngắn (từ 90 phút đến 4 giờ) nên hành khách không cần đến những dịch vụ như ăn uống hay sách báo.

Từ đó, mô hình HKGR nhanh chóng lan sang châu Âu với sự xuất hiện của Hãng Ryanair (Ireland) danh tiếng và dần trở nên quen thuộc ở Bắc Mỹ và Tây Âu. Năm 2004 này, châu Á được đánh giá là có bước phát triển mới trong lĩnh vực hàng không dân dụng khi xu hướng HKGR đang nở rộ mà điển hình là Hãng Air Asia (Malaysia).

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngày càng nhiều hãng HKGR ra đời. Bên cạnh 98 hãng đang hoạt động rầm rộ, trong tương lai sẽ còn ít nhất 23 hãng khác ra đời. Điểm mặt những hãng HKGR thành công nhất có thể kể đến Southwest Airlines (Mỹ), EasyJet (Anh) và Ryanair (Ireland).

Nói đến Southwest Airlines là người ta nghĩ ngay đến một hãng tiên phong trong phương thức bay giá rẻ và hiện nay phủ kín đường bay đến tất cả các tiểu bang của Mỹ. Hai hãng châu Âu kia thì không chừa một nước châu Âu nào mà họ không “hạ cánh” với một giá rẻ đến... lạ lùng: từ 5 EUR trở lên là có thể đi máy bay. Đó là chưa kể các chuyến bay nội địa. Hãng Ryanair còn dám tuyên bố chỉ cần 10 năm sẽ vượt qua Lufthansa (Đức) về số lượng vận chuyển hành khách!

Cuộc chiến của những “người nhỏ” khiến các “ông anh lớn” như Lufthansa, British Airways (Anh), Air France (Pháp) cảm thấy bị lôi vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh.

Riêng khu vực châu Á, vé một chiều Singapore - Jakarta của Hãng Lion Air (Indonesia) là 49 USD, trong khi Thai Airways là 182 USD. Tương tự, tại VN, hãng này chào giá vé khứ hồi TP.HCM - Singapore - TP.HCM là 277 USD và một lượt là 185 USD đối với loại vé có thời hạn một tháng, rẻ hơn các đối thủ “chính thống” trên dưới 100 USD.

Tương lai nào cho HKGR ở VN?

Ở VN, số sân bay tương đối dày đặc từ thời chiến tranh để lại. Theo qui hoạch, cả nước sẽ có 138 sân bay các loại gồm 11 sân bay hạng A, 29 sân bay hạng B và 98 sân bay không phân hạng với nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2010 là 69.000 tỉ đồng. Thế nhưng đến thời điểm này - 29 năm sau ngày đất nước thống nhất - Cục Hàng không dân dụng VN chỉ mới khai thác chưa đến 20 sân bay, các sân còn lại đều đang chịu sự quản lý của quân đội hoặc bỏ hoang khiến xuống cấp nặng nề. Vậy nên chăng VN mở cửa bầu trời, kêu gọi đầu tư khai thác các sân bay hạng hai để đưa máy bay nhỏ, ít chỗ ngồi vào khai thác?

Nói về tương lai của Vietnam Airlines, ông Nguyễn Xuân Hiển - tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết sẽ xây dựng một chiến lược phát triển Vietnam Airlines trong tổng thể chung tạo thành tam giác: Vietnam Airlines - Pacific Airlines - Vasco. Một hãng (Vietnam Airlines) sẽ tham gia vào thương trường “chuyên trị” những đường bay trục của nội địa, đường khu vực ở tầm ngắn như Đông Bắc Á, Nam Á, Bắc Á và chọn lọc để khai thác các đường bay xuyên lục địa (Úc, Pháp, Mỹ, Anh…).

Một hãng khác sẽ hoạt động theo hướng rất năng động ở những thị trường thứ yếu, có chọn lọc, và phát triển theo hướng giá rẻ với định hướng đến năm 2010 phải phát triển đội ngũ máy bay từ ba chiếc lên 12 chiếc. Việc này có thể sẽ do Pacific Airlines thực hiện. Riêng Vasco sẽ được giao vận chuyển khách trên những đường bay đến hải đảo, vùng núi như Điện Biên, Nà Sản, Côn Đảo, Cà Mau... bằng máy bay AN38.

Tuy đã có chiến lược như thế nhưng theo ông Hiển, cần một thời gian và lộ trình nhất định để hãng HKGR đầu tiên này xuất hiện, sớm lắm là vào năm 2007. Thế nhưng, theo ông, phải tính toán thật cẩn thận vì hiện nay có không dưới 30 hãng HKGR trên thế giới bị phá sản vì cạnh tranh hạ giá quá khốc liệt giữa các hãng này với nhau và với các hãng hàng không chính thống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận