09/09/2020 13:12 GMT+7

Giếng Chăm cổ: dân bảo tồn tốt hơn Nhà nước

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Tại Quảng Trị, giếng Chăm cổ được công nhận di tích thì liên tiếp bị phá hoại, trong khi nhiều giếng cổ chưa được công nhận di tích thì lại được người dân bảo tồn hết sức kỹ càng.

Giếng Chăm cổ: dân bảo tồn tốt hơn Nhà nước - Ảnh 1.

Dù chưa được công nhận là di tích nhưng giếng Cồn, một giếng Chăm cổ ở xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, được người dân tu sửa kỹ càng, xây luôn khuôn viên để bảo vệ - Ảnh: QUỐC NAM

Nghịch lý này đang tồn tại từ nhiều năm nay.

Giếng cổ để trồng rau, nuôi vịt, chứa phế liệu

Hệ thống giếng Chăm cổ tại xã Gio An được xem là cái nôi của văn hóa Champa tại Quảng Trị. Cách đây gần 20 năm, 14 giếng cổ trong hệ thống này được chính thức công nhận là di tích cấp quốc gia, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định giao cho UBND huyện Gio Linh trực tiếp quản lý và bảo vệ di tích mang giá trị văn hóa độc đáo này.

Tuy nhiên, đầu tháng 9 vừa qua, cơ quan chuyên môn bảo tồn di tích của tỉnh này bất ngờ phát hiện 2 trong số 14 giếng cổ này đã bị phá hoại: giếng Tép (thôn Hảo Sơn) bị đứt gãy nhiều chỗ nơi hệ thống đá cuội mà người Chăm xếp thành bãi hứng nước ở bậc trên cùng, phần lòng giếng vốn để giữ nước nay đã bị biến thành ruộng trồng rau xà lách, đá cuội đã lăn ra giữa lòng giếng và không còn khả năng chứa nước. 

Giếng Nậy (thôn An Hướng) cũng chung hiện trạng như trên, thậm chí máng bằng đá tổ ong để dẫn nước từ bậc trên cùng xuống lòng giếng ở bậc thứ 2 đã bị vỡ ra làm nhiều phần.

Một giếng Chăm cổ khác tại phường Đông Thanh (TP Đông Hà), đã được công nhận di tích quốc gia, cũng bị xâm hại nghiêm trọng, miệng giếng bị biến thành nơi bỏ đồ phế liệu xây dựng. 

Còn giếng Chăm cổ tại xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh), là di tích cấp tỉnh khác, thì lòng giếng chính trở thành nơi nuôi vịt; hai giếng phụ thì bị lấp mạch nước nguồn.

Giếng Chăm cổ: dân bảo tồn tốt hơn Nhà nước - Ảnh 2.

Giếng Chăm cổ đã được công nhận là di tích quốc gia tại phường Đông Thanh, TP Đông Hà, Quảng Trị, bị lấn chiếm và biến thành nơi để đồ phế liệu xây dựng - Ảnh: QUỐC NAM

Dân bảo vệ giếng chưa công nhận di tích

Trong khi đó, có hàng chục giếng Chăm cổ khác đang được người dân bảo tồn rất bài bản. Đây là những giếng cổ nằm rải rác, nhỏ lẻ nên trước đây chưa được đưa vào hồ sơ xét công nhận di tích. 

Như giếng Cồn, thuộc thôn Hữu Niên A, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong. Giếng này nằm sát cánh đồng và khá xa khu dân cư, người dân trong thôn không còn sử dụng nguồn nước ở đây để sinh hoạt. 

Tuy nhiên, thôn này đã bỏ tiền xây một khuôn viên riêng cho giếng cổ. Miệng giếng được tôn tạo, sửa chữa thường xuyên, cây xanh và ghế đá được đặt xung quanh nên khu vực có giếng cổ như một công viên. Nhiều giếng khác cũng được người dân bảo tồn như giữ gìn hồn cốt của làng.

"Nếu ở đâu cũng có ý thức bảo vệ di tích như thế này thì mới hi vọng bảo tồn được giá trị vô giá của giếng cổ" - ông Lê Đức Thọ, phó giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị, nói.

Theo ông Thọ, việc nhiều giếng Chăm cổ đã được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh nhưng vẫn bị phá hoại cho thấy đang có sự buông lỏng trong quản lý di tích ở địa phương.

"Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn và bảo vệ" - ông Thọ nói.

Ông Nguyễn Văn Song, chủ tịch UBND xã Gio An, thừa nhận có 2 trong số 14 giếng Chăm bị phá hoại nhưng ông phân trần: "Các giếng nằm rải rác ở nhiều thôn, trong khi chỉ có một cán bộ văn hóa phụ trách toàn bộ các công việc liên quan đến mảng văn hóa của xã. Xã cũng chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền chứ không thể đủ người đến bảo vệ các di tích mỗi ngày".

Câu chuyện cùng một loại hình giếng Chăm cổ nhưng Nhà nước công nhận di tích và nhận trách nhiệm bảo tồn so với nhân dân tự giữ gìn khi chưa là di tích tự nó chứa đựng triết lý "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Tìm về giếng cổ có tuổi đời trăm năm giữa lòng Hà Nội Tìm về giếng cổ có tuổi đời trăm năm giữa lòng Hà Nội

TTO - Nằm sâu trong những con ngõ của phố cổ Hà Nội, có những giếng nước đã tồn tại hàng trăm năm nay. Những giếng cổ giữ cho phố phường nét đẹp rất riêng, gợi ký ức về văn hóa làng xã, mộc mạc, giản dị và bình yên ngay giữa lòng thủ đô.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên