27/03/2024 10:07 GMT+7

Giáo viên kỹ thuật thành chuyên gia 'A đến Z'

Khi phòng công tác xã hội trường học được thành lập tại Trường trung cấp Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), nhiều giáo viên có chuyên môn kỹ thuật đã chủ động học thêm ngành mới để tư vấn, hỗ trợ học sinh trong học tập.

Thầy Lê Thanh Phương trò chuyện với học sinh trong phòng công tác xã hội tại Trường trung cấp Cai Lậy - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Thầy Lê Thanh Phương trò chuyện với học sinh trong phòng công tác xã hội tại Trường trung cấp Cai Lậy - Ảnh: TRỌNG NHÂN

PGS.TS Huỳnh Văn Chẩn - trưởng khoa công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết phòng công tác xã hội trường học tại Trường trung cấp Cai Lậy là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang, do nhóm chuyên gia trong và ngoài khoa thực hiện.

Để học sinh không còn suy nghĩ tiêu cực

Thầy Lê Thanh Phương - trưởng phòng công tác học sinh, giáo viên Trường trung cấp Cai Lậy - là một trong những giáo viên hăng hái tham gia nhất. Trong hơn ba tháng, thầy học được cách tìm hiểu tâm lý học sinh, cách phân loại những học sinh có vấn đề xã hội, cách tham vấn với những đối tượng khác nhau, nhận biết những biểu hiện bất thường... Thầy cũng được hướng dẫn những đặc điểm phát triển từng lứa tuổi học sinh.

Là "dân" kỹ thuật cơ khí, thầy Phương cho biết lúc đầu tiếp cận những kiến thức khoa học xã hội khá khó, không phải "1+1=2" mà luôn có phần cảm tính bên trong. Ngoài kiến thức từ các giảng viên, thầy phải tự học thêm vào mỗi tối, lần mò những trang web về tâm lý, công tác xã hội trong học đường và đối chiếu lại với những kinh nghiệm mình đã có trong thời gian làm quản lý học sinh, sinh viên trước đây.

Thầy chia sẻ thêm rằng học sinh ở nhiều trường trung cấp tại các tỉnh thành khá thiệt thòi. Các em chủ yếu là học sinh đã hoàn thành lớp 9, có học lực văn hóa còn hạn chế, chuyển sang học nghề. Trong khi đó, độ tuổi này lại ghi nhận nhiều thay đổi trong nhận thức, nhiều em dễ bị dao động và chưa định hình được hướng đi tương lai của mình.

"Một số em không thích học, một số lại gặp chuyện gia đình, ba mẹ ly thân, một số hay quậy phá. Biết được xu hướng này sẽ dễ tư vấn hơn" - thầy Phương nói.

Còn cô Huỳnh Thị Kiều, giáo viên chuyên môn công nghệ thực phẩm, học được cách khai thác câu chuyện của các em để tư vấn. Cùng một vấn đề, chẳng hạn chuyện bỏ học, nhưng với mỗi em cô sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Hướng giải quyết sẽ phải xuất phát từ góc nhìn của các em thay vì người lớn.

Cô đơn cử vừa gặp một trường hợp học sinh đã học nghề đến năm cuối nhưng bỗng quyết định bỏ học. Khi tìm hiểu, học sinh này tâm sự em cảm thấy hoang mang khi sắp tốt nghiệp, không biết sẽ đi làm như thế nào. Trong khi đó, anh họ của em đã học ngành tương tự nhưng thất nghiệp, làm em nản muốn buông xuôi.

"Tôi khuyên nhủ rằng hoàn cảnh và học lực của em ấy và người anh họ khá khác nhau. Em lại học rất khá và hiện đang có nhiều cơ hội việc làm hơn, chưa kể em đã sắp hoàn thành chương trình. Tôi cũng nhờ bạn học của em động viên em thêm" - cô Kiều chia sẻ. Cuối cùng, em đã trở lại lớp và đang trong đợt thực tập tốt nghiệp.

Lan tỏa đến nhiều "phòng tuyến"

Bạn Nguyễn Minh Nhân - học sinh ngành công nghệ ô tô, Trường trung cấp Cai Lậy - cho biết từ những ngày đầu phòng hoạt động, các bạn được thầy cô khuyến khích hễ gặp bất cứ vấn đề gì trong học tập, cuộc sống hay về các mối quan hệ thì cứ đến gặp thầy cô ở phòng công tác xã hội. 

Từ đó, Nhân thấy một số bạn lớp mình mạnh dạn hơn. Những bạn gặp vấn đề xích mích với nhau cũng đến phòng để được các thầy tư vấn cách giải quyết.

Trong khi đó, Huỳnh Nhựt Huy - học sinh nghề công nghệ ô tô - nói ngoài là nơi ổn định tâm lý, bản thân mình thường xuống phòng công tác xã hội để học hỏi kiến thức. Giờ ra chơi nếu thấy cần học sâu hơn, Huy sẽ xuống phòng gặp các thầy cô ở đó để tìm hiểu thêm, gần đây nhất là các động cơ máy ô tô mà Huy đang học. Nếu những lĩnh vực khó, các thầy cô kết nối với những thầy cô khác có thể giải đáp cho các bạn.

Không chỉ có học sinh đến phòng công tác xã hội, phòng còn trở thành nơi lui tới của nhiều giáo viên. Thầy Trần Phong Vũ - giáo viên nghề cơ khí - xây dựng, Trường trung cấp Cai Lậy - thường đến phòng công tác xã hội để được "chỉ giáo" thêm các kiến thức nắm bắt tâm lý học sinh. 

Thầy Vũ nói do chuyên môn của mình là kỹ thuật nên trước đây thỉnh thoảng có vấn đề xảy ra như học sinh không ngoan hay học sinh có dấu hiệu mâu thuẫn, thầy thường lúng túng không biết làm sao. Đặc biệt, học sinh của thầy đều trong lứa tuổi có nhiều biến chuyển.

"Các giáo viên đứng lớp như những phòng tuyến đầu tiên, bởi họ mới là những người tiếp xúc trực tiếp với học sinh. Các dấu hiệu bất thường sẽ cần được xử lý sớm nhất. Vì vậy nếu giáo viên biết thêm một chút về tâm lý sẽ rất có lợi khi dạy dỗ các em" - thầy Vũ nói.

Phòng công tác xã hội trường học theo mô hình quốc tế

PGS.TS Huỳnh Văn Chẩn cho biết phòng công tác xã hội trường học tại Trường trung cấp Cai Lậy được thiết kế theo mô hình tiêu chuẩn quốc tế, được phân thành hai khu vực chờ, thư giãn và tham vấn, tư vấn.

Khu vực tham vấn, tư vấn được trang bị kính một chiều, hai cửa ra vào, ghế chuyên dụng trong tham vấn, tư vấn. Không gian bên ngoài phòng chờ được thiết kế thân thiện với màn hình tivi để những bạn chờ được thư giãn. Kinh phí trang bị được lấy từ kinh phí thực hiện đề tài và nguồn vận động tài trợ từ các đơn vị.

Tập huấn cho giáo viên

Phòng công tác xã hội trường học tại Trường trung cấp Cai Lậy là một trong những phòng công tác xã hội trường học đầu tiên được triển khai ngoài trường đại học tại Việt Nam. Sau khi thành lập từ tháng 10-2023, nhóm thực hiện đề tài đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn cho các thầy cô địa phương - những người tư vấn thực tế sau này.

Ở ngôi trường làng tỉnh lẻ có... chuyên gia MicrosoftỞ ngôi trường làng tỉnh lẻ có... chuyên gia Microsoft

Khi nhắc đến chuyên gia tin học được Microsoft công nhận, nhiều người sẽ nghĩ một "cao thủ" vùi đầu trong những phòng máy tính hiện đại ở thành phố lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên