05/12/2023 11:17 GMT+7

Kiến thức đều có trên Internet, thầy cô dạy gì cho học sinh?

50 năm qua, thế giới đã thay đổi mọi mặt. Bước tiến lớn nhất là sự ra đời của Internet và gần đây là trí tuệ nhân tạo (AI).

Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dĩ nhiên trước những thay đổi ấy, giáo dục chịu tác động không nhỏ.

Giáo viên sẽ phải chuyển đổi phương pháp giảng dạy từ việc truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực và tăng cường sự trải nghiệm cho học sinh.

Vai trò của giáo viên

Ngày nay phần lớn thông tin và kiến thức đều có sẵn trên Internet, chưa kể học sinh còn có thể được hỗ trợ học tập thông qua các trợ lý ảo AI. Vậy thì những khái niệm truyền thống về giáo dục và giáo viên cũng sẽ cần được làm mới.

Ngành giáo dục Việt Nam đã nhìn thấy điều này và mạnh dạn có những thay đổi bằng việc cập nhật Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tương thích với xu hướng giáo dục trong thời đại số khi ưu tiên phát triển năng lực của người học.

Công bằng mà nói, chương trình này có nhiều khía cạnh vượt trội so với chương trình ở nhiều nước phương Đông lẫn phương Tây. Tuy nhiên, để một cuộc chuyển hướng trong giáo dục thành công, một lần nữa vai trò của giáo viên mang tính quyết định.

Tại diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018, tỉ phú Jack Ma cho rằng những gì trẻ em đang được học dường như không khác trong suốt 200 năm qua: việc học dựa trên kiến thức. Ông cho rằng nếu không có những sự đổi mới, chúng ta có thể gặp khó khăn trong khoảng 30 năm tới. Bởi nếu học chỉ là tiếp thu kiến thức thuần túy, máy móc có thể làm tốt hơn con người.

Do vậy, theo tôi, giáo viên sẽ phải chuyển đổi phương pháp giảng dạy từ việc truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực và tăng cường sự trải nghiệm cho học sinh. Các em cần được dạy những "năng lực mềm" giá trị như niềm tin, tư duy độc lập, làm việc nhóm, quan tâm đến người khác...

Năng lực học tập suốt đời

Trên hết, đó là năng lực học suốt đời thông qua Internet và AI. Bởi vì mỗi học sinh ngày nay đều có thể tiếp cận thông tin và kiến thức 24/7 nên thứ hữu ích nhất mà giáo viên có thể truyền đạt cho học trò là kỹ năng học hiệu quả, đặc biệt trên nền tảng số, gắn liền với Internet, AI hay những công nghệ mới.

Cụ thể, học sinh cần biết cách sử dụng thiết bị số, khai thác tài nguyên từ các website hữu ích. Các em cần được hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn, xử lý và so sánh thông tin Internet hay AI. Từ đó, các em sẽ hình thành được phẩm chất tự học và tự quản lý việc học trong thời đại số.

Thầy cô sẽ tiếp tục là những người dẫn đường cho học sinh trong thời đại số. Muốn vậy, giáo viên cũng cần được tiếp sức. Bằng cách nào? Tôi nghĩ ngành giáo dục Việt Nam có thể phát triển thêm các nền tảng số để giáo viên có thể tự học và tự nâng cao năng lực chính mình. Giáo viên cần được hỗ trợ tiếp cận các phần mềm số, và trường học có thể đầu tư các tài khoản cho giáo viên truy cập vào những phần mềm bổ trợ cho các bài giảng, tiết dạy.

Giáo viên cần được tham gia vào các chương trình bồi dưỡng toàn diện về khai thác các tiềm năng của công nghệ cũng như các cách thiết kế bài học, cách giảng dạy mới mẻ, thú vị dựa trên những tài nguyên số.

Và trên hết, theo tôi, cần có những cơ chế để giáo viên được tạo động lực và hứng thú tham gia vào việc chuyển đổi các cách giảng dạy từ truyền thống sang giảng dạy số sáng tạo.

Khơi gợi khát khao cho học sinh

Tình cảm thầy trò luôn là một nét đẹp trong giáo dục của Việt Nam. Theo tôi, cảm xúc đặc biệt trong lòng học sinh sẽ hình thành khi các em cảm nhận mình đang được lắng nghe và được hỗ trợ hết mình từ thầy cô.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy những giáo viên để lại ấn tượng nhất và cho bạn nhiều cảm xúc nhất thường là những người không chỉ để giúp bạn học tốt mà còn khơi gợi được khao khát trong bạn để bạn luôn trở thành phiên bản tốt hơn.

Nghĩa là chỉ cần khơi gợi được khát khao này trong học sinh, giáo viên sẽ luôn được các em yêu mến. Muốn thế, giáo viên cần giúp học sinh đặt ra những mục tiêu và sau đó đồng hành cùng họ bằng nhiều cách khác nhau để từng bước đạt được những mục tiêu đó.

Trên hành trình này, thầy cô là nguồn động viên và truyền cảm hứng cho học sinh. Và có lẽ không có cách nào truyền cảm hứng tốt hơn bằng cách làm gương, thông qua những nỗ lực thực tế của thầy cô trên bục giảng và trong cuộc sống. Tấm gương của thầy cô sẽ được các em noi theo.

TS Lance G.King đã làm việc tại hơn 300 trường học ở 37 quốc gia. Ông là cha đẻ của chương trình "Nghệ thuật học tập", giảng dạy cho hơn 250.000 học sinh trên toàn thế giới và là diễn giả thường dạy các kỹ năng thế kỷ 21. Ông thiết kế nội dung "Phương pháp tiếp cận học tập" (ATL Skills) cho chương trình Tú tài quốc tế (IB) đang được triển khai tại hơn 5.000 trường IB ở 160 quốc gia.

Hiện ông đang sinh sống tại New Zealand nhưng thường tham gia các hoạt động giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Hàn Quốc đưa robot vào trường dạy tiếng Anh cho học sinhHàn Quốc đưa robot vào trường dạy tiếng Anh cho học sinh

Robot gia sư đóng vai trò như một trợ giảng trong lớp học và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh như người bản xứ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên