26/05/2022 09:30 GMT+7

Giải nhì Văn học tuổi 20 lần thứ bảy: Lặn vào thế giới ngôn ngữ và ký ức

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Giải Văn học tuổi 20 lần thứ bảy vừa khép lại với hai tác phẩm cùng đoạt giải nhì (không có giải nhất) trao cho tập truyện ngắn Nửa lời chưa nói của Duy Ân và truyện dài Vụn ký ức của Yang Phan.

Giải nhì Văn học tuổi 20 lần thứ bảy: Lặn vào thế giới ngôn ngữ và ký ức - Ảnh 1.

Duy Ân: Viết về ngôn ngữ cũng là viết về con người

Duy Ân hiện đang theo học tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Chọn Văn học tuổi 20 như điểm xuất phát, Nửa lời chưa nói là tập truyện ngắn đầu tay của cô gái sinh năm 1995 sau vài tác phẩm đăng báo.

Chuyên ngành học của Duy Ân nghiên cứu tập trung về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và ý thức. Những truyện ngắn trong Nửa lời chưa nói phần nào thể hiện được sự quan tâm của chị với chủ đề này.

Giải nhì Văn học tuổi 20 lần thứ bảy: Lặn vào thế giới ngôn ngữ và ký ức - Ảnh 2.

Tác giả Duy Ân - Ảnh: NVCC

"Ý tưởng ban đầu của tôi đơn giản là muốn viết những mẩu kiến thức thú vị trong nghiên cứu thành truyện ngắn để mọi người hiểu hơn về ngành học của mình, vì đây là một ngành mới và chưa phổ biến lắm. Nhưng viết được một thời gian, tôi thấy rằng viết về ngôn ngữ cũng chính là viết về con người, vì đây là cách chúng ta bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc.

Vì thế một số truyện trong Nửa lời chưa nói tập trung về chủ đề ngôn ngữ, một số truyện lại thử khai thác những khía cạnh như mối quan hệ giữa người với người, mối quan hệ giữa người và xã hội" - tác giả chia sẻ.

Khi được hỏi có bao giờ nghĩ đến việc sáng tác văn học bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, Duy Ân cho biết chị có viết truyện bằng tiếng Anh, tuy không nhiều.

Có những câu chuyện khi vừa có những ý tưởng đầu tiên tác giả đã biết nó sẽ được viết bằng tiếng Anh, nhưng có những câu chuyện chỉ có thể viết bằng tiếng Việt.

Duy Ân lý giải: "Điều này một phần là do những đặc trưng trong ngôn ngữ, ví dụ như hệ thống đại từ nhân xưng trong tiếng Việt. Một phần khác, sự thay đổi từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác không đơn giản là sự thay đổi của những con chữ, ngữ pháp, cách phát âm; mà còn là sự thay đổi của văn hóa và thân phận.

Có khá nhiều nghiên cứu tâm lý - ngôn ngữ học chỉ ra rằng cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống, bày tỏ cảm xúc, thậm chí chuẩn mực đạo đức của chúng ta sẽ thay đổi phụ thuộc vào việc chúng ta đang dùng ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai.

Với cá nhân tôi, việc chuyển sang một ngôn ngữ khác nhiều lúc như là một tấm màng lọc cảm xúc - ví dụ như khi mình muốn viết những câu chuyện mang sắc thái "tỉnh" và nghiêng về lý trí hơn thì mình sẽ viết bằng tiếng Anh".

Duy Ân vẫn đang viết văn dù viết khá chậm và hiện tại đang thử viết truyện dài. Theo chị, việc đọc và viết phải đi liền với nhau, nhưng vì ở nước ngoài nên chị ít có cơ hội đọc được những tác phẩm "nội địa" hay gần đây.

"Một người ít đọc thì khó mà viết hay được. Hy vọng trong tương lai tôi sẽ có thể tiếp xúc với văn học Việt Nam đương đại cách dễ dàng hơn" - Duy Ân bày tỏ chân thành.

Yang Phan: Tôi thấy mình như đứa trẻ khi viết

Đồng giải nhì với Duy Ân, cùng thế hệ 9X, tác giả Yang Phan hiện đang sống và làm việc ở TP.HCM. Dù cách nhau nửa vòng trái đất, thế giới trong tác phẩm của cả hai dường như là một thế giới phẳng, nơi các nhân vật gắn kết với nhau trong một không gian mở.

Đối với cây bút trẻ sinh năm 1994, nếu được chọn từ khóa để miêu tả Vụn ký ức, anh sẽ chọn từ "Tự nhận thức". "Mỗi nhân vật trong Vụn ký ức đều thực hiện cuộc hành hương về cõi sâu trong mình. Thông qua nhân vật chính, mỗi cá nhân liên đới đều có sự tự chiêm nghiệm trở lại thông qua những điều mà họ đã trải qua".

Giải nhì Văn học tuổi 20 lần thứ bảy: Lặn vào thế giới ngôn ngữ và ký ức - Ảnh 3.

Yang Phan với tập truyện dài Vụn ký ức - Ảnh: LÊ ĐỨC TRUNG

Trước Vụn ký ức, Yang Phan từng viết và xuất bản hai tác phẩm thể loại trinh thám là Đánh đổi và Bẫy dưới tên Phạm Anh Tuấn. Anh đổi sang bút danh Yang Phan để mở ra hướng mới trong hành trình văn chương, "hành trình từ một Phạm Anh Tuấn đầy nông nổi, đến một Yang Phan bình tĩnh hơn từ hình thức đến nội dung".

Với Yang Phan, Vụn ký ức mang tính thử nghiệm và bộc lộ cá tính hơn so với các tác phẩm trước. "Nó như trò chơi lắp ghép bằng chữ nghĩa vậy. Tôi được phép tháo tung những kết cấu và biến tấu nó, trở thành một bản thảo mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ viết trước đó. Đôi lúc, tôi thấy mình như đứa trẻ khi viết Vụn ký ức.

Mọi thứ mới mẻ, thú vị. Cá tính cá nhân cũng là điều khác biệt hơn cả. Tôi trở về nguyên bản của mình hơn, lắng nghe bản thân và cả những người trẻ đương đại. Đây có lẽ là tác phẩm hướng nội nhất tôi từng viết".

Chia sẻ về dự định sau giải thưởng vừa gặt hái, Yang Phan kỳ vọng có thể đem đến cho độc giả nhiều khía cạnh mới trong văn chương của mình.

Anh cho thấy sự hứng khởi ở một người viết trẻ với mục tiêu cụ thể: "Trước hết, tôi nghĩ mình nên bước khỏi vùng an toàn văn chương và học hỏi. Có lẽ tôi sẽ hoàn thành cuốn sách nào đó với những thể nghiệm mới. Đồng thời, tôi vẫn muốn viết những tác phẩm mà bất cứ ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó".

Nửa lời chưa nói Vụn ký ức tuy thuộc hai thể loại khác nhau nhưng có điểm chung là dung lượng ít, một phần vì chưa đi đến cùng những điều muốn diễn đạt. Nhưng chính trong sự lấp lửng, dở dang ấy cũng đã có nhiều hứa hẹn, đáng để người đọc chờ đón những tác phẩm kế tiếp của hai cây bút trẻ.

Tĩnh tâm để thấy sóng ngầm

* "Rồi một ngày, mọi kẻ xung quanh em sẽ thay đổi, khác hoàn toàn với điều em biết về họ". Anh đã viết như thế trong Vụn ký ức. Có thể còn quá sớm để hỏi, nhưng giờ đọc lại tác phẩm này anh có muốn thay đổi gì không? Văn chương của anh đã thay đổi thế nào qua thời gian?

- Yang Phan: Có nhiều điều tôi nghĩ thấy tiếc khi đọc lại cuốn sách. Đôi khi, tôi mong mình có thể trở lại và thêm thắt chút gì đó cho Vụn ký ức. Một chút vấn đề xã hội chẳng hạn. Hoặc đào sâu vào nhân vật nào đó.

Nhưng tôi biết, nếu được quay lại quá khứ thật, chắc tôi chẳng thay đổi điều gì. Mỗi cuốn sách sẽ luôn kém hoàn hảo một chút, để sản phẩm sau, ta có dịp lấp đầy.

Khi trẻ, tôi thích những thứ giật gân và hồi trẻ, tôi rất dễ quá khích. Hiện tại, tôi nhận ra văn chương mình bình lặng hơn. Tôi nghĩ câu chữ và con người nên tĩnh tâm chút, khi đó ta mới thấy sóng ngầm trong từng vấn đề cuộc sống, và cả chính mình.

Làm sao để chạm vào nhau qua ngôn từ?

* Trong truyện ngắn Trò đùa của ngôn từ, chị kết lại bằng câu "tất cả chúng ta đều nằm dưới sự nhân từ của ngôn ngữ mà thôi", chị có thể giải thích thêm về ý này?

- Duy Ân: Đầu tiên phải nói rằng đây không phải là kết luận của tôi với tư cách một tác giả, mà là kết luận của nhân vật "tôi" trong truyện. Trong bối cảnh câu chuyện, nhân vật này rất tin tưởng vào giả thuyết về tính tương đối của ngôn ngữ, tức là việc ngôn ngữ mà chúng ta nói ảnh hưởng đến việc chúng ta nhìn nhận/cảm nhận mọi việc.

Trong truyện có chi tiết nhân vật "tôi" tin rằng Homer diễn tả bầu trời hay biển là "màu đồng" và "màu rượu", vì tiếng Hy Lạp cổ không có từ nào cho màu xanh và điều này ảnh hưởng đến cách các tác giả Hy Lạp cổ đại nhìn nhận màu sắc.

Ở một phương diện khác, câu này ám chỉ về vấn đề giao tiếp. Sự bất lực trong mối tương giao giữa người với người cũng là một chủ đề chính của tập truyện Nửa lời chưa nói.

Ngôn ngữ, xét cho cùng cũng chỉ là những quy tắc trừu tượng được con người đặt ra để đến gần nhau hơn. Làm sao để chúng ta chạm vào nhau qua ngôn từ? Sự thiếu hụt một số từ ngữ để diễn đạt những ý nhất định hoặc sự mơ hồ trong ngôn ngữ liệu có là những bức tường ngăn cách khiến chúng ta hiểu lầm nhau?

Giải thưởng Văn học tuổi 20: Những cá tính cần cho văn học Giải thưởng Văn học tuổi 20: Những cá tính cần cho văn học

TTO - Trong dòng chảy bộn bề của sự kiện, hầu hết các cuộc thi văn chương đang dần suy giảm độ hấp dẫn với cả người viết lẫn người đọc. Tuy nhiên, Văn học tuổi 20 là một ngoại lệ.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên