21/06/2023 11:21 GMT+7

Giải cứu tàu lặn ngắm Titanic: Đã thấy tín hiệu sự sống?

Áp lực đè nặng lên chiến dịch giải cứu tàu lặn tham quan xác tàu Titanic khi thông tin được cập nhật cho thấy lượng oxy bên trong chỉ còn đủ 40 tiếng. Nhưng lực lượng tìm kiếm đã phát hiện những tín hiệu định vị đầu tiên.

Giải cứu tàu lặn ngắm Titanic: Đã thấy tín hiệu sự sống? - Ảnh 1.

Đại úy Jamie Frederick, thuộc Lực lượng tuần duyên Mỹ, phát biểu tại Massachusetts ngày 20-6 - Ảnh: AFP

Sáng 21-6, giờ Việt Nam, Đài CNN dẫn thông tin nội bộ Chính phủ Mỹ cho biết lực lượng cứu hộ đã nghe thấy tín hiệu định vị trong quá trình tìm kiếm chiếc tàu lặn mất tích. 

Bốn người mất tích trên tàu lặn ngắm xác Titanic ‘có thân thế không tầm thường’

Đã nghe thấy tín hiệu tàu lặn?

Các đội tìm kiếm nghe thấy tín hiệu định vị sau mỗi 30 phút vào ngày 20-6 và 4 tiếng sau đó, sau khi các phao sonar được triển khai, người ta vẫn nghe thấy tín hiệu này.

Trong khi đó, ông Richard Garriott, chủ tịch của Hiệp hội thám hiểm Explorers Club, cũng đưa ra một tuyên bố đầy hy vọng. "Có lý do để hy vọng, dựa trên dữ liệu từ hiện trường, chúng tôi biết rằng đã phát hiệu các dấu hiệu của sự sống tại đó" - tuyên bố được đăng trên mạng xã hội Twitter nêu.

Trong cập nhật vào chiều 20-6 giờ Mỹ, Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết lượng oxy trong tàu lặn không còn nhiều như thông tin ban đầu.

"Từ dữ liệu mà chúng tôi đang sử dụng ban đầu, không khí của tàu là 96 giờ. Tại thời điểm này, chúng tôi còn khoảng 40, 41 tiếng nữa", đại úy Jamie Frederick thuộc Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết. Kể từ lúc thông báo đến nay, thời gian đang lùi về gần 30 tiếng.

Vào chủ nhật, ngày 18-6, giờ địa phương, tàu lặn Titan chở theo 4 hành khách và 1 lái tàu mất tích sau 1 tiếng 45 phút lặn xuống tham quan xác tàu Titanic ở độ sâu hơn 3.800m dưới đáy Đại Tây Dương.

Giải cứu tàu lặn ngắm Titanic: Đã thấy tín hiệu sự sống? - Ảnh 2.

Hình ảnh tàu Titan trong quá trình lặn - Ảnh: AFP

Khó như mò kim đáy bể

Theo ông Frederick, chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ "phức tạp" đang được bao phủ một khu vực rộng khoảng 20.000km2 và có sự tham gia của lực lượng, máy bay, thiết bị của hải quân Mỹ, quân đội Canada và tàu tìm kiếm của Pháp. 

Ngày 20-6, Pháp thông báo gửi một tàu được trang bị thiết bị lặn biển sâu đến 6.000m để hỗ trợ tìm kiếm từ ngày 21-6. Trong khi đó, hải quân Mỹ gửi thêm chuyên gia, hệ thống trục vớt sâu dưới biển, còn Lầu Năm Góc triển khai thêm 1 chiếc C-130 và 3 chiếc C-17.

Họ đang tìm kiếm ở cả trên bề mặt, với máy bay C-130 quan sát trên không, radar và phao sonar tìm kiếm dưới mặt nước. "Đây là một nỗ lực tìm kiếm phức tạp, đòi hỏi nhiều cơ quan có chuyên môn về chủ đề và thiết bị chuyên dụng", Đài CNN dẫn lời ông Frederick nói. Một cơ quan chỉ huy thống nhất do Lực lượng tuần duyên Mỹ điều phối đã được lập ngày 19-6.

Nhưng việc tìm kiếm chiếc tàu lặn dài 6,5m giữa đại dương không phải là điều dễ dàng, trong khi vẫn chưa biết nó đã nổi lên hay chìm dưới biển.

"Dưới đó tối đen như mực, lạnh cóng. Đáy biển đầy bùn và nhấp nhô. Bạn còn không thể nhìn thấy bàn tay của mình trước mặt. Nó thực sự giống như là một phi hành gia đi vào vũ trụ", ông Tim Maltin, chuyên gia về tàu Titanic, nhận định trên kênh NBC News Now.

Còn theo chuyên gia Ray Scott McCord - người đã có hơn 30 năm theo dõi các hoạt động trục vớt, nói rằng việc tìm kiếm dưới đáy biển sẽ hạn chế vì chỉ có thể di chuyển theo phương thẳng đứng do áp suất nước. Đến nay, có rất ít thiết bị trên thế giới có thể chạm đến đáy biển.

Con tàu đang ở đâu?

Đến nay, một số giả thuyết được đặt ra là chiếc tàu lặn có thể bị mất điện, chập mạch điện gây cháy bên trong, bị ngập hoặc vướng vào xác tàu.

Ông Jules Jaffe, thuộc nhóm phát triển hệ thống hình ảnh quang học được sử dụng để tìm Titanic vào năm 1985, cho biết lực lượng cứu hộ sẽ cần phải tìm kiếm ở ba khu vực riêng biệt.

"Nó đang ở dưới đáy biển, ở đâu đó trong cột nước hoặc ở trên mặt biển. Tôi nghĩ khả năng cao nhất nó nằm trong cột nước", ông Jaffe nói trên Đài ABC về khả năng con tàu còn lơ lửng trong tầng nước giữa đáy và mặt biển.

Giáo sư Jamie Pringle, Đại học Keele (Anh), cho biết sẽ rất khó tìm nếu chiếc tàu lặn mini đã chìm dưới đáy đại dương. "Đáy đại dương không bằng phẳng; có rất nhiều đồi và hẻm núi", ông Pringle nói.

Ngoài ra, một thách thức lớn khác là áp suất khổng lồ dưới đáy biển sâu 4km sẽ gấp khoảng 400 lần so với áp suất trên bề mặt. 

Áp suất như vậy sẽ gây áp lực rất lớn lên thiết bị và rất ít tàu có thể sống sót ở độ sâu này. Theo Viện Hải dương học Woods Hole, các tàu ngầm hạt nhân thường chỉ hoạt động ở độ sâu 300m.

Những người mất tích trên tàu lặn ngắm xác Titanic là ai?Những người mất tích trên tàu lặn ngắm xác Titanic là ai?

Bên cạnh chuyên gia hàng hải người Pháp Paul-Henri Nargeolet, cả 4 hành khách trên con tàu thám hiểm xác tàu Titanic đều có thân thế "không tầm thường".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên