13/04/2023 13:41 GMT+7

Gắn trách nhiệm với giải ngân vốn đầu tư công

Nhiều giải pháp 'phá băng' giải ngân vốn đầu tư công và khơi thông mạch chảy các dự án được kỳ vọng sẽ được đưa ra tại cuộc làm việc của Thủ tướng với TP.HCM, dự kiến diễn ra cuối tuần này.

Gắn trách nhiệm với giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM đang được xây dựng trưa 12-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giới quan sát và chuyên gia chính sách đặt nhiều kỳ vọng không chỉ bởi "trận thua đậm" về tăng trưởng kinh tế quý 1-2023 của TP, mà còn bởi với những khó khăn chung bủa vây hiện nay, chỉ có đầu tư công và "khơi thông dự án tư" mới đủ sức thúc đẩy, vực dậy tăng trưởng cho nền kinh tế TP trong thời gian tới.

Có đột phá giải ngân vốn đầu tư công?

Trong phát biểu mới đây, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nói qua góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế, TP đã tìm ra được "toa thuốc" cho tăng trưởng kinh tế, vấn đề chọn lựa và sử dụng thế nào.

Một trong những vị thuốc chính trong toa thuốc này chính là thúc đẩy nhanh đầu tư công và gỡ vướng nhanh các dự án đầu tư.

Theo TS Trần Du Lịch, quý 1-2023, TP đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích nền kinh tế khi chỉ giải ngân được 2% tổng số vốn được giao (43.443 tỉ đồng), tức khoảng 951 tỉ đồng. Mặt khác, công cụ hấp thụ vốn cả ở đầu tư công và đầu tư tư nhân cũng chưa được TP sử dụng hiệu quả khi để hàng trăm dự án tắc nghẽn.

"Phải công bố tất cả các dự án đang chậm trễ thủ tục và nguyên nhân chậm trễ nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp".

TS TRẦN DU LỊCH

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân nói rằng việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, trong đó đốc thúc hoàn thành các dự án giao thông đúng tiến độ là vấn đề cực kỳ quan trọng cho sự phát triển kinh tế TP.HCM.

Ngoài câu chuyện dự án lớn ảnh hưởng đến toàn cục, còn có những dự án tuy không lớn nhưng như cục máu đông làm tắc động mạch, cần phải sớm khai thông ngay để công trình về đích.

Thời gian qua có những vấn đề cấp bách nhưng thủ tục lại lòng vòng, mấy năm chưa xong. Chẳng hạn, việc giải quyết vốn cho Công ty TNHH MTV Metro số 1 TP.HCM đến nay vẫn chưa xong để có tiền tuyển nhân sự bảo trì. Trong khi đó, dự án đang đặt mục tiêu hoàn thành cuối năm nay.

Cùng với đầu tư công, suốt nhiều tháng qua, hàng loạt cuộc họp tháo gỡ, khơi thông vướng mắc các dự án bất động sản được UBND TP tổ chức. Doanh nghiệp, chuyên gia quan sát dù đánh giá cao động thái họp gỡ vướng nhưng nhìn nhận "chuyển biến tháo gỡ còn chậm".

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có 9 văn bản báo cáo UBND TP về 156 dự án của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc.

UBND TP.HCM cũng rất quan tâm và chỉ đạo bằng 7 văn bản thông báo từ văn phòng. Dù vậy, mãi đến cuối tháng 3-2023, các cơ quan thẩm quyền của TP cũng mới chỉ trao đổi, phân công đơn vị chủ trì thụ lý, giải quyết theo từng nhóm hồ sơ vướng mắc.

Điều này có nghĩa sẽ phải còn nhiều cuộc họp mới hy vọng chốt giải pháp khơi thông các dự án, trong khi áp lực tăng trưởng hiện rất nặng nề.

Cần siết chặt trách nhiệm

TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP - cho hay giải ngân đầu tư công là yếu tố tiên quyết để kích cầu phát triển.

Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở TP thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng. Việc này cần phải nhìn rõ và chỉ rõ để khắc phục một cách nghiêm túc đối với các cán bộ thừa hành và điều hành trực tiếp.

"TP cần quan tâm hơn nữa trong vấn đề quy trách nhiệm của người đứng đầu sở ngành, quận huyện... Việc quy trách nhiệm người đứng đầu các dự án chậm trễ qua nhiều năm là việc cần làm ngay. Trong đó, điều chuyển nhân sự để đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc dự án và giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới", ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, một trong những lý do giải ngân thấp là do các dự án chuyển động rất chậm, gây lãng phí ngân sách, lãng phí xã hội.

Chẳng hạn, tại TP Thủ Đức, hàng loạt dự án giao thông chậm trễ và mấy năm qua chưa thấy một dự án giao thông nào hoàn thành. Phần lớn là do công tác giải phóng mặt bằng còn vướng chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, việc chậm trễ vài năm đối với các dự án nhóm B, C sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - cho hay năm 2023 TP được phân bổ vốn đầu tư công trên 70.000 tỉ đồng. Trong đó, dự án vành đai 3 TP.HCM dự kiến giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn, khoảng 18.000 tỉ đồng.

Đây là số vốn lớn, việc giải ngân phải khẩn trương với mục tiêu có 90% mặt bằng để khởi công dự án vào tháng 6-2023.

"Có điều đáng mừng là các địa phương đang giải quyết thủ tục rất nhanh, cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ theo yêu cầu. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất ở dự án là hiện nguồn cát đắp đang thiếu hụt. Để công tác thi công được thuận lợi, các bộ ngành, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ thêm", ông Trường nói.

Ngoài vành đai 3, TP.HCM còn có rất nhiều dự án giao thông lớn đang triển khai như đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, nút giao An Phú, quốc lộ 50...

"Các dự án này được nằm trong danh mục các công trình trọng điểm của năm 2023 và được theo dõi, báo cáo UBND TP định kỳ hằng tháng. Đơn vị nào làm chậm sẽ bị xử lý để làm sao công trình được làm nhanh hơn, công tác giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn", ông Trường đề xuất.

Gỡ vướng cho các tuyến cao tốc, vành đai

Công nhân thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1), thuộc đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công nhân thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1), thuộc đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để sớm hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ giao các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, sớm mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Với dự án vành đai 3 TP.HCM, theo cơ quan này, đất đắp nền đường, cát xây dựng, đá xây dựng các loại cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng cho dự án. Riêng cát đắp nền khoảng 7,2 triệu m3 đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn cung.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT và các địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp) hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương và Long An) phối hợp chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho dự án.

Đối với dự án vành đai 4 TP.HCM dài 199km, ngành giao thông TP kiến nghị giao Bộ GTVT làm cơ quan tổ chức điều phối triển khai dự án trên toàn tuyến. Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh hướng tuyến trên địa bàn của mỗi địa phương (nếu cần).

Đồng thời, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường vành đai 4 và làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lập, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Bộ KH&ĐT tham mưu, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương hỗ trợ 2.900 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để phân bổ cho giải phóng mặt bằng.

Bộ Quốc phòng sớm có ý kiến thống nhất về phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến, làm căn cứ hoàn chỉnh, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Ngành giao thông TP cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án này đang bị tạm dừng thi công và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN đang thực hiện việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó có đề xuất kéo dài thời gian hoàn thành tới tháng 9-2025.

Ngoài ra, cần đầu tư bổ sung các nút giao với quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè).

Đề xuất phó thủ tướng làm nhạc trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Trong thời gian qua, theo Sở GTVT TP.HCM, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã phối hợp triển khai các dự án gồm: vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, quốc lộ 22, đường Trần Đại Nghĩa, đường Lê Văn Lương, cầu Cát Lái...

Ngoài ra, các địa phương có chung địa giới hành chính thường xuyên phối hợp để đảm bảo đồng bộ kết nối giao thông.

Tuy nhiên, bộ máy của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (được thành lập năm 2015) chưa phải là một cấp hành chính.

Các quyết định, nghị quyết của hội đồng vùng cũng chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến khích thực hiện chứ chưa có những công cụ, bộ máy đủ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền để điều hành.

Bên cạnh đó, một số đơn vị được thành lập bởi hội đồng vùng, như tổ điều phối chuyên đề kết nối giao thông, chưa thể vận hành được vì cơ chế phối hợp giữa các địa phương và phân định trách nhiệm chưa rõ ràng.

Do đó, ngành giao thông TP đề xuất UBND TP kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn nhân sự của Hội đồng vùng Đông Nam Bộ để góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quy hoạch vùng một cách bền vững.

Trong đó, phân công một phó thủ tướng làm chủ tịch hội đồng, lãnh đạo của tỉnh, TP trực thuộc trung ương là thành viên và mỗi tỉnh phân công một thành viên chuyên trách.

UBND TP chủ trì, phối hợp với các tỉnh thành trong vùng Đông Nam Bộ tham mưu dự thảo chức năng, nhiệm vụ, nhân sự, quy chế hoạt động của Hội đồng vùng Đông Nam Bộ, trình Thủ tướng xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện.

Xử lý người đứng đầu giải ngân vốn chậm

Nhằm đảm bảo năm 2023 sẽ giải ngân ít nhất đạt 95% theo yêu cầu của Thủ tướng, TP đặt mục tiêu giải ngân vốn hết quý 2 được 35%, hết quý 3 được 58%, hết quý 4 đạt 91,5% và hết tháng 1-2024 cố gắng ít nhất đạt 95%.

Để đạt mục tiêu, TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ, cũng như xem xét trách nhiệm người đứng đầu giải ngân vốn đầu tư công chậm. TP cũng thống nhất danh mục 33 dự án, công trình giao thông trọng điểm năm 2023.

Nếu tổ chức, cá nhân giải quyết công việc chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án sẽ bị phê bình, kiểm điểm trách nhiệm.

TP.HCM xem xét trách nhiệm người đứng đầu giải ngân vốn đầu tư công chậmTP.HCM xem xét trách nhiệm người đứng đầu giải ngân vốn đầu tư công chậm

Thủ tướng yêu cầu giải ngân vốn phải đạt ít nhất 95% tổng số vốn Quốc hội phân bổ trong năm nay. Trong khi đó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đã xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên