02/04/2013 10:35 GMT+7

Gần lại với biên cương

MINH QUANG - ĐỨC BÌNH
MINH QUANG - ĐỨC BÌNH

TT - Để hoàn thành trên 10.000km đường tuần tra biên giới (mới hoàn toàn), theo thiếu tướng Hoàng Kiền, giám đốc BQL 47, phải thi công liên tục trong khoảng 30 năm. Tuy nhiên chỉ với hơn 50 dự án đã hoàn thành, với tổng chiều dài hơn 2.000km thì biên cương đang gần lại hơn bao giờ hết...

Phải mang lại lợi ích cho dân

Dẫn chúng tôi đi kiểm tra công trường đường tuần tra biên giới đoạn tuyến vào đồn biên phòng 553 Châu Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vào trước mùa mưa năm 2012, đại tá Nguyễn Công Linh, phó giám đốc BQL 47, nghiêm khắc yêu cầu các đơn vị thi công phải hoàn thành cây cầu Khe Choang, xã Châu Khê trước khi mưa lũ đổ xuống. Đây không phải chỉ là yêu cầu của BQL 47 mà còn là sự mong mỏi của hàng trăm hộ dân xã Châu Khê.

Đại tá Linh cho biết theo lời kể của già bản, con suối Khe Choang năm nào cũng cướp đi sinh mạng người dân và nhiều tài sản khác mỗi khi lũ đổ về. Chính vì thế công trình cầu Khe Choang là một trong những hạng mục thi công đầu tiên của tuyến và được yêu cầu hoàn thành sớm để hạn chế những thiệt hại cho người dân do thiên tai gây ra. “Chưa nói đâu xa, mặc dù con đường dẫn chưa xong nhưng đến thời điểm đó, học sinh xã Châu Khê đã có thể đi trên cầu, tránh được những con nước bất thình lình mỗi khi mùa mưa đến. Mỗi cây cầu, mỗi đoạn đường tuần tra đều mang lại lợi ích cho dân là điều mà chúng tôi mong muốn nhất khi thi công con đường này” - đại tá Nguyễn Công Linh nói.

Không chỉ tạo điều kiện đi lại cho dân, có đường tuần tra biên giới, thương nhân mới đổ về mua nông sản theo vùng miền, mới có mạng thông tin tiên lạc. Hồi chưa có đường, chưa ra hết trung tâm xã Châu Khê đã mất sóng điện thoại, thế mà đường chưa xong bên Viettel đã cho xe vào kéo dây, lắp cột phát sóng ngay trên tuyến, anh Trần Đình Thát kể. Theo anh Thát, từ chỗ không biết đến cái tivi, đến nay người dân Khe Choang, xã Châu Khê đã biết xài điện thoại, cào thẻ, nạp thẻ, nhắn tin như dân phố rồi.

Vào nhà già làng bản Láy (xã biên giới Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La) Thào A Súa, chúng tôi nhạc nghiên vì trong nhà đã có ôtô. Rót đầy các ly rượu, già làng nài nỉ mời: “Cán bộ uống đi, bộ đội uống đi, rượu nhà tao vừa nấu đấy. Từ ngày bộ đội làm con đường qua bản, tao và dân bản vui lắm, sướng lắm, chỉ tiếc tao già rồi, không biết lái xe để đi trên con đường mới”. Trưởng bản Láy Sồng A Sào dốc ngược ly rượu cười khoái trá: “Nhà A Súa vừa mua ôtô tải 300 triệu đồng cơ đấy. Tính cả xã này cũng có mấy người mua được ôtô rồi. Còn xe máy nhiều lắm, 95 hộ dân nhà nào cũng có, có nhà 2-3 xe cơ mà”.

Lời của già làng Thào A Súa đã chứng minh những gì ông Đinh Công Quán, chủ tịch UBND xã Tân Xuân, nhận định về tác động của con đường tuần tra biên giới mang lại cho người dân. Theo ông Quán, năm bản giáp biên giờ có đường phẳng lỳ đi lại, giao thương dễ dàng. Trước đây, cả xã chỉ có vài hộ dân có xe máy nhưng giờ đến 80% hộ dân của xã có xe máy, nhiều nhà mua ôtô để vận chuyển ngô ra thị trấn bán.

Cùng nhau bảo vệ cột mốc chủ quyền

Nhớ về thời khó khăn năm năm trước, ông Quán trầm ngâm: năm 2007 đường vào xã vẫn chỉ là lối mòn, đến nỗi khi chở vật liệu vào xây trụ sở xã đã có xe lộn xuống vực, lái xe chết. Không có đường, ngày hội của người Mông ở huyện, cách có 40-50km mà ai đi phải mất gần hai ngày, nên chỉ vài người đi hội. Từ khi có đường, ngày hội năm nào đồng bào Tân Xuân cũng về thị trấn chơi. Không những thế, hàng trăm hộ dân trong xã đã chuyển nhà ra dựng sát hai bên đường để sinh sống, buôn bán, thu mua nông sản. Trước đồng bào làm ra nhiều ngô, lúa cũng chỉ cất trong nhà tự sản tự tiêu, muốn bán cũng khó vì làm gì có người vào mua. Giá ngô khô tại huyện khi đó 20.000 đồng/yến (10kg), còn bán tại xã 6.000 đồng/yến còn khó. Từ ngày có đường chở được ngô ra thị trấn bán, đồng bào đã khấm khá hơn, ông Quán nói.

Sát đường biên giới xã Tân Xuân, Xuân Nha giờ không chỉ có các cửa hàng tạp hóa, thu mua nông sản, mà còn có cả nhà hàng do chính một cựu lính làm đường biên giới dựng nên. Ngồi trong “nhà hàng” của mình, anh Phạm Quang Nam (28 tuổi, quê Gia Viên, Ninh Bình) bế đứa con nhỏ trên tay kể: đầu năm 2009 anh là chiến sĩ quân y, theo đơn vị lên mở đường qua bản Bướt (Tân Xuân) và quen cô giáo bản địa người Thái Vi Thị Hợi. Đến đầu năm 2011, khi đơn vị xong phần việc, rút về điểm khác thì cũng là lúc anh và Hợi tình yêu nảy nở, nên anh quyết định rời ngũ, ở lại vùng biên cùng vợ lập nghiệp. Từ chỗ chỉ có túp lều dựng lên trên mảnh đất sát biên, sau gần hai năm làm lụng, tích cóp vợ chồng anh đã xây được một ngôi nhà rộng rãi, khang trang vừa để ở, vừa làm nơi kinh doanh buôn bán.

Ở lại với bản làng, với con đường do chính tay mình góp công làm nên, với Phạm Quang Nam, đó còn là một trong những điều anh đã được dạy khi còn trong quân ngũ: người dân sinh sống gần đường biên cùng tham gia bảo vệ Tổ quốc. Nói về điều này, từ khi đường tuần tra biên giới định hình, đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng: “Nước ta có tới 4.500km đường biên nhưng người dân nơi này tỉ lệ đói nghèo lên tới 25%, có nơi đến 60-70%, nhiều địa bàn còn phức tạp, trắng dân. Cần đưa dân ra sát đường biên, biến những nơi biên cương xa xôi thành những vùng kinh tế - quốc phòng. Lực lượng tham gia bảo vệ mốc chủ quyền vững chắc nhất không ai khác chính là nhân dân! Bên cạnh đó, chỉ tính riêng nhờ đường tuần tra khu vực phía Nam hiện nay, chúng ta đã có thể cơ động nhanh khi có tình huống phức tạp xảy ra và cũng tạo điều kiện tốt cho giao thương, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ở nhiều khu vực...“.

Máu đã đổ vì con đường

Đại tá Nguyễn Công Linh, phó giám đốc BQL 47, kể mới đây, trong lúc chỉ huy bộ đội dùng mìn phá núi, bạt đèo để giải phóng mặt bằng đoạn tuyến từ Tùng Vài (Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đến mốc 18 qua cửa khẩu Thanh Thủy, thiếu tá Đinh Ngọc Lân (Lữ đoàn công binh 543) đã bị tai nạn với thương tật 4/4.

Trước đó, hai chiến sĩ thuộc trung đoàn công binh 83 cũng bỏ mình khi đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở khu vực đồn Pu Brăng, tỉnh Đắk Nông. “Đến thời điểm này dự án mới triển khai được hơn năm năm, nhưng trên đại công trường đường tuần tra biên giới này đã có rất nhiều người hi sinh bản thân mình, có những người để lại một phần thân thể nơi rừng sâu núi thẳm, và đớn đau, day dứt hơn là đã có tám liệt sĩ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đây là nỗi đớn đau, sự day dứt của chúng tôi...” - đại tá Nguyễn Công Linh trầm ngâm tiếc nuối.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Điểm xuất phát: cột mốc 314 Hà Tiên... Kỳ 2: Nén nhang dọc đường biên giới Kỳ 3: Xuyên rừng già theo đường tuần tra Kỳ 4: Con đường khát vọng... Kỳ 5: Những người mở tuyến

____________

Đón đọc số tới:

Sinh ra để lặn biển

Trong loạt bài “Trường Sa - khúc bi tráng 14-3” có đề cập đến chi tiết: những người thợ lặn Lý Sơn đã tìm thấy hài cốt các liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma. Hồ sơ sắp tới sẽ viết về họ - “sư đoàn thợ lặn” ở Quảng Ngãi.

RufoLu41.jpgPhóng to
Trẻ em địa phương tham quan tuyến tuần tra biên giới vừa mới mở ở Sốp Cộp (Sơn La) - Ảnh: Vũ Quang Thái
eTzFPXw6.jpgPhóng to
Một chiếc cầu vừa được xây dựng trên tuyến tuần tra biên giới huyện Mộc Châu (Sơn La). Đồng bào Mông dựng nhà sinh sống nhộn nhịp nơi đây - Ảnh: Vũ Quang Thái
MINH QUANG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên