28/07/2019 09:15 GMT+7

Doanh nghiệp du lịch sai phạm do 'lờn thuốc'?

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Xử phạt vi phạm hành chính trong ngành du lịch Việt Nam đang bị cho là "chưa đúng người, đúng tội", trong khi đó việc quản lý du lịch chưa bắt kịp sự phát triển của lĩnh vực này.

Doanh nghiệp du lịch sai phạm do lờn thuốc? - Ảnh 1.

Đến nay chỉ mới có vụ Công ty Golux nhận tiền của khách rồi bỏ trốn, bị Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia du lịch, đằng sau mức xử phạt chưa thuyết phục là việc quản lý du lịch hiện nay quá lỏng lẻo, chưa được xem là "bà đỡ" cho các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính phát triển, chưa đi trước một bước để ngăn ngừa các vi phạm mà chỉ chạy theo giải quyết từng sự vụ khi du khách lên tiếng hay bị dư luận phản ảnh.

Mức xử phạt... cho có

Chị L. - một nạn nhân trong vụ lừa đảo của Công ty Golux (TP.HCM) - cho biết đến nay gia đình gần như bỏ cuộc, chịu mất hơn 60 triệu đồng tiền mua tour bị Công ty Golux chiếm đoạt hồi tháng 8-2018. Không riêng chị L., có đến hàng chục người bị công ty này chiếm đoạt với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Ngay sau khi vụ việc vỡ lở, thanh tra Sở Du lịch TP.HCM vào cuộc và xử phạt công ty này 45 triệu đồng về hành vi kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép, đồng thời đình chỉ hoạt động cho đến khi có giấy phép. Mãi đến tháng 4-2019, Công an TP.HCM mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Golux.

Thực tế không nhiều vụ vi phạm trong ngành du lịch được khởi tố, điều tra. "Tôi chưa bao giờ thấy công ty du lịch nào lừa đảo bị truy tố ra trước pháp luật, nay đã có. Tôi hi vọng pháp luật hãy thẳng tay với tội lừa đảo bằng luật hình sự theo khung nặng nhất nhằm răn đe thì mới chặn đứng được hiện tượng này" - chị L. nói.

Cuối năm 2018, ngành du lịch Việt Nam "chấn động" bởi 152 du khách Việt "mất tích" ở Đài Loan. Công ty TNHH thương mại du lịch Kỳ nghỉ quốc tế được xác định có liên quan khi đứng ra làm visa cho đoàn khách này mà không thực hiện tour.

Ngoài việc xử phạt công ty này 33 triệu đồng, thanh tra Sở Du lịch TP cũng tạm giữ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế một năm của DN này.

Ngay sau vụ nhân viên khách sạn dùng khăn tắm lau bồn cầu được báo Tuổi Trẻ phanh phui, cơ quan chức năng cũng vào cuộc nhưng mức xử phạt 27 triệu đồng đối với khách sạn vi phạm tiếp tục gây thất vọng cho người dân.

Giám đốc một DN lữ hành ở TP.HCM thừa nhận mức xử phạt này "quá nhẹ" trong khi sự việc đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch TP, thậm chí du lịch Việt Nam.

Doanh nghiệp du lịch sai phạm do lờn thuốc? - Ảnh 2.

Du khách vui vẻ khi tham gia buổi ăn tối có giao lưu cồng chiêng với đồng bào dân tộc ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng - Ảnh: T.T.D.

Phải xử nặng DN và cá nhân vi phạm

Ông Từ Quý Thành, giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, cho rằng các hình thức xử phạt với vi phạm của DN trong ngành lữ hành chưa đủ sức răn đe nên một số DN du lịch chấp nhận bị phạt và tiếp tục hoạt động không lành mạnh.

Cơ quan quản lý lại không theo kịp tình hình hoạt động của DN, thường đưa ra hình thức xử phạt khi vi phạm đã xảy ra, "mất dấu vết" nên lỗi phạt không hẳn là lỗi vi phạm nặng nhất.

Trong khi đó, theo quy định tại nghị định 45/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, từ ngày 1-8-2019, các công ty kinh doanh du lịch để khách bỏ trốn tại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị phạt 80-90 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh và thu hồi thẻ hướng dẫn viên.

"Quy định này dồn hết trách nhiệm cho công ty du lịch có khách bỏ trốn, trong khi lẽ ra cần xác minh có phải do công ty du lịch gây ra hay không" - ông Thành nói.

Dẫn lại sự vụ 152 du khách Việt trốn lại Đài Loan, giám đốc một DN du lịch cho biết không chỉ các công ty du lịch làm ăn chân chính bị vạ lây, mà còn làm thay đổi chính sách ưu đãi thị thực mà Đài Loan dành cho thị trường Việt Nam.

Với trường hợp này, dù DN nói du khách Việt bỏ trốn nhưng chẳng khác gì một vụ tổ chức đưa lao động ra nước ngoài trái phép.

"Những cái cần nghiêm trị, phải làm quyết liệt. Nếu quản lý tốt và xử phạt nặng, DN, ngành du lịch lữ hành không rơi vào tình trạng hoạt động bát nháo, kém chất lượng như thời gian qua như tour "0 đồng", bỏ khách ngoài sân bay hoặc ở nước ngoài..." - vị này khẳng định.

Theo ông Trần Văn Long - tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông du lịch Việt, có một thực tế là công ty làm ăn đàng hoàng dễ bị phạt nặng, còn các DN làm ăn kiểu chụp giật, gây hậu quả lớn nhưng mức chế tài lại quá nhẹ.

"Cơ quan quản lý phải chấn chỉnh hoạt động du lịch, tổng rà soát, tăng cường thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật" - ông Long đề xuất.

Xử phạt 71 triệu đồng với 5 trường hợp vi phạm

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, trong quý 1-2019, cơ quan này đã kiểm tra 14 trường hợp gồm 5 DN lữ hành và 9 cơ sở lưu trú, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp với tổng số tiền 71 triệu đồng, gồm Công ty CP Di sản MeKong, Công ty TNHH thương mại du lịch Kỳ nghỉ quốc tế, Công ty CP TMDVDL Mỹ Úc Âu, khách sạn Sao Mộc Thủy...

Sở Du lịch TP cho biết các đơn vị trên bị phạt do không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh đại lý lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đại lý lữ hành bắt đầu hoạt động kinh doanh; không có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định; không gắn biển hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được xếp hạng...

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng giám đốc Vietravel):

Ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam

Nhiều vi phạm trong ngành du lịch không chỉ gây thiệt hại cho một vài người mà còn ảnh hưởng đến cả hình ảnh du lịch Việt Nam, hoạt động của cả ngành. Thế nhưng, hầu hết các xử phạt đều chỉ dừng ở mức vài chục triệu đồng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nỗ lực xây dựng hình ảnh bị liên lụy, thiệt hại nặng nề mà không biết kêu ở đâu.

Một ngành công nghiệp đang phát triển nhưng các sự cố cứ xảy ra làm méo mó, thậm chí hình ảnh du lịch Việt Nam trở nên "khuyết tật". Nếu không chỉnh sửa kịp thời sẽ dẫn đến "bệnh" nặng hơn, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Mà muốn vậy, cơ quan quản lý phải có biện pháp xử phạt đích đáng.

Ông Nguyễn Hiền (chuyên gia trong ngành du lịch):

Quản lý quá lỏng lẻo

Sự quản lý lỏng lẻo của ngành du lịch thể hiện qua việc bùng phát tour "0 đồng", công ty du lịch vô tư nhận làm dịch vụ visa cho khách mà không biết khách là ai, việc tổ chức tour cho khách nước ngoài ngay trên lãnh thổ Việt Nam lại do các công ty bên ngoài...

Do đó, trong xử phạt hành chính hiện nay cần đề cập đến tình trạng tái diễn, áp dụng hình thức xử phạt nặng nếu tái phạm, tái phạm bao nhiêu lần. Với một số trường hợp có thể tăng mức xử phạt dựa trên tính chất ảnh hưởng, lan tỏa của sự việc như đình chỉ kinh doanh có thời hạn, hoặc tước giấy phép trước.

Đi du lịch mang về bực tức, có khách sạn không quay lại bao giờ... Đi du lịch mang về bực tức, có khách sạn không quay lại bao giờ...

TTO - Có những chuyến đi, du khách mang về ấm ức, thất vọng. Có những khách sạn một lần đến, không ai dám quay lại. Có những cái xấu không còn cá biệt, trì níu sự phát triển ngành du lịch Việt.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên