07/04/2024 10:12 GMT+7

Điều gì lớn hơn sự oán hận?

Tôi có duyên quen biết chị hơn 4 năm. Nhìn bề ngoài, ít ai biết chị đã trải qua những tháng ngày cực kỳ đau khổ, vì lúc nào chị cũng cười thật tươi. Năng lượng dường như chưa bao giờ tắt ở chị.

Điều gì lớn hơn sự oán hận?- Ảnh 1.

"Có lúc chị bị trầm cảm em à". Khi đã đủ thân, chị sẵn sàng ngồi xuống và kể.

Đó là khoảng thời gian chị phát hiện chồng ngoại tình. Trước đó, chị hoàn toàn tin chồng vì anh ấy là người đàn ông mẫu mực, điềm đạm. Hai người có thời gian yêu nhau đủ lâu để hiểu. Và còn trải qua những khó khăn khi cả hai phải đấu tranh rất nhiều với gia đình hai bên, không phụ huynh bên nào "chấm" được người thương của con mình.

Không có lý do cụ thể cho chuyện thích hay không thích một người sẽ bước vào gia đình mình. Rồi cả hai cũng vượt qua mọi rào cản để tình yêu lớn lên thành sự cần có nhau.

Hạnh phúc ấy kéo dài không lâu, nhất là kể từ khi chị sinh con trai đầu lòng sau một năm cưới nhau. Cậu bé kháu khỉnh, cả gia đình nội đặt niềm vui vào cháu nội.

Nhưng rồi khi con lớn dần, linh cảm mách bảo, dường như cậu bé đang gặp phải một vấn đề gì đó. "Lúc đó, bé cứ thường có hành vi lặp đi lặp lại quá mức đối với các cảm giác - hễ cầm chiếc xe đồ chơi là con cứ đẩy tới đẩy lui, chăm chú đến khó tả".

Chị té ngửa sau khi đưa con đi thăm khám, bác sĩ và cả chuyên gia tâm lý đều nhận định con trai chị bị tự kỷ.

"Chị rất hoang mang, nhất là khi bản thân chưa có ý thức và không bao giờ nghĩ rằng con mình là trẻ tự kỷ", chị chia sẻ.

Tất nhiên, không một ông bố bà mẹ nào dám nghĩ tới điều đó. Tin này đến tai chồng và nội của bé. Họ hụt hẫng. Thay vì cảm thông, chia sẻ, gia đình chồng đổ lỗi cho chị, thậm chí có bà cô còn nói "nhìn xinh đẹp mà không biết sinh con".

Chồng thay vì an ủi, bảo vệ thì tỏ ra mệt mỏi, dần ít chia sẻ. Và ít về nhà sớm hơn. Chị biết mình đang rơi vào hố đen. Làm sao thoát? Cần thời gian. Và nhất định chị phải thoát ra, vì con.

Chị càng có động lực hơn khi phát hiện người chồng không chung thủy. Khi tờ đơn ly hôn được chị đặt trước mặt chồng, cha của con chị không một giây níu kéo.

Chị và con "Nam tiến" để tìm một không gian sống mới. Trước tiên, để chị thoát ra khỏi nơi đã ám ảnh mình. Và cũng để con có một môi trường mới.

Từng chút, từng chút một, cuối cùng, sau ba năm chị cũng thích nghi và dần hiểu về bệnh tự kỷ sau nhiều lần đồng hành cùng con đến bệnh viện, gặp chuyên gia tâm lý.

"Bây giờ chị có cả một nhóm bạn là những người mẹ của trẻ tự kỷ. Vì đồng cảnh nên cảm thông, chia sẻ được. Đa số các chị ấy được chồng đồng hành, hỗ trợ nên không cực như chị", chị kể nghe nhẹ hều như thể đó chỉ là một thử thách nhỏ.

Theo chị, mỗi cuộc đời con người ai cũng sẽ trải qua những nỗi khổ niềm đau, ít nhiều, lớn nhỏ mà thôi.

"Ít ra, chị vẫn còn có con - nguồn sống này cho chị vững chãi hơn để gạt bỏ hết mọi đau thương, thị phi từ gia đình chồng", chị nói.

Chị có buồn vì họ, nhưng chị bảo không bao giờ oán họ, vì điều đó chỉ làm cho mình mệt thêm. Cả chị và con đều cần bình an, nhất là khi lộ trình phía trước vẫn dài, còn bao nhiêu "bài học" đang chờ.

Điều gì đã làm cho người phụ nữ đẹp ấy giàu năng lượng tích cực như vậy nếu không phải là tình thương và hiểu biết lớn? Có lẽ, khi yêu thương con của mình, người mẹ đã sống tử tế hơn cho bản thân, gạt được oán giận, kể cả đó là sự phản bội của người đầu ấp tay gối...

Những người Những người 'leo dốc' cùng trẻ tự kỷ

Họ là cha mẹ của những đứa trẻ đặc biệt mắc chứng tự kỷ. Họ từng có những năm tháng mệt mỏi và cạn kiệt sức lực, tưởng như rơi xuống đáy tận cùng của cuộc đời, thậm chí từng có những ý định từ bỏ thế giới này để được giải thoát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên