Cải cách ngành cấp nước cần sự đồng thuận của người dân và một lộ trình quản trị thay đổi hợp lý. Việt Nam nói chung, hay những đô thị lớn như TP.HCM nói riêng, không cần phải tìm kiếm bài học đâu xa.

Ek Sonn Chan, tổng giám đốc Công ty Cấp nước Phnom Penh giai đoạn 1993-2011, kể lại vào năm 1994, khi công ty đến lắp đồng hồ nước để triển khai chính sách cải tiến dịch vụ nước máy và tăng giá nước sinh hoạt, một vị tướng quyền lực của Campuchia đã chĩa súng vào đầu ông bắt dừng lại.

Cùng thời điểm đó, khảo sát diện rộng cho thấy người dân nghèo Phnom Penh sẵn lòng trả tiền để có nước máy sử dụng. Khẩu súng không thắng được ý nguyện của dân, lộ trình cải cách giá và chất lượng nước sinh hoạt được thực hiện.

Chất lượng dịch vụ ngành cấp nước Phnom Penh hiện được giới chuyên gia đánh giá là vượt trội so với các đô thị tương tự.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 1.

Đầu những năm 1990, như hầu hết đô thị ở các nước đang phát triển, Phnom Penh có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tệ hại. Nước cung cấp không đủ cho người dân, hệ thống đường ống nước máy không đến các khu vực nghèo khó.

Cúp nước xảy ra thường xuyên và chất lượng nước không đảm bảo. Công ty Cấp nước Phnom Penh (PPWSA) không đủ kinh phí hoạt động, chứ đừng nói đầu tư cải tạo hệ thống. Thất thoát doanh thu từ nước lên đến 80%.

Tình hình tài chính bê bết một phần do giá nước rất thấp, đã vậy người dân tìm ra nhiều cách tránh né, không đóng tiền nước. Vòng xoáy luẩn quẩn bó buộc các bên: người dân không muốn trả tiền cho dịch vụ tệ hại và công ty nước không có nguồn thu đủ để cải tiến dịch vụ.

Thay đổi quản lý và cải cách giá nước bắt đầu từ năm 1993. Từ 1997, PPWSA tăng giá nước theo lộ trình ba giai đoạn trong vòng 7 năm, song song với cải thiện dịch vụ.

Cải cách giá nước sinh hoạt và các cải cách khác đã thực sự cải thiện chất lượng dịch vụ của PPWSA, bù đắp được đủ chi phí và tăng sự hài lòng của người dân. Ngày nay Campuchia có một trong những công ty cấp nước hoạt động tốt nhất trong các nước đang phát triển cùng trình độ.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 2.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 3.

Từ kinh nghiệm quản trị thay đổi ở Phnom Penh và với ngành cấp nước trên thế giới, các chuyên gia chính sách công đúc kết ngắn gọn rằng điều kiện tiên quyết là một chính sách giá đúng - "getting prices right".

Đây là tiền đề quan trọng cho đổi mới hoạt động, cải tiến quản trị và vận hành hệ thống bền vững. Chính sách giá đúng phải dựa trên nguyên tắc thu hồi được chi phí mà không gây bất ổn xã hội và đảm bảo tiếp cận nước sạch cho mọi người.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Kinh Tế Và Chính Sách Nước (Water Economics and Policy), nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết trung bình mỗi hộ dân ở TP tiêu thụ 21m3 nước/tháng, tiền nước sinh hoạt trả cho công ty cấp nước vào khoảng 180.000 đồng - cao hơn so với các đô thị khác ở Việt Nam, nhưng vẫn chỉ chiếm 0,9% thu nhập của một hộ gia đình trung bình tại TP.

Tuy nhiên, chi phí thực tế cho nước sinh hoạt cao hơn mức này do rất hiếm hộ gia đình sử dụng nước trực tiếp từ vòi không qua đun nấu.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 4.

Như vậy trên thực tế, công ty cấp nước thu được gần một nửa tổng chi phí nước sạch người dân bỏ ra, phần còn lại chia ra cho các dịch vụ tự nâng cấp chất lượng nước của hộ dân.

Câu hỏi là có hiệu quả hơn không nếu các chi phí này tập trung lại, để công ty cấp nước cung cấp sản phẩm cuối cùng với chất lượng bằng hoặc cao hơn hiện nay? Khoản thu thêm này có thể giúp ngành cấp nước đầu tư cải tiến hạ tầng, nâng cấp chất lượng xử lý nước, ứng phó với rủi ro môi trường và biến đổi khí hậu.

Kết quả thú vị nhất của nghiên cứu là câu hỏi về tính hợp lý của giá nước sinh hoạt. Nhìn chung, người trả lời cho rằng chi phí nước sinh hoạt hợp lý lẽ ra phải cao hơn hiện giờ một chút.

Đặc biệt, hơn 90% cho rằng giá nước thấp (ví dụ nhờ trợ giá) là phi lý. Như vậy, cung cấp nước sạch giá rẻ hay miễn phí không được người dân coi là hợp lý.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 5.

Kết quả khảo sát cho thấy người dân có xu hướng không xem nước sinh hoạt là hàng hóa công, cần được Nhà nước cung cấp miễn phí hay trợ giá phần lớn. Đây là nền tảng đồng thuận quan trọng cho các chính sách cải cách giá nước sinh hoạt trong tương lai.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 6.

TP.HCM thật ra cũng đã có lộ trình với chính sách nước sạch.

Cụ thể, dịch vụ nước sinh hoạt ở đô thị lớn nhất Việt Nam cần đạt mục tiêu Phát triển Bền vững 6 (SDG 6): "Đến năm 2030, đạt được tiếp cận công bằng và phổ cập nguồn nước uống an toàn và có thể chi trả được cho tất cả mọi người".

TP.HCM còn được kỳ vọng dẫn đầu cả nước về cung cấp nước sạch - một dịch vụ cơ bản, thiết yếu - cho người dân.

Có thể nói không ngoa là mọi chính sách khác về chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng, thậm chí thu hút đầu tư hay thu hút nhân tài, đều phải xây dựng trên cơ sở mục tiêu về dịch vụ nước.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 7.

Hoạt động kinh tế gia tăng cũng tạo ra thách thức lớn với ngành cấp nước. Nguồn cung cấp nước chính cho TP là hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, mà dọc theo các chi lưu lớn đã tồn tại nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và khu đô thị dày đặc.

Sản xuất công nghiệp xả thải gây ô nhiễm nước. Hoạt động nông nghiệp cũng ảnh hưởng lớn lên nguồn nước cung cấp cho TP qua quá trình sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không an toàn.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 8.

Nhân viên Nhà máy nước Tân Hiệp kiểm tra, theo dõi chất lượng nước tại khu vực bể lắng lọc. Ảnh: LÊ PHAN

Chi phí xử lý nguồn nước ô nhiễm để có nước sạch ngày một lớn. Thêm nữa, với nước sinh hoạt đã qua thời người dân chỉ cần nước máy đủ dùng cho nhu cầu hằng ngày. Mức sống cao hơn, nhiều hộ gia đình muốn nước máy phải có áp lực mạnh, luôn có sẵn và thậm chí nước phải uống được trực tiếp từ vòi.

Công ty cổ phần Nước Sài Gòn (SAWACO) được thành lập năm 1874 (lúc bấy giờ với tên Sở Cung cấp nước đô thành Sài Gòn), đảm nhận dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 9.

Mạng lưới truyền nước dạng vòng dài có tuổi thọ gần 60 năm không còn đảm bảo duy trì áp lực và chất lượng nước. Áp lực nước trong mạng lưới truyền dẫn không đồng đều - cao ở khu vực gần nhà máy và thấp ở cuối nguồn, dẫn đến hiện tượng lắng cặn trên đường ống khiến nước sạch bị đục hoặc có màu khi có xáo trộn thủy lực.

Trong khi nguồn nước thô đầu vào thiếu bền vững do tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, hệ thống xử lý và phân phối nước sạch có lịch sử hơn 100 năm đã quá lạc hậu, không theo kịp nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế. Chưa bao giờ những thay đổi theo hướng bền vững và bao trùm lại là cấp thiết như lúc này với ngành cấp nước TP.HCM.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 10.

Có một nghịch lý kinh điển về giá nước và giá trị thực, đến từ nhà kinh tế học Adam Smith: Tại sao kim cương lại đắt hơn nước?

So sánh này nhằm chứng minh cách người ta định giá sản phẩm, rằng mặc dù nước rất cần thiết cho sự sống còn của con người, nhưng nền kinh tế của chúng ta còn bị chi phối bởi "tính khan hiếm".

Chừng nào nước nôi còn dồi dào, nó có thể sẽ không ngừng… rẻ. Nhưng gần đây, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước, và buộc nhiều quốc gia phải suy nghĩ lại về giá nước.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 11.

Khi trận hạn hán tồi tệ năm 2015 bao trùm Bờ Tây nước Mỹ, một số lãnh đạo chính phủ, vì muốn người dân tiết kiệm nước, đã viện đến chiêu "miệt thị hạn hán" (drought shaming): khuyến khích việc lên án và bêu xấu công khai trên mạng xã hội những ai (bị cho là) lãng phí nước.

Báo Orange County Register đã đăng một bài mỉa mai điển hình với cái tựa "Chúc mừng bạn đã tưới nước cho vỉa hè", kèm ảnh chụp một vũng nước gần lề đường ở Costa Mesa, bang California.

Thay vì đoàn kết để giải quyết một vấn đề chung, người ta lại công kích lẫn nhau. Tức giận và thù ghét đã trở thành những thái độ gắn liền với hạn hán.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 12.

Năm 2019, tổ chức nghiên cứu độc lập Utah Foundation đã xuất bản một loạt bài phân tích toàn diện về vấn đề này. Theo đó, các công ty cấp nước nhận thấy mức sử dụng giảm đi 6,5% cho mỗi lần tăng 10% giá nước - một dấu hiệu thuyết phục rằng giá bán có thể tác động đến việc tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, không có một công thức tăng giá nào đúng cho mọi công ty cấp nước trong việc giảm tiêu thụ nước, theo bài báo đăng cùng năm của Trung tâm Tài chính Môi trường thuộc Đại học North Carolina tại Chapel Hill (UNC), Mỹ.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về giá nước, lượng tiêu thụ và lượng sản xuất nước sinh hoạt của hàng trăm công ty cấp nước khác nhau ở California trong đợt hạn hán từ tháng 6-2015 đến tháng 5-2016, tức giai đoạn "bắt buộc tiết kiệm nước".

Họ không tìm thấy mối tương quan giữa mức độ tăng giá và lượng nước tiết kiệm được, nghĩa là giá nước tăng không phải lúc nào cũng dẫn đến lượng nước sử dụng giảm.

Trong một số trường hợp, công ty A áp dụng tăng giá và công ty B không tăng - cả hai đều đạt được mức tiết kiệm nước như nhau. Một lý do có thể là vì các công ty tăng giá nước cao hơn vốn đã đạt mức sử dụng nước thấp hơn trước đó.

Một vấn đề nữa đáng lưu tâm là: tăng giá nước không phải là giải pháp tốt nhất trong mắt người tiêu dùng Mỹ.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 13.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 14.

Giá cả dường như không phải là công cụ chủ đạo khi ta muốn thúc đẩy việc cắt giảm nước sinh hoạt trong ngắn hạn, cũng theo nghiên cứu của UNC.

Một trong những chiến lược thành công nhất là "việc thực thi nghiêm ngặt các chỉ thị cắt giảm tại địa phương bằng cách đưa ra cảnh báo cho những khách hàng vi phạm chúng". Tính trung bình, công ty nào đưa ra nhiều cảnh báo hơn (trên 1.000 khách hàng) thì đạt được mức tiết kiệm nước cao hơn.

Trong thời buổi tin tức bủa vây con người, việc đưa tin về hạn hán trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đóng vai trò quan trọng.

Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Stanford đã chứng minh rằng: với các hộ gia đình ở nhà riêng, mức tiêu thụ nước giảm nhanh nhất là sau khi báo đài đưa tin dữ dội về hạn hán.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 15.

Để đưa ra kết luận, nhóm nghiên cứu đã theo dõi mức tiêu thụ nước hằng tháng của 2 triệu hộ gia đình Singapore từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2019.

Theo đó, vào năm 2017, sau khi chính phủ thông báo giá nước sẽ tăng 30%, mức tiêu thụ nước hằng tháng của các căn hộ bình dân (public housing, một hệ thống nhà ở được nhà nước hỗ trợ) đã giảm 5,8% so với các căn hộ tư nhân (private housing). Điểm thú vị là gần 2/3 sự tiết giảm đó thuộc về giai đoạn sau thông báo nhưng trước khi giá nước chính thức thay đổi.

Khi so sánh giữa nhóm người sử dụng ít nước và nhóm sử dụng nhiều nước, nghiên cứu cũng lưu ý rằng: nhóm đầu đã phản ứng mạnh hơn trước thông báo tăng giá, trong khi nhóm sau chỉ thay đổi hành vi khi giá nước thật sự tăng. (Khi đưa vào biến số giàu và nghèo, bài toán tăng giá nước càng trở nên khó lường - ta sẽ tiếp tục bàn ở phần sau).

Các phát hiện trên chỉ ra sự cần thiết của việc truyền thông chính sách hiệu quả trong nỗ lực tiết kiệm nước.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 16.

Daniel Brent - giáo sư kinh tế môi trường tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu - nhận xét: "Người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến giá nước và cần có thông điệp rõ ràng để giá nước có thể khuyến khích việc tiết kiệm một cách hiệu quả.

Hy vọng các công ty cấp nước sẽ thực hiện việc ngẫu nhiên hóa các thông điệp khác nhau về giá nước, từ đó tìm ra cách hiệu quả nhất để thông báo giá nước cho khách hàng".

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 17.

Khi hạn hán ngày một thường xuyên, các chính phủ trên khắp thế giới đang tìm cách cân bằng cung và cầu nước sinh hoạt, bao gồm giải pháp tăng giá. Nhưng không ít chuyên gia lo ngại cách làm này tác động tiêu cực đến những người có thu nhập thấp, những người vốn đã không đủ tiền mua nước sạch.

Vì vậy, một số quốc gia, trong đó có Singapore, tung ra các khoản trợ cấp dựa trên thu nhập hộ gia đình. Trên lý thuyết, một khoản trợ cấp quá hào phóng có thể làm giảm hiệu quả của chiến lược tăng giá nước - nhưng trong thực tế, nghiên cứu của NUS không tìm thấy hệ quả như vậy.

Thay vào đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp được hưởng trợ cấp đã giảm tiêu thụ nước ở mức tương tự như những hộ không được trợ cấp.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 18.

Nhóm của giáo sư Sarah Fletcher phát hiện ra rằng: các hộ gia đình thu nhập cao có thể đã cắt giảm đáng kể, giảm được hóa đơn nước trung bình của họ ngay cả khi phải trả thêm phụ phí hạn hán.

Trong khi đó, mức nước tiêu thụ của những hộ thu nhập thấp thường khó giảm sâu (vì vốn đã không quá cao). Ngay cả khi họ có thể cắt giảm nước sinh hoạt, mức giảm đó cũng không bù được khoản chi phí cộng thêm.

Thật ra, hàng triệu người Mỹ bình thường đã và đang phải đối mặt với hóa đơn nước ngày càng tăng và ngoài khả năng chi trả, kèm theo nguy cơ bị cắt nước hoặc mất nhà, báo The Guardian công bố hồi năm 2020.

Cuộc điều tra đã làm lộ ra tác động đau đớn của khủng hoảng "nghèo nước" (water poverty) đang lan rộng ở Mỹ, khi cơ sở hạ tầng ngày càng cũ kỹ (cần tiền để sửa chữa), các hoạt động dọn dẹp môi trường (cũng cần tiền), nhân khẩu học thay đổi và khủng hoảng khí hậu đang làm giá cả leo thang ở mọi ngóc ngách Hoa Kỳ.

Giáo sư Fletcher kết luận trên trang tin Stanford News Service: "Nếu chúng ta xem an ninh nước là bao gồm khả năng chi trả cho những người có thu nhập thấp, thì một số biện pháp công nghệ đắt tiền mà chúng ta thường xem xét có thể thực sự gây hại cho an ninh nước, bằng cách khiến rất nhiều người dân không thể trả tiền nước, (trong khi) khả năng chi trả là một phần quan trọng của (quyền) tiếp cận nước".

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 19.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 20.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 21.

Một quốc gia liệu có thể xây dựng chính sách nguồn nước bền vững đồng thời với tiến trình phát triển kinh tế hay không? Có hay không một quốc gia bắt đầu từ chỗ không có một mét cống rãnh nào "trong tay", nhưng chỉ sau nửa thế kỷ đã có thể xử lý được 90% lượng nước thải? Câu trả lời là "có" và đó là Hàn Quốc.

Xứ sở kim chi đã có một chiến lược quy mô với tầm nhìn lâu dài cùng quyết tâm và ý chí chính trị nhất quán trong xây dựng hệ thống quản lý nguồn nước.

Song song với nỗ lực phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã củng cố và phát triển hệ thống cấp nước lẫn xử lý nước thải, không chỉ đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu của dân chúng mà còn đạt được mục tiêu bền vững về tài chính.

Từ con số 0 đúng nghĩa, Hàn Quốc đã trở thành mô hình chuẩn được công nhận toàn cầu về hiệu quả hoạt động cũng như năng lực quản lý nước.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 22.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 23.

Nhìn tổng thể, chính sách nước của Hàn Quốc bắt nguồn từ các dự án phát triển tài nguyên nước toàn diện, khởi đầu với dự án xem xét, đánh giá các lưu vực sông chính từ những năm 1960.

Các dự án phát triển toàn diện này bao gồm những đập nước quy mô lớn và dự án kiểm soát nước sông xây dựng từ những năm 1970 và 1980.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 24.

Suối Cheonggyecheon (âm Hán Việt: Thanh Khê Xuyên) dài 5,8km chảy qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: Mark Pegrum

Khái niệm quản lý tài nguyên nước thân thiện với môi trường ra đời vào những năm 1990 và kể từ năm 2010, chính sách nước của Hàn Quốc đã vượt hẳn khỏi nhu cầu cung cấp và xử lý nước cơ bản để bước lên tầm cao mới: tập trung vào ứng phó biến đổi khí hậu và nâng chất hệ thống quản lý.

Báo cáo năm 2016 của Hiệp hội Nước và nước thải Hàn Quốc (KWWA) chỉ rõ cách nước này đã phát triển ngành nước trong giai đoạn nền tảng ban đầu 1960-1980.

Với sự hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Hàn Quốc đầu tư quy mô vào hạ tầng nước thải. Họ thành lập các công ty quản lý nước và nước thải đô thị, đào tạo kỹ sư và chuyên gia để tiếp tục vận hành lĩnh vực rất thiết yếu này.

Năm 1962, chỉ 18% người dân Hàn Quốc được dùng nước máy (năm 2019, tỉ lệ này ở Việt Nam đang là 52%, số liệu của Tổng cục Thống kê). Khi đó Hàn Quốc thậm chí chưa có một hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước, chứ đừng nói hoạt động thu gom hay xử lý nước thải - tất cả chỉ xuất hiện từ giữa những năm 1970.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 25.

Đầu những năm 1960, chính quyền Seoul quyết định đưa vấn đề quản lý nước vào chiến lược phát triển kinh tế tổng thể của quốc gia, gắn lĩnh vực này với các vấn đề liên quan như vệ sinh, giáo dục, phát triển nhà ở và chuyển đổi công nghiệp.

Chính sách quản lý nước sau đó được điều chỉnh liên tục nhiều lần cả về khuôn khổ pháp lý lẫn phân bổ nguồn tài chính.

Chẳng hạn, năm 1965, để giải quyết tình trạng thiếu nước và gián đoạn cấp nước, chính phủ xây dựng Kế hoạch tài nguyên nước quốc gia 20 năm.

Kế hoạch này không phải "bất di bất dịch", mà được định kỳ đánh giá để cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thực tiễn. Sau đó lại có thêm những giải pháp về chính sách cũng như tổ chức được thiết lập để giải quyết các vấn đề chất lượng nước, từ đó giúp Hàn Quốc trở thành nước đi đầu thế giới trong việc quản lý nước và nước thải.

Cần nhấn mạnh, tất cả những nỗ lực này chủ yếu do khu vực công thực hiện, chứ không hề đòi hỏi tư nhân hóa cấp nước, và trên thực tế tới nay ở Hàn Quốc, cấp nước sạch vẫn là lĩnh vực do nhà nước quản lý là chủ yếu.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 26.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 27.

Hàn Quốc giờ đã có một mạng lưới dịch vụ cấp nước và xử lý nước thải toàn quốc, tình trạng ô nhiễm nguồn nước được kiểm soát, các bệnh tật có nguyên nhân từ nguồn nước ô nhiễm gần như không còn.

Dù vậy, có thể thấy quá trình phát triển của ngành nước ở Hàn Quốc không hề dễ dàng. Cuối thập niên 1980, tốc độ đô thị hóa tăng mạnh đã khiến nhiều vùng nước bề mặt và nước ngầm bị ô nhiễm.

Phần lớn các con sông đều bị ô nhiễm nước nghiêm trọng. Dịch bệnh phát sinh vì ô nhiễm nguồn nước trở nên phổ biến tới mức chính phủ buộc phải thay đổi tiêu chuẩn chất lượng nước.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 28.

Kể từ khi thành lập năm 2002, KWWA cũng công bố báo cáo tình hình hoạt động hằng năm của từng đơn vị ngành nước và các kế hoạch liên quan trong thời gian tới.

Chính phủ Hàn Quốc đã tiếp tục hỗ trợ tài chính lớn cho ngành nước. Ngoài mức thuế dịch vụ cơ bản duy trì ở mức dưới 2% tổng thu nhập hộ gia đình với những người thuộc nhóm thu nhập thấp nhất, chính phủ tài trợ cho các đơn vị cung cấp nước khoản kinh phí vận hành bằng từ 10-13% tổng chi phí, tùy vào hình thức đầu tư và quy mô của chính quyền sở tại.

Ở chiều ngược lại, thông tin về kỹ thuật và tài chính của đơn vị cấp nước được công khai giúp cơ quan quản lý giám sát và xây dựng quy định để đáp ứng các mục tiêu thực tế của ngành.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 29.

Trong khi với việc cung cấp nước, trách nhiệm chính là của nhà nước, thì ở lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải, chính phủ giao một phần đáng kể trách nhiệm cho khối tư nhân.

Giai đoạn 1998-2008, tổng cộng hơn 800 triệu USD đã được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải. Xu thế này tiếp diễn tới nay và khoảng 58% các nhà máy xử lý nước thải tại Hàn Quốc hiện do tư nhân sở hữu và vận hành.

Theo báo cáo công bố tháng 7-2020 của Đại sứ quán Hà Lan tại Hàn Quốc về "Những giải pháp mới trong quản lý tài nguyên nước ở Hàn Quốc", từ năm 2010 luật về khuyến khích tái sử dụng nước thải như một nguồn tài nguyên nước đã đi vào hiệu lực.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 30.

Hiện nay nhiệm vụ đặt ra với Hàn Quốc là duy trì các hệ thống xử lý nước thải đã có, giảm tình trạng thiếu hiệu quả do vượt quá năng lực xử lý và thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực này. Kế hoạch mục tiêu bao gồm giảm tiêu thụ điện trong cấp và xử lý nước ít nhất 50%.

Chính phủ cũng muốn hợp nhất các đơn vị quản lý nước theo các lưu vực sông cho tới năm 2030 để tiết kiệm và giảm nhu cầu hỗ trợ tài chính từ ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư.

Cũng theo báo cáo của ADB, từ năm 2000 trở đi, chính sách nước của Hàn Quốc không còn tập trung vào phát triển hay mở rộng nữa, mà nhắm tới tăng cường tính hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Dịch vụ nước sạch:  Phải chọn được giá đúng - Ảnh 31.

Tháng 12-2020, Chính phủ Hàn Quốc thiết lập kế hoạch cơ bản quốc gia thứ hai về tái sử dụng nước để khuyến khích và mở rộng hoạt động này. Kế hoạch bao gồm nhiều dự án, trong đó có các dự án cung cấp nước thải đã xử lý cho các tổ hợp công nghiệp vốn tiêu thụ rất nhiều nước.

Chính quyền các địa phương của Hàn Quốc cũng nỗ lực tăng cường tái sử dụng nước. Điển hình như thành phố Suwon đặt ra lộ trình tham vọng với trung tâm xử lý nước thải của họ là tới năm 2025 có thể làm sạch được 325.000m3 nước thải mỗi ngày và cung cấp nước công nghiệp cho các công ty tại Suwon và vùng lân cận.

PHẠM KHÁNH NAM (Đại học Kinh tế TP.HCM) - LÊ MY - DƯƠNG KIM THOA
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0