01/11/2021 10:10 GMT+7

Đêm Sài Gòn nghe thấy lại tiếng hàng rong

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Tiếng rao thân quen của gánh hàng rong lại vọng lên giữa đêm Sài Gòn. Mới có cũ có, kẻ mất người còn, họ chạy vạy kiếm miếng ăn giữa những đêm phố thị khi đại dịch đã tạm lắng.

Đêm Sài Gòn nghe thấy lại tiếng hàng rong - Ảnh 1.

Chị Thanh Vân bên chiếc xe đạp chở những chiếc bánh lọc xứ Huế - Ảnh: NGỌC HIỂN

Và đó là những mảnh đời quyết bám trụ Sài Gòn dẫu không ít đồng nghiệp đã hồi hương...

Đêm muộn, bếp than của người đàn ông bán hàng rong bên nhà thờ Đức Bà vẫn đỏ lửa, bốc mùi thơm ngậy món mực chiên nước mắm. Đây là những ngày đầu anh Đào Hữu Thể (48 tuổi) trở lại với góc phố quen của cái nghề đã nuôi sống gia đình gần 30 năm.

"Chú gù nhà thờ Đức Bà" trở lại

Được bán trở lại là cả một phép mầu bởi anh Thể từng ngỡ phải gác lại cuộc mưu sinh khi cả gia đình mắc COVID-19 lúc đỉnh dịch, đến cả hơi thở cũng khó mong chi đến chuyện bán buôn...

Gánh hàng rong bên nhà thờ Đức Bà ấn tượng không chỉ bởi thức ăn ngon mà cả tấm lưng gù của anh Thể khiến ai cũng liên tưởng hình ảnh "thằng gù nhà thờ Đức Bà" của Victor Hugo.

Những đêm đầu trở lại đường phố, khách quen xúm lại mua khiến đôi tay anh Thể xào nướng thoăn thoắt. Dựng chân chống xe đạp treo đầy mực khô bên gánh hàng của chồng, chị Nguyễn Thị Lài (vợ anh Thể) phụ chồng nướng mực không ngơi tay. Đêm Sài Gòn mát rượi, nhưng áo vợ chồng vẫn lấm tấm mồ hôi.

Nhắc tháng ngày đã qua, anh Thể nói "ám ảnh thực sự". Mướn nhà trọ cùng đồng nghiệp, cả 8 người đều dương tính, trong đó có vợ chồng anh và 2 đứa con. Trở thành F0 ngay thời điểm TP có 10.000 ca mắc mỗi ngày nên hệ thống y tế quá tải, vợ anh phải chờ cả tuần mới được đi bệnh viện trong khi 3 cha con phải tự chữa ở nhà trọ. 

"Vợ chồng sức khỏe không được như người ta, tui cũng ốm yếu sẵn rồi, cứ sợ lên đường thôi. Thương hai đứa con bơ vơ nên cứ phải gắng gượng, suốt cả tuần chỉ uống sữa từ thiện" - anh Thể nhớ lại. Theo anh Thể, dạo đó cả trăm người bán hàng rong gốc Huế mà anh biết đều mắc COVID-19 song may mắn đều bình phục, chỉ duy nhất một cụ già 94 tuổi qua đời.

Mở túi xòe ra tấm giấy có dấu đỏ xác nhận từng là F0, mắt anh Thể sáng lên khi nói rằng không ngờ cả nhà đều vượt qua hoạn nạn, giờ tấm giấy này là "bảo bối" để anh ra đường bán rong. Sau dịch, quá nhiều người đã rời nghề nhưng anh Thể vẫn còn đắt khách, thậm chí nhiều người nhớ quá phải điện thoại hối "chú gù bên nhà thờ" ra bán. 

"Mình bán lời ít nhưng số lượng nhiều, mực phải chọn loại ngon, gia vị cũng phải chuẩn, chứ không mua loại tào lao. Bán hàng rong nhưng phải để khách nhớ quay trở lại, chứ không phải bán xong là đi luôn" - anh Thể nói.

Anh Thể quê ở Huế, vợ người Quảng Trị, gặp nhau trong xưởng may ở Sài Gòn rồi nên duyên chồng vợ, sau đó kéo nhau ra vỉa hè bán mực nướng, đến nay đã gắn bó với nghề gần 30 năm. Đợt dịch, anh Thể và vợ tính về quê mấy lần nhưng do hẻm phong tỏa mấy tháng trời, về quê cũng bị cách ly nên cả hai trụ lại tới giờ.

Đêm nào cũng đạp xe đi vài quận, kiếm được 200.000 đồng tiền lời là mừng rồi, thôi nghề nào cũng là nghề, kiếm được tiền là mừng cái đã, tới đâu hay tới đó.

Chị Võ Hoàng Thanh Vân

Những tiếng rao đêm

Khi đồng hồ điểm sang mốc 0h, chị Phạm Thị Vân (42 tuổi, quê Hà Tây cũ) bật tiếng rao "hột gà nướng, hột vịt lộn, trứng cút lộn, bắp xào đây" rảo một vòng quận 1 trước khi lủi thủi trở về xóm trọ hàng rong ở Tân Bình. Suốt 4 tháng trời đêm Sài Gòn vắng như tờ khiến tiếng rao hàng rong của chị Vân như đưa TP trở lại những thanh âm quen thuộc một thời.

Cái nghề bán hàng rong này đã gắn với chị Vân tròn hai thập niên, chỉ cần tiếng rao của chị vang lên dù chưa thấy mặt ai cũng biết chị bán món hàng gì. Nhưng không phải ai cũng sớm trở lại được với nghề như chị Vân. Trước dịch, cả trăm xe bán hột gà nướng đều là người thân quen từ ngoài quê vào, giờ chị Vân nhẩm tính chỉ còn đôi ba chục chiếc. 

Riêng trong dãy trọ, phân nửa đội xe phải xếp xó vì chủ đã về quê theo những chuyến xe "chạy dịch" từ độ cấm hàng rong. 

"Lúc đó anh em cũng nháo nhào chạy về, nhưng mình đi cả gia đình không dễ, lại không biết có mang theo dịch bệnh về quê nên thôi, vợ chồng quyết trụ lại" - chị Vân kể.

Bên chiếc xe như "cửa hàng ăn vặt di động", chị Vân kể xưa ở quê khó khăn nên vợ chồng theo dòng họ vô Nam. Chẳng hay ai là "tổ nghề", chị Vân chỉ biết người đi trước rước người đi sau, nên giờ cả dòng họ đều một nghề. 

Theo chị Vân, trước đây phần lớn bán bắp luộc là món chính, song tin đồn về "công nghệ luộc bắp bằng pin" gần chục năm trước khiến dân hàng rong điêu đứng, những người luống tuổi thất nghiệp đành về lại quê. Chỉ còn số trẻ gắng chòi đạp, bán thêm những món mới để giờ có tiếng rao với đầy đủ món ăn vặt như thế.

Trong làn sóng về quê vì dịch giã, chị Vân vẫn nghĩ. "Chắc sau tết, anh em cũng vào lại thôi, xe cộ còn đây, nhìn những người luống tuổi đợt thất nghiệp trước về quê giờ cũng dặt dẹo không nghề nghiệp thì anh em chắc cũng vô lại mà kiếm sống chứ" - chị Vân tâm sự.

Đêm Sài Gòn nghe thấy lại tiếng hàng rong - Ảnh 3.

Vợ chồng của “chú gù” cần mẫn với gánh hàng rong vỉa hè đã gần 30 năm qua - Ảnh: NGỌC HIỂN

"Lính mới" hàng rong

Những đêm muộn rảo quanh đường phố Sài Gòn, chúng tôi bắt gặp những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, dáng vẻ thanh tú chẳng giống hàng rong chút nào. Họ là những "lính mới" vừa gia nhập đội quân hàng rong mới vài tháng, thậm chí có những người chỉ vài ngày.

Bên chiếc xe kẹo chỉ, Nguyễn Văn Minh Kỳ (26 tuổi, quê Thanh Hóa) tỉ mẩn kéo mẩu kẹo ra khỏi tảng mạch nha rồi lia lịa cuộn đôi vòng kẹo thành hàng trăm sợi chỉ mảnh xếp lên bánh tráng, bán cho những đôi tình nhân trẻ dạo phố đêm. 

Dù làm rành rọt như vậy nhưng Kỳ lại là "tân binh" của nghề, mới gia nhập đội bán hàng rong từ đợt dịch này. Vốn là thợ lắp đặt điện nước, song từ độ dịch, nhà thầu cũng không còn gọi đi nhiều nên Kỳ bỏ nghề, chuyển mưu sinh hè phố.

Cả làng của Kỳ vô đây đều bán kẹo chỉ, trong xóm trọ cũng mấy chục người làm nghề này nên khi rời các công trình, Kỳ nghĩ ngay việc nối nghiệp đồng hương. Vừa rồi, xóm trọ hàng rong này có đến 40 ca F0, phòng Kỳ cũng 2 người dương tính, may sao Kỳ lại bình an vô sự suốt cả mùa để giờ có thể đi bán hàng rong.

Tương tự, chị Võ Hoàng Thanh Vân (32 tuổi) cũng làm tạp vụ ở trường học, mới chuyển sang nghề bán rong bánh lọc Huế chưa đến một năm nay. Từ thời bà nội đã bán bánh lọc nên chị Vân quyết nối nghiệp bà, hằng đêm đạp xe lọc cọc khắp các con hẻm bán từng chiếc bánh kiếm sống. Để hút khách, chị Vân mua một chiếc loa cầm tay và tự thu luôn tiếng rao của mình "bánh nậm, bánh bột lọc 10 nghìn 3 cái" giữa đêm Sài Gòn...

"Vàng son" một thuở hàng rong

Anh Thể kể rằng trước dịch bán buôn xôm tụ, khách nhiều mà đồng nghiệp cũng lắm. Trong đó, vui nhất là có cả những vị khách Tây, khách Việt kiều. Có độ, một vị khách Việt kiều Pháp vì quá mê mực chiên của anh Thể mà bỏ ra bạc triệu để mời cả gia đình anh đi ăn nhà hàng sang trọng.

"Nhà hàng sang ở quận 1 hẳn hoi nhé, lúc đó ngại muốn chết, cả đời có biết nhà hàng là chi mô" - anh Thể bật cười. Dù bán hàng rong nhưng anh Thể vẫn được khách ta, khách Tây biết đến và chính anh cũng tự hào khi "không có mặt bằng mà ai cũng tìm đến số 2 Công xã Paris tìm mực nướng anh gù".

Lượm ve chai nhiều hơn trên đường phố Lượm ve chai nhiều hơn trên đường phố

TTO - "Hồi đầu tháng 10, tụi tui mới ra lượm ve chai trở lại cũng đỡ được mấy hôm. Bởi suốt mấy tháng phong tỏa, phế liệu dồn ứ. Nhưng vài hôm sau thì khan hiếm hẳn, có buổi tui đi mỏi chân không kiếm nổi 20.000 đồng. Người đâu ra cầm bọc nhiều quá".

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên