20/10/2020 18:17 GMT+7

Đầu tư kinh phí cho phòng chống sốt xuất huyết: lo ngại vì càng ngày càng giảm

T.D.V
T.D.V

10 tháng đầu năm 2020, Hà Nội ghi nhận hơn 3.400 ca mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ 2019 (9926 ca), số mắc năm nay giảm mạnh. Trên phạm vi toàn quốc, số mắc sốt xuất huyết giảm, chỉ bằng khoảng 30% so với cùng kỳ 2019.

Đầu tư kinh phí cho phòng chống sốt xuất huyết: lo ngại vì càng ngày càng giảm - Ảnh 1.

Phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực có nguy cơ cao.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, dịch sốt xuất huyết toàn cầu chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí càng giai đoạn sau tăng cao hơn trước nhiều lần, tính chu kỳ dịch đã thay đổi, khó dự đoán, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác phòng chống dịch ngày càng khó khăn.

Trong khi kinh phí dành cho phòng chống sốt xuất huyết vốn đã hạn chế, lại đang cắt giảm, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn hiện hữu trong những năm tới đây.

Khó phòng dịch vì kinh phí bị cắt giảm

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện đang vào mùa mưa nên số mắc sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục gia tăng, dự báo sẽ còn tăng đến tháng 11 tới. Tốc độ đô thị hóa nhanh, di biến động dân cư, giao lưu thương mại, lối sống… làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch và rất khó kiểm soát được nguồn lây.

Trong khi đó, kinh phí cho hoạt động phòng chống sốt xuất huyết còn rất hạn chế và bị cắt giảm, dẫn đến khó khăn trong triển khai các hoạt động cấp thiết trước mùa dịch (phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực nguy cơ cao, giám sát chủ động về dịch tễ để đáp ứng kịp thời hay tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy quy mô lớn cắt đứt đường lây truyền trước mùa mưa) để hạn chế tối đa lây lan, bùng phát và tử vong.

Ngoài ra nhiều địa phương thiếu trang thiết bị, hóa chất, máy móc phòng chống dịch, định mức công phun hóa chất cũng quá thấp... Công tác phòng chống sốt xuất huyết không còn được duy trì trong chương trình mục tiêu từ năm 2021. Kinh phí một số địa phương cấp chưa đáp ứng nhu cầu, hoặc cấp muộn khi dịch đã bùng nên khó khăn và tốn kém hơn trong đáp ứng chống dịch.

Ngân sách ít ỏi trong khi sốt xuất huyết là bệnh lưu hành, "đến hẹn lại lên", nếu không có điều kiện phòng dịch từ sớm, từ đầu mùa, nguy cơ dịch bùng phát là hoàn toàn có thể.

Cảnh báo nguy cơ do vẫn đang trong những tháng cao điểm của dịch

Theo báo cáo của CDC TP.HCM, trong 10 tháng năm 2020, đã có hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 9.000 bệnh nhân điều trị nội trú và đã có 2 trường hợp tử vong. Hiện vẫn đang là mùa dịch, số mắc bệnh sẽ còn tăng trong những tháng tới.

Các chuyên gia dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần sẽ tiếp tục ở mức cao theo diễn biến dịch tễ của bệnh hằng năm. Bên cạnh việc phòng bệnh thì việc phát hiện sớm và chăm sóc theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách cũng rất quan trọng.

Đầu tư kinh phí cho phòng chống sốt xuất huyết: lo ngại vì càng ngày càng giảm - Ảnh 2.

Muỗi vằn lây truyền sốt xuất huyết.

CDC TP.HCM khuyến cáo khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Các chuyên gia nhận định sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, biện pháp phòng chống cơ bản và hiệu quả nhất là diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi, khống chế dịch ngay từ khi phát hiện những ổ dịch đầu tiên, kết hợp đồng bộ truyền thông, giám sát dịch tễ… sẽ hạn chế tối đa số mắc và số tử vong, tiết kiệm kinh phí. Khi dịch đã bùng phát, dập dịch rất khó khăn và tốn kém, tỉ lệ tử vong cũng sẽ cao hơn. Kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2017 - vụ dịch lớn nhất trong 10 năm gần đây tại Hà Nội - cho thấy khi bùng phát dịch thì dập dịch vô cùng khó khăn, chi phí lớn, ảnh hưởng đời sống nặng nề.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, kinh phí cho phòng bệnh sớm và đủ sẽ hiệu quả, tiết kiệm, giúp đảm bảo an sinh xã hội.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên