18/10/2020 09:48 GMT+7

Dịch sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ gia tăng trong năm 2020 và các năm tiếp theo

T.D.V
T.D.V

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết tính đến hết tháng 8-2020, Hà Nội ghi nhận 1.360 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó tuần gần nhất có 29 ca, trong khi cùng kỳ 2019 có đến trên 5.100 ca bệnh, trong tuần gần nhất của cùng kỳ có trên 860 ca mắc.

Dịch sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ gia tăng trong năm 2020 và các năm tiếp theo - Ảnh 1.


Dịch đã vào mùa

Dịch sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong phạm vi cả nước, giảm tại tất cả các khu vực, trong đó 8 tháng đầu năm cả nước ghi nhận trên 70.500 ca mắc sốt xuất huyết, chỉ bằng hơn 1/3 so với cùng kỳ 2019"- đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, số mắc đã có xu hướng gia tăng và gần tới ngưỡng cảnh báo dịch tại Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM và Hà Nội.

Năm nay tuy số mắc giảm so với cùng kỳ nhưng khi dịch vào mùa số mắc đã tăng, với những dấu hiệu không khác nhiều so với các năm trước: người mắc sốt xuất huyết ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên phần lớn trên 15 tuổi, ở miền Nam, số mắc ở lứa tuổi này đang tăng dần, và type vi rút chủ yếu là D1, D2, không có sự khác biệt so với các năm trước.

Khi tìm kiếm các ổ bọ gậy - nguồn phát sinh bệnh, thì các chuyên gia vẫn tìm thấy ổ bọ gậy nguồn chủ yếu ở các lu khạp, bể tròn, lọ hoa, gáo dừa ở miền Nam, miền Bắc là các bể ximăng, chậu cây cảnh, cây phát lộc, miền Trung là thùng nhựa, đồ phế thải, lọ hoa, ở Tây Nguyên là chum vại, lốp xe, chậu cây cảnh... Tức là nguồn truyền bệnh ở ngay trong nhà và môi trường sống hằng ngày của chúng ta, mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều nhưng các ổ bọ gậy nguồn vẫn chưa thay đổi. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định với diễn biến dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết thì hiện tại dịch bệnh đang trong mùa cao điểm, tại khu vực miền Bắc dịch sốt xuất huyết có thể còn kéo dài tới hết tháng 11, các khu vực dịch lưu hành khác vẫn còn nhiều nguy cơ nếu vẫn tiếp tục kiểu "còn lăng quăng, còn sốt xuất huyết"!

Dịch sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ gia tăng trong năm 2020 và các năm tiếp theo - Ảnh 2.


Đã thay đổi chu kỳ dịch?

Báo cáo tháng 8 vừa qua của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trong 8 tháng đầu năm, Malaysia có trên 66.000 ca mắc sốt xuất huyết, 109 người trong đó đã tử vong, tương tự Philippines có trên 55.000 ca mắc, 200 ca tử vong. Singapore có gần 22.000 ca mắc, đây là số mắc cao hơn so với cùng kỳ 2019 của nước này, đồng thời cao hơn trung bình năm năm vừa qua. Ngay ở Lào, với chỉ 4.450 ca mắc đã có đến 9 ca tử vong.

Điều này cho thấy sốt xuất huyết vẫn đang lưu hành tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó Việt Nam nằm trong khu vực bệnh lưu hành cao và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. Báo cáo của WHO cũng cho biết số mắc trong 30 năm qua cao hơn 5 lần so với 30 năm trước đó và lan rộng trên 128 quốc gia, với hơn 3 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Ước tính mỗi năm có khoảng 390 triệu trường hợp mắc, tỉ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%. Biến đổi về khí hậu, xây dựng, môi trường sống, di biến động dân cư... làm cho nguồn truyền bệnh đa dạng hơn và rất khó kiểm soát, nguy cơ của dịch bệnh trong tương lai vẫn đang hiện hữu.

Trước đây dịch sốt xuất huyết thường có chu kỳ 5 năm/lần dịch lớn, nhưng những năm gần đây tính chu kỳ không còn thấy rõ và khó dự đoán. Những khu vực như Tây Nguyên trước đây thường có số mắc sốt xuất huyết thấp, nhưng gần đây đã có năm xảy ra dịch lớn, hay Hà Nội trước 2008 từng có nhiều năm khá "yên ổn" với sốt xuất huyết, nhưng sau này cũng đã có nhiều lần dịch bùng phát ở mức độ mạnh với số mắc cao hàng đầu cả nước.

Các thử nghiệm và nghiên cứu vắc xin ngừa sốt xuất huyết đang chưa thấy có "tương lai"rõ ràng. Việc năm nào cũng vẫn những nguồn phát sinh bọ gậy cũ cho thấy thói quen phòng dịch của người dân chưa thay đổi. Các biện pháp phòng sốt xuất huyết không khó, và có thể bằng những cách làm rất dễ, rẻ, đơn giản được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, hành động nhỏ nhưng có thể phòng được dịch lớn. Nhưng muốn làm được điều đó, phải bắt nguồn ngay từ thay đổi thói quen, lối sống, sinh hoạt từ mỗi gia đình Việt.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên