21/09/2017 09:22 GMT+7

Đà Nẵng eo hẹp quỹ đất giáo dục

TTO - Thiếu phòng ốc, nhiều trường ở Đà Nẵng phải đi mượn đất cho học sinh học thể dục. Có trường phải gửi học sinh sang trường khác học tạm vì quá tải.

Đà Nẵng eo hẹp quỹ đất giáo dục - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Hòa Vang phải đi học nhờ tại Trung tâm văn hóa phường - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, hiện hệ thống trường tiểu học thiếu sân chơi, bãi tập do thiếu đất. 

Trường chật chội, phải gửi học sinh đi học nơi khác

Trường THPT Hòa Vang, Đà Nẵng đang rơi vào tình cảnh thiếu sân chơi, bãi tập thể dục, thiếu nhà đa năng, phòng chức năng trong một thời gian dài. Suốt nhiều năm học sinh trường này phải ra ngoài đường học thể dục, rất không an toàn. 

Vừa qua, Trường THPT Hòa Vang phải mượn tạm khuôn viên của Trung tâm văn hóa phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ để làm nơi học thể dục cho học sinh. 

"Việc này rất bất tiện, vì trung tâm còn có xe cộ ra vô phục vụ việc kinh doanh, sản xuất" - thầy Nguyễn Phước, hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang, cho biết.

Cũng theo thầy Phước, trường có hơn 1.200 học sinh, trong khi diện tích của trường khoảng 3.700m2

Còn theo thống kê của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, Trường THPT Hòa Vang là một trong những trường có diện tích đất rất nhỏ, chỉ đạt 1,87m2/học sinh, trong khi quy định tối thiểu ở nội thành phải đạt 6m2/học sinh.

Còn Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, quận Thanh Khê phải gửi học sinh sang học ở Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng nhiều năm qua vì quá tải. Theo ông Phạm Đình Sơn - trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu có 16-17 phòng học, nhưng lượng học sinh rất lớn. 

"Quận Thanh Khê có đặc điểm là diện tích hẹp, nhưng mật độ dân số cao gần nhất TP. Trước tình hình này, cơ quan chức năng đang có kế hoạch xây dựng thêm 5 trường gồm mầm non, tiểu học, THCS để đảm bảo đủ số lượng trường lớp cho học sinh" - ông Sơn cho hay.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thúy Hà - trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu - cho biết năm học 2017-2018, Hải Châu cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất việc dạy 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học. 

Tuy nhiên, trước thực trạng gia tăng dân số ở quận trung tâm này, việc duy trì học 2 buổi/ngày sẽ là bài toán rất khó. Bình quân học sinh trên địa bàn quận Hải Châu tăng 600 - 700 em/năm, trong khi việc mở rộng diện tích trường học hầu như không thể. 

Năm học này hầu như không có trường học mới tại đây được xây dựng. "Nhiều trường đã nâng tầng, thêm phòng học, nhưng vẫn rất khó trước sức ép của việc tăng học sinh" - bà Hà nhìn nhận.

Quỹ đất cho giáo dục mới đạt 48,8%

Theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, ở bậc THCS, một số trường có diện tích mặt bằng quá nhỏ, số khác không còn đủ diện tích cho học sinh vui chơi, luyện tập, hoạt động ngoại khóa. Với bậc THPT, không ít trường có diện tích đất rất nhỏ, như Trường THPT Hòa Vang.

Cũng theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, năm học 2014-2015 toàn TP có 205.287 học sinh, quỹ đất dành cho giáo dục là 2.907.356m2. Bình quân toàn TP đạt 14,16m2/học sinh. 

Tuy nhiên quỹ đất phân bổ không đồng đều giữa các quận huyện và giữa các ngành học, bậc học, như ở quận Thanh Khê - bậc tiểu học và THCS diện tích bình quân chỉ đạt 4,7 - 4,9m2/học sinh. 

Đối với hệ thống trường ngoài công lập, hầu hết ở các trường mầm non diện tích đất chỉ đạt 50% so với yêu cầu tối thiểu.

Trước tình trạng thiếu quỹ đất cho giáo dục, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn về vấn đề trên. 

Theo Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng, ở lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị vẫn còn một số hạn chế, trong đó quy hoạch đất dành cho cây xanh, văn hóa, y tế... chưa được bổ sung và đầu tư xây dựng kịp thời. 

Cụ thể, đất cơ sở y tế đạt 50,97%, đất cơ sở giáo dục đạt 48,8%... Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, vấn đề quy hoạch, tăng quỹ đất dự trữ cho giáo dục, y tế... cần phải được quan tâm kịp thời.

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, hiện UBND TP đang phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành GD-ĐT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Trên cơ sở diện tích đất tối thiểu bình quân đối với ngành học mầm non là 8m2/học sinh nội thành, 12m2/học sinh ngoại thành, các bậc học còn lại là 6m2/học sinh nội thành, 10m2/học sinh ngoại thành, thì đến năm 2030 cần phải bổ sung cho TP 1.116.736m2 đất.

Từ quy hoạch trên, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các ngành, các cấp phải dành quỹ đất và ưu tiên vị trí cho xây dựng, mở rộng và phát triển các cơ sở GD-ĐT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như dự báo nhu cầu đất xây dựng đã nêu.

Phải bổ sung cho ngành giáo dục 110ha đất

Theo thống kê hiện nay, diện tích đất dành cho giáo dục của Đà Nẵng đang bị thiếu so với yêu cầu. Bình quân của cả TP: ở bậc mầm non đạt 11m2/học sinh - trong khi yêu cầu là 12m2/học sinh; ở bậc phổ thông đạt 9,8m2/học sinh - trong khi yêu cầu là 10m2/học sinh.

Tuy nhiên, nếu tính diện tích trung bình ở một số quận trung tâm, con số này thấp hơn rất nhiều. Như ở quận Hải Châu, hiện diện tích đất trung bình dành cho học sinh mầm non là 4,5m2/em, tiểu học là 3,6m2/em, THCS là 3,9m2/em. Dự kiến đến năm 2025 sẽ phải bổ sung cho ngành giáo dục 110ha đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên