19/01/2019 06:10 GMT+7

Cuối năm nhà vắng người, coi chừng trộm 'viếng'

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TTO - Những chiêu thức kẻ gian đột nhập nhà vắng chủ ngày càng táo tợn, tỉnh rụi. Cận tết, cần cảnh giác cao, đặc biệt khi nhà vắng người...

Cuối năm nhà vắng người, coi chừng trộm viếng - Ảnh 1.

Người dân chủ động thông báo trên mạng xã hội về các chiêu thức gây án của đối tượng trộm nhập nha - Ảnh: từ Zalo của Công an P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM

Đóng giả người đi mua nhà đất, tìm cách dò la tin tức những nhà khóa cửa đi làm ban ngày giờ có vẻ đã là chiêu cũ...

"Do thám" kiểu mới

Anh bạn thân của tôi, nhà ở một quận vùng ven TP.HCM, vừa trở thành nạn nhân của loại trộm này nhưng với thủ đoạn mới: họ cải trang như những người đi phát tờ rơi quảng cáo, gặp những căn nhà khóa cửa, gài tờ giấy vào khe cửa hoặc ổ khóa. Có tên còn cẩn thận chụp hình lại số nhà.

Camera quan sát của nhà anh ghi lại hình ảnh hôm sau họ quay lại. Nếu chủ nhà đi vắng nhiều ngày, tờ quảng cáo vẫn kẹp vào cánh cửa, căn nhà sẽ được "chú ý" kỹ hơn.

Biết chắc chủ nhà đi vắng, chỉ cần một cuộc gọi của người "do thám", có thêm nhiều người xuất hiện trước nhà.

Họ kê một cái bàn cho vài người ngồi uống bia để "nghi binh" và làm nhiệm vụ cảnh giới, những người còn lại thản nhiên mở cửa vào nhà. Sau đó, họ mang đi vài thứ gọn nhẹ nhưng có giá trị cao.

Nhà chị đồng nghiệp của tôi tuần rồi cũng bị trộm "viếng". Một số người kể lại cho chị biết vào buổi trưa có một đôi nam nữ đi chung xe gắn máy đến nhà kêu mở cửa, hàng xóm nghe họ gọi đúng tên chủ nhà nên cứ tưởng là người quen.

Lát sau, mọi người không chú ý nữa, họ mở cửa vào nhà. Họ gọi taxi đến và lần lượt khiêng đồ lên xe rồi ung dung đi, thậm chí lấy cả đầu thu của camera quan sát. Chiều tối đi làm về, chị tá hỏa khi nhìn thấy cánh cửa nhà mình đã mở sẵn, nhiều thứ tài sản biến mất.

Những nhà ban ngày thường xuyên khóa cửa đi vắng rất dễ lọt vào “tầm ngắm” của kẻ gian. Cuối ngày chủ nhà về mới biết bị mất trộm tài sản.

Thậm chí, có nơi nhiều nhà cạnh nhau đều đi làm giờ hành chính, từng xảy ra chuyện trộm phá khóa cửa của nhiều ngôi nhà trong một buổi sáng.

Phòng trộm hơn bắt trộm

Vậy nên, nhiều nơi chính quyền khuyến cáo người dân quan tâm gia cố lại hệ thống cửa ra vào, cửa sổ, khe thông gió, ra khỏi nhà cần đóng cả chốt cửa sổ. Nên trang bị loại ổ khóa an toàn cao để phòng trộm. Các loại ổ khóa bên ngoài, kẻ trộm có thể dễ dàng mở được.

“Cẩn tắc vô áy náy”, áp dụng phương pháp khoét một ô vuông để luồn tay vào trong mỗi khi khóa cửa được đánh giá là cách làm rất hữu hiệu.

Hiện nhiều nhà có điều kiện đã đầu tư lắp đặt loại khóa vân tay, nhận diện khuôn mặt hoặc ổ khóa cảm ứng kết nối với điện thoại thông minh. Trường hợp người lạ chạm vào cánh cửa, tín hiệu sẽ tự động truyền qua điện thoại cho chủ nhà biết.

Loại ổ khóa này còn có đặc điểm là mở cửa bằng thao tác trên điện thoại. Có điều giá khóa này khá cao (từ 15 triệu đồng trở lên).

Gắn camera quan sát cũng là cách đang được chính quyền khuyến khích. Camera nhiều đường hẻm, khu phố đã góp phần giữ an ninh khu vực. Tuy nhiên, camera cần được gắn trên cao, có độ phân giải tốt, tránh tình trạng kẻ trộm che camera.

Mỗi nhà nên kết nối camera với điện thoại để giám sát được ngôi nhà dù đang ở xa. Nếu phát hiện đối tượng khả nghi có thể gọi điện nhờ hàng xóm hoặc công an địa phương hỗ trợ.

Khi phát hiện cửa nhà bên cạnh có người lạ đến mà không có chủ nhà ra đón cần hỏi rõ để ngăn ngừa kẻ xấu thực hiện ý đồ trộm cắp.

Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, những gia đình cả nhà đi vắng nhiều ngày cần nhờ người trông chừng giúp.

Thời buổi Internet, mọi thông tin đều phát tán trên mạng xã hội, nhiều người chưa đi khỏi nhà đã vội đăng thông tin thời gian đi chơi, đi đến đâu đều kể trên mạng, đây cũng là mối nguy tiềm ẩn.

Cận tết, điện thoại, xe máy, túi xách hớ hênh dễ khiến kẻ gian nổi lòng tham và dễ ra tay hơn. “Phòng trộm hơn bắt trộm”, cẩn trọng, cảnh giác để bình yên, nhất là những ngày xuân về tết đến.

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên