09/01/2024 14:36 GMT+7

Cục Kiểm ngư: Bảo kê, tranh chấp ngư trường khiến ngư dân bức xúc

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho biết đơn vị đang phối hợp cùng các lực lượng kiểm tra tình hình để xử lý triệt để tình trạng bảo kê, tranh chấp ngư trường vùng biển Tây Nam Bộ.

Ông Trương Hoài Phong - chủ tàu cá CM 91296 TS - cho biết các đối tượng đã ném bom xăng đốt tàu cá của ông làm thiệt hại hơn 2 tỉ đồng - Ảnh cắt từ clip

Ông Trương Hoài Phong - chủ tàu cá CM 91296 TS - cho biết các đối tượng đã ném bom xăng đốt tàu cá của ông làm thiệt hại hơn 2 tỉ đồng - Ảnh cắt từ clip

Thông tin này được ông Nguyễn Quang Hùng, cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết tại cuộc họp về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì sáng 9-1.

Theo ông Hùng, sau đợt kiểm tra IUU lần thứ 4 hồi tháng 10-2023, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam. Một trong số đó là nhóm khuyến nghị về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm.

Theo ông, đây là vấn đề đang rất nóng.

Hôm qua truyền hình đưa thông tin ở vùng biển Tây Nam Bộ (vùng biển Cà Mau - PV) có hiện tượng bảo kê, tranh chấp ngư trường đánh cá, dùng cả bom xăng, súng tự chế.

Khi ra ngư trường khai thác thì ngư dân phải nộp tiền bảo kê, mỗi tiếng nộp 3 triệu đồng.

"Khi không có tàu của lực lượng chức năng thì mới xuất hiện tình trạng này và hoạt động thường diễn ra về đêm. Ngư dân mình cũng không dám chụp ảnh, không dám khai báo vì sợ người ta thù nên việc bắt giữ gặp khó khăn.

Cục Kiểm ngư đã chỉ đạo Chi cục Kiểm ngư vùng 5 phối hợp với lực lượng biên phòng và cảnh sát biển kiểm tra, theo dõi, bám sát tình hình để xử lý triệt để vì ngư dân đang rất bức xúc", ông Hùng nói thêm.

Cũng theo ông, từ tháng 10-2023 đến nay vẫn có 17 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó nhiều nhất là Kiên Giang 6 tàu, Cà Mau 3 tàu. Bên cạnh đó tình trạng tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình (VMS) vẫn còn rất phổ biến.

"Đây là hai vấn đề quan trọng nhất và không thể giấu được. Nếu còn tàu cá vi phạm thì khả năng chúng ta đề nghị phía EC gỡ thẻ vàng là rất khó" - ông Hùng nhấn mạnh và nói chúng ta phải chấm dứt ngay các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp.

Ông Hùng cho biết dự kiến tháng 6-2024, EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra IUU lần thứ 5.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Cục Kiểm ngư và Cục Thủy sản phải thúc các địa phương để quyết liệt, thực hiện ngay các khuyến nghị của EC. Nếu địa phương nào còn tồn tại thì báo cáo bộ trưởng hoặc thứ trưởng sẽ trực tiếp đi với bí thư, chủ tịch tỉnh để xử lý dứt điểm.

Ông Hoan yêu cầu trong báo cáo về IUU gửi Thủ tướng tới đây cần phải có mục báo cáo riêng về 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang để người đứng đầu Chính phủ có những chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm.

Báo cáo hỏa tốc về thực trạng tranh chấp ngư trường biển Cà Mau

Ngày 9-1, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo về việc tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau.

Một số tàu khai thác thủy sản ở Cà Mau không dám ra khơi do sợ ngư trường tranh chấp - Ảnh: THANH HUYỀN

Một số tàu khai thác thủy sản ở Cà Mau không dám ra khơi do sợ ngư trường tranh chấp - Ảnh: THANH HUYỀN

"Thời gian gần đây tình trạng tranh chấp ngư trường để khai thác trên vùng biển Cà Mau có chiều hướng gia tăng. Cụ thể ngày 8-11-2023, một số đối tượng tấn công bằng chai thủy tinh có chất gây cháy làm bị thương ngư dân tỉnh Kiên Giang…", báo cáo nêu.

Tranh chấp ngư trường biển Cà Mau: Nhiều ngư dân lo sợ, không dám ra khơi

Trong 3 tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 còn xảy ra 7 vụ xung đột khác làm nhiều tàu cá hư hỏng và nhiều ngư dân bị thương.

Nguyên nhân dẫn đến xung đột, tranh chấp ngư trường thường xảy ra giữa nghề lưới kéo và nghề ốc bẫy mực. Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng trộm cắp ốc bẫy mực.

"Hiện nay (qua nắm thông tin từ người dân), phát sinh thỏa thuận giữa nhóm tàu cào với tàu ốc bẫy mực, dẫn đến dấu hiệu chiếm ngư trường trái phép để trục lợi.

Nhóm tàu ốc bẫy mực chiếm dụng ngư trường sau đó thu tiền rồi cho nhóm tàu cào vào khai thác. Thêm vào đó, có xuất hiện các nhóm xã hội đen sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí trên biển để tranh giành ngư trường", văn bản nêu thực tế.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu dồn nhân lực, nguồn lực để gỡ Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu dồn nhân lực, nguồn lực để gỡ 'thẻ vàng' EC

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành chức năng và chính quyền các tỉnh có biển dồn nhân lực, nguồn lực để gỡ “thẻ vàng” EC.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên