24/02/2018 10:48 GMT+7

Còn lại gì sau tết?

NGUYỄN ÁI TƯỜNG VÂN
NGUYỄN ÁI TƯỜNG VÂN

TTO - Sau tết - chỉ mong ai nấy đều có một tâm thế hứng khởi: 'Tôi đã ăn một cái tết thật vui' là đủ rồi. Riêng tôi, ngày đầu năm đi làm, gặp lại đồng nghiệp, được nhận lì xì đầu năm nói chuyện vui vẻ và kể cho nhau nghe ăn tết ở quê thế nào.

Còn lại gì sau tết? - Ảnh 1.

Mỗi năm một mùa xuân căng tràn sức sống lại đến, mang theo niềm vui lạc quan cho con người, tạm cuốn đi những ưu phiền, lo lắng và nỗi niềm của năm cũ - để con người ta cảm thấy một điều gì đó mới mẻ hơn khi chuyển giao sang một giai đoạn mới…

Tôi, giống như bao người khác đã trải qua niềm háo hức của trẻ nhỏ mỗi khi tết đến với những chiếc bánh chưng xanh mướt lá dong còn nóng hổi được vớt khỏi nồi; reo lên vui thú, tò mò mở từng phong bao lì xì chữ THỌ đỏ tươi xem có bội thu so với năm ngoái không, có chút tiếc nuối khi hết những ngày được ngủ nướng đến tận mười giờ sáng…

Những ngày tết trôi qua, tôi mong mình chuẩn bị đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Tôi mong sau tết sẽ được nghe nhiều chuyện vui hơn thay vì một tai nạn của đồng nghiệp nào đó bởi quá chén, sẽ mong đọc trên báo những tin vui trẻ em được nhận quà ăn tết thay vì những câu chuyện đau lòng râm ran dư luận mấy ngày qua…"

Nguyễn Ái Tường Vân

Khỏi phải nói, tôi đã từng trẻ con đến mức giả bệnh chỉ để được nghỉ thêm vài ngày tết mà vốn dĩ chỉ để mong sẽ có ai đến lì xì cho tôi nữa.

Ngày còn sinh viên, tôi chỉ mong mỏi tết bởi là kì nghỉ lễ dài nhất tôi có được để về thăm nhà, ba mẹ và cậu em trai lúc nào cũng hỏi trong điện thoại: "Chừng nào Hai về vậy?".

Lúc này tôi thấm thía hơn nỗi nhớ nhà không chỉ có trong tôi mà còn hiện hữu trong đôi mắt mừng vui của mẹ, là đôi tay mau mắn của cha nhanh chóng dỡ hành lý: " Để đó cho ba, lo về nghỉ ngơi đi con".

Về nhà, tôi vẫn có thể được ngủ li bì để "bù" cho những tháng ngày miệt mài học hành và làm thêm nơi Sài thành đô hội. Trưởng thành hơn để đỡ đần mẹ cha trong công việc dọn tết, để biết được cảm giác nhìn ngắm quê hương mình trong ngần ấy năm trời có gì đổi khác hay tỷ như ở ở nhà, mấy chú "ủn ỉn" nhà mình lớn thêm tý nào không để còn mau" xuất chuồng".

Đi làm rồi, tất bật nhiều hơn, thời gian để đọc một cuốn sách cũng chẳng đủ, tôi chợt nhận ra mình không còn nhiều hứng khởi cho tết nữa.

"Tết đến rồi!" là dấu hiệu cho báo thấy mọi thứ công việc sẽ ngày càng dồn dập hơn. Tại công ty, không khí như thể chạy giặc với đủ lời hối hả, quát tháo từ sếp cho tới nhân viên. Nhưng rồi những câu cuối cùng thật vui bởi đó là những lời chúc ăn một cái tết thật vui vẻ, đi đường cẩn thận hay giữ gìn sức khỏe dành cho nhau…

Người ta than mệt mỏi vì tết nhưng cũng vì mọi thứ họ làm chỉ để tận hưởng tết thật vui mà thôi. Đến những người bán hoa ngày tết còn nở nụ cười tươi dù rằng họ "phải đập chậu hoa chứ nhất quyết không hạ giá" trong đêm 29 mà.

Về nhà, lại những câu hỏi truyền thống "con làm ở đâu" "lương bao nhiêu một tháng" "có người yêu chưa" dần trở nên bình thường…

Tôi đã đảm nhận "vai chính" quán xuyến mọi việc trong nhà, gánh thay những lo toan nhà cửa bộn bề hay đi chúc tết thay cha mẹ để đảm bảo tết cho cả nhà thật vui.

Khi những ngày tết trôi qua, tôi mong mình chuẩn bị đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Tôi mong sau tết sẽ được nghe nhiều chuyện vui hơn thay vì một tai nạn của đồng nghiệp nào đó bởi quá chén, sẽ mong đọc trên báo những tin vui trẻ em được nhận quà ăn tết thay vì những câu chuyện đau lòng râm ran dư luận mấy ngày qua…

Tôi cũng mong sau tết mọi người sẽ vui vẻ chuẩn bị tinh thần cho một năm mới thay vì đổ bệnh chỉ vì "thả ga" không cần thiết; những cành đào, cành quất sẽ được dọn dẹp sạch sẽ thay vì bị vứt lung tung như thể chúng chưa từng hiện diện; những phong bao lì xì được nâng niu thay vì bị xé bỏ chỉ vì mệnh giá nhỏ nhặt…

Sau tết - chỉ mong ai nấy đều có một tâm thế hứng khởi: "Tôi đã ăn một cái tết thật vui" là đủ rồi. Riêng tôi, ngày đầu năm đi làm, gặp lại đồng nghiệp, được nhận lì xì đầu năm từ các anh, các chị và bạn bè, nói chuyện vui vẻ và kể cho nhau nghe mình ăn tết ở quê thế nào - âu cũng là một niềm vui tuyệt vời.

Hơn 600 bài viết tham gia Tết của tôi

Các tác giả đủ lứa tuổi khắp các vùng quê đất nước, từ cụ ông 83 tuổi đến người trẻ tuổi, từ người ở trời Tây thương nhớ quê nhà hay người nhập cư không thể trở về bên mâm cơm gia đình... mỗi người đều có một hoặc nhiều câu chuyện về tết. Có tác giả gửi bài nhiều lần, nhiều bài.

Trong đó không chỉ là câu chuyện hồi tưởng về quá khứ như "Tôi vẫn nhớ tết tuổi thơ" (Hồng Như) mà còn là những suy ngẫm về tình đất, tình người, như "Một lần "bị" ăn tết ở Sài Gòn, tôi đã thấy gì?" (Chung Thanh Huy) đã nhận 48 ý kiến bình luận của bạn đọc.

Các bài viết còn thể hiện khát vọng của tuổi trẻ về lập thân lập nghiệp, về Việt Nam trong tương lai như "Thư gửi ba mẹ của một du học sinh nhớ tết Sài Gòn" (Lê Thị Hồng Vân, Pháp)...

Như bạn đọc Diễm Hà tâm sự: "Tết của tôi là món quà xuân để mọi người chia sẻ, tìm đến sự đồng cảm. Cảm ơn quý báo đã đăng bài. Ba tôi vui lắm".

Gửi đến bài thơ của ba mình, Diễm Hà viết kèm: "Đây là bài thơ của ba tôi viết tặng mẹ tôi. Mẹ tôi ra đi vào tết cách đây 4 năm. Nên tết trong ba tôi là những ngày nhớ. Tôi mong bài thơ được đăng như là món quà xuân với ba tôi tết này"...

Một lần nữa xin cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc. Hi vọng tiếp tục nhận được nhiều đóng góp, chia sẻ trong các chuyên mục tiếp theo để Tuổi Trẻ Online ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

NGUYỄN ÁI TƯỜNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên