20/11/2022 07:30 GMT+7

Cô nữ sinh nghèo mơ ước được khoác áo blouse trắng khám bệnh giúp người

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Nguyễn Thị Cẩm Tú, cô học trò quê Cai Lậy (Tiền Giang), mơ ước được khoác chiếc áo blouse trắng khám bệnh cho mọi người nên đã nỗ lực học thật chăm. Và quả ngọt đã đến khi Tú trúng tuyển ngành y đa khoa Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Cô nữ sinh nghèo mơ ước được khoác áo blouse trắng khám bệnh giúp người - Ảnh 1.

Cẩm Tú sửa lại xe đạp sẵn sàng cho hành trình chinh phục ước mơ trở thành bác sĩ - Ảnh: M.TRƯỜNG

Nhưng ngay khi tưởng như đã chạm được vào ước mơ, Tú ngập ngừng hỏi một câu khiến mẹ chênh chao: "Nhà mình nghèo quá, liệu có đủ khả năng đeo đuổi trong mấy năm trời không mẹ?"

Nhiều cô chú khuyên chọn sư phạm để không đóng học phí nhưng từ nhỏ mình đã mê làm bác sĩ, muốn khám chữa bệnh cho người nghèo. Mình sẽ cố thêm chút nữa để thực hiện ước mơ đến cùng.

NGUYỄN THỊ CẨM TÚ

Ráng cho con học cao hơn mình

Câu hỏi của con gái không thôi ám ảnh người mẹ Huỳnh Thị Út Liên suốt bữa giờ. Hơn một công đất trồng sầu riêng gần như mất trắng kể từ khi bị nước mặn tàn phá, những cây cho trái đã chết hết, cây nào cứu được cũng èo uột không cho trái. Nguồn thu nhập chính của gia đình cũng theo đó teo tóp dần. Hai vợ chồng đã nghĩ đến chuyện cho một trong hai đứa con nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ.

Hai vợ chồng đều học không qua hết lớp 5, chỉ đủ biết đọc biết viết. Hai chị em Cẩm Tú đang tuổi ăn tuổi lớn và đều rất ham học. "Phải cho con cái học cao hơn mình, tụi tui lấy đó làm động lực, cố gắng làm lụng kiếm tiền nuôi hai đứa ăn học cho đàng hoàng", bà Liên nói.

Nhưng do kinh tế eo hẹp nên chỉ ưu tiên cho Cẩm Tú đi học thêm rồi có nhiệm vụ kèm lại cậu em trai. Cũng có giáo viên biết hoàn cảnh gia đình Tú nên dạy thêm mà không lấy tiền. Những lúc như thế Tú mừng lắm và đi học không sót bữa nào. "Bạn bè rủ đi chơi chỗ này chỗ kia, nhưng em cũng ngại không đi. Vì đi bạn bè cũng bao nhưng như vậy hoài coi sao được, chỉ mong mấy bạn hiểu", Cẩm Tú tâm sự.

Ngồi trầm ngâm trước căn nhà được chắp vá từng đoạn, bà Liên thở dài: "Phải chi hồi đó không sửa nhà, để dành tiền thì giờ con đi học cũng không đến nỗi nào". Nhưng cái nhà cũ trước đây không đủ chỗ che mưa nắng cho cả nhà bốn người. Hai vợ chồng gom góp rồi vay mượn thêm ráng cất lên cho có chỗ an cư tươm tất rồi từ từ lo làm cho con ăn học.

Mà người tính không bằng trời tính, huê lợi từ mấy gốc sầu riêng bỗng chốc bị nước mặn nuốt mất. Bà Liên cũng mất việc do ảnh hưởng của COVID-19, công việc phụ hồ của ba Cẩm Tú cũng không còn đều đặn như trước. Vậy là kinh tế gia đình càng lúc càng khốn đốn.

Niềm vui chưa trọn vẹn

Ngày nhận tin con gái đậu ngành y, bà Út Liên như không tin vào mắt mình. Nhưng niềm vui đó nhanh chóng bị dập tắt bởi những câu hỏi ngổn ngang trong đầu: Tiền đâu ra 60 triệu đồng mỗi năm cho con đi học? Sao con không học một ngành nào khác ít tốn thời gian và nhanh ra trường hơn?... Đến nỗi cái tin con gái đậu đại học đáng ra phải mừng thì bà Liên đành giấu nhẹm mọi người, bởi chính bà cũng không chắc liệu con mình có thể đi học tiếp được hay không.

Nhìn con gái sửa chiếc xe đạp được một nhà hảo tâm mua cho hồi học cấp III để chuẩn bị mang theo đến trường đại học, bà mẹ nghèo rơm rớm nước mắt: "Gần ngày nhập học nhưng hành trang mới chỉ có chiếc xe đạp đó thôi. Vợ chồng tui cũng đã chuẩn bị được ít tiền làm lộ phí rồi, giờ ráng vay mượn, cố được tới đâu hay tới đó".

Tú biết rõ cái khó của nhà mình nên cũng đã tính buông xuôi hay chọn một ngành khác với mức học phí rẻ hơn. Từ hôm nhận giấy báo nhập học, bạn cùng mẹ cố làm việc gấp đôi so với bình thường với hy vọng gom góp được thêm chút nào hay chút đó để làm lộ phí qua Cần Thơ nhập học. Nhưng công việc đan dây nhựa, dây lác tại nhà có cố gắng mấy mỗi ngày cũng chỉ được chừng 50.000 - 70.000 đồng, số tiền không thấm vào đâu với khoản học phí khoảng 60 triệu đồng cần phải đóng.

Cô Châu Thị Thùy Oanh - giáo viên chủ nhiệm của Cẩm Tú - nói cô học trò Trường THPT Đốc Binh Kiều (Tiền Giang) chăm ngoan, là học sinh giỏi ba năm liền, giỏi nhất môn hóa. "Gia đình khó khăn vậy nhưng Tú luôn phấn đấu, rất nhiệt tình cả trong học tập lẫn các hoạt động của lớp, của trường và kết quả đậu ngành y đa khoa là xứng đáng với nỗ lực của bạn ấy" - cô Oanh chia sẻ.

92 học bổng cho sinh viên Tiền Giang, Bến Tre

Sáng nay (20-11), tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng hai tỉnh đoàn Tiền Giang, Bến Tre trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 92 tân sinh viên khó khăn của hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre.

Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng tiền mặt. Tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng được Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre, Câu lạc bộ doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM tài trợ dành riêng cho tân sinh viên khó khăn hai tỉnh nói trên.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) cũng trao tặng 3 laptop (khoảng 15 triệu đồng/máy) cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.

Đây là điểm trao thứ bảy trong 12 điểm trao dự kiến của chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2022, thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 556 của báo Tuổi Trẻ. Trước đó, 95 tân sinh viên của 11 tỉnh thành còn lại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận học bổng này trong lễ trao được tổ chức tại Đồng Tháp.

Cô nữ sinh nghèo mơ ước được khoác áo blouse trắng khám bệnh giúp người - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Chuyện về cô học trò ăn cơm trắng chan nước dừa Chuyện về cô học trò ăn cơm trắng chan nước dừa

TTO - “Nhà em nghèo lắm! Nghèo đến nỗi ngôi nhà lá vá chằng vá đụp được dựng lên giữa vạt dừa không có nổi một cánh cửa. Để có tiền đi học, em chỉ còn cách phụ quán ăn, quán cà phê sau mỗi giờ lên lớp”, tân sinh viên xứ dừa Nguyễn Thị Thúy Diễm nói.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên