04/10/2023 16:33 GMT+7

Có một tiểu đoàn về tiếp quản thủ đô, ai cũng mang theo... chổi

214 người trong Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn Thủ đô khi trở về tiếp quản các vị trí trọng yếu ở Hà Nội từ tay quân đội Pháp ngày 8-10-1954, mỗi người đều mang theo một cây... chổi, vì sao?

Các đội hành chính tiến vào Hà Nội để tiến hành kiểm kê vào đầu tháng 10-1954 - Ảnh chụp lại trong trưng bày

Các đội hành chính tiến vào Hà Nội để tiến hành kiểm kê vào đầu tháng 10-1954 - Ảnh chụp lại trong trưng bày

Trong trưng bày Sông Hồng cuộn sóng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc ngày 4-10, người xem có thể bắt gặp một thông tin thú vị: 214 người lính trong Tiểu đoàn Bình Ca về tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày 8-10-1954, mỗi người đều mang theo một cây… chổi.

Ông Dương Niết là một chiến sĩ trong tiểu đội ấy, nay đã 90 tuổi, cũng có mặt tại buổi khai mạc trưng bày Sông Hồng cuộn sóng kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2023).

Ông Dương Niết - nguyên phó giám đốc Học viện Phòng không Không quân, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online lý do tiểu đội của ông mỗi người đều được lệnh mang theo một cây chổi.

Ông Dương Niết chia sẻ với Tuổi Trẻ Online lý do Tiểu đoàn Bình Ca về tiếp quản thủ đô ai cũng mang theo... chổi - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Dương Niết chia sẻ với Tuổi Trẻ Online lý do Tiểu đoàn Bình Ca về tiếp quản thủ đô ai cũng mang theo... chổi - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Dương Niết cho biết cũng chỉ có mình tiểu đoàn ông là được lệnh làm như vậy. Bởi lẽ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô là đơn vị về thủ đô sớm, tiếp quản các vị trí trọng yếu từ quân đội Pháp ngày 8-10, chuẩn bị có các đoàn quân cùng tiến về Hà Nội ngày 10-10.

Tuy là tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, nhưng khi Tiểu đoàn Bình Ca về tiếp quản thủ đô đã phải đóng giả là cảnh vệ thành vì quân Pháp yêu cầu lực lượng tiếp quản không phải là bộ đội chính quy, không được mang theo vũ khí, không đeo huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.

214 người của Tiểu đoàn Bình Ca mang theo những vật dụng sinh hoạt thiết yếu như chăn màn, dây mắc màn, giấy vệ sinh và một cây chổi.

Lý do bởi thời điểm chuyển giao, cấp trên tính toán các công ty vệ sinh của chính quyền cũ không còn hoạt động, đường phố sẽ lộn xộn mất vệ sinh nên những người về tiếp quản phải mang theo chổi để quét dọn.

Ông Dương Niết (ngồi) cùng các đồng chí của mình tham gia tiếp quản thủ đô - Ảnh chụp lại trong trưng bày

Ông Dương Niết (ngồi) cùng các đồng chí của mình tham gia tiếp quản thủ đô - Ảnh chụp lại trong trưng bày

Ông Niết cho biết các điểm quân Pháp đóng và đang rút đi để quân ta về tiếp quản rất bừa bộn, các ông phải quét dọn, nhưng đường phố lại sạch sẽ gọn gàng vì người dân đã dọn dẹp, trang hoàng chuẩn bị đón đoàn quân giải phóng.

Lúc 16h ngày 9-10-1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Nhiều vị trí quan trọng được các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca tiếp quản an toàn như: Dinh Quốc trưởng (nay là Phủ Chủ tịch), Tòa án Hà Nội (nay là Tòa án nhân dân tối cao), Nha Cảnh sát Bắc Việt (nay là trụ sở Công an TP Hà Nội), Nhà tù Hỏa Lò (nay là di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò)...

Lực lượng tiếp quản đã đảm bảo tính mạng, giữ vững cơ sở vật chất, phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân Hà thành chuẩn bị cho ngày giải phóng.

Tiểu đoàn Bình Ca trên cầu Đuống về tiếp quản 35 vị trí trọng yếu ở Hà Nội ngày 8-10-1954 - Ảnh chụp lại từ trưng bày

Tiểu đoàn Bình Ca trên cầu Đuống về tiếp quản 35 vị trí trọng yếu ở Hà Nội ngày 8-10-1954 - Ảnh chụp lại từ trưng bày

Các chị, các mẹ thức thâu đêm để cắt, may, khâu những lá cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu. Thanh niên nam, nữ hăng hái dựng cổng chào, giăng đèn kết hoa trên các đường phố. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày về chiến thắng.

Sáng 10-10-1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Hai mươi vạn nhân dân thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân thắng trận. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp đường phố. Cả Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng.

Câu chuyện về ngày trở về giải phóng thủ đô của bộ đội ta cũng được kể sinh động tại trưng bày Sông Hồng cuộn sóng, qua những hình ảnh, thông tin sự kiện lịch sử cũng như lời kể của các nhân chứng.

Ngoài ra trưng bày còn mang đến cho người xem những câu chuyện xúc động về 9 năm trường kỳ kháng chiến của nhân dân, học sinh Hà Nội, những cán bộ, chiến sĩ bị tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò…

Trưng bày kéo dài đến ngày 30-12.

Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô: Hà Nội, ngày đoàn hùng binh khải hoànKỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô: Hà Nội, ngày đoàn hùng binh khải hoàn

TTO - Cụ Trịnh Ngọc Tiến dừng xe, lặng ngắm cổng chào làm bằng cót trên phố Phùng Hưng. Chiếc cổng vừa được dựng lại như bức ảnh cụ chụp cách đây đúng 65 năm - ngày lịch sử giải phóng thủ đô...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên